Ngộ độc nấm, 2 người tử vong, 1 người nguy kịch

Vụ ngộ độc nấm vừa xảy ra tại huyện Mai Châu, Hòa Bình khiến 5 người nhập viện trong đó 2 người tử vong, 1 người nguy kịch.

Đây là vụ ngộ độc do ăn nấm độc đầu tiên xảy ra trong năm 2015.

Theo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, chiều 19/3, gia đình anh Hà Văn Khiên vào rừng hái nấm.  Sau khi ăn khoảng 4-6h, tất cả đều có triệu chứng: đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy dữ dội.

Ngộ độc nấm, 2 người tử vong, 1 người nguy kịch - 1
Bệnh nhân ngộ độc nấm đang được điều trị tại bệnh viện

 

Nạn nhân được đưa đến Trung tâm y tế huyện Mai Châu. Do quá nặng, bệnh viện đã chuyển những bệnh nhân này đến Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng nặng, rối loạn tiêu hóa,  men gan tăng và có các dấu hiệu nhiễm độc gan cấp.

Đến thời điểm này đã có 2 người tử vong và 3 người đang điều trị, trong đó có 1 trường hợp đang nguy kịch.

Được biết, gia đình nạn nhân là người Thái, có hoàn cảnh rất khó khăn, không có tiền đóng viện phí và mua thuốc, cả ba mẹ con đang nằm điều trị. Vợ của anh Khiên (Vi Thị Hiên) do không có tiền nên không dám nhập viện. Tuy nhiên, các bác sỹ Trung tâm Chống độc đã làm thủ tục nhập viện cho người vợ và huy động tối đa các loại thuốc của bệnh viện để truyền cho bệnh nhân.

Ngộ độc nấm, 2 người tử vong, 1 người nguy kịch - 2
Các bác sĩ họp tìm phương án cứu chữa nạn nhân ngộ độc nấm

 

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cảnh báo, thời gian từ cuối xuân chuyển sang hè (từ tháng 2 đến tháng 4 hàng năm) được coi là mùa phát triển của các loại nấm, nhất là nấm hoang dại, mọc nhiều ở khu vực phía Tây Bắc. Vì vậy, nguy cơ người dân ăn phải nấm độc rất cao.

Lãnh đạo Bộ Y tế khuyến cáo người dân, tuyệt đối không sử dụng nấm khi chưa rõ nguồn gốc, không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại (kể cả nấm màu trắng), nấm có đủ các phần của thể quả.

Người dân cũng không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo khó nhận dạng nấm độc. Nấm có sâu bọ ăn hoặc cho gà, chó ăn không chết vẫn có thể gây ngộ độc đối với người.

Nếu đã sử dụng nấm và có triệu chứng ngộ độc, phải gây nôn rồi chuyển đi cấp cứu ở trung tâm y tế gần nhất để chữa trị kịp thời như: rửa dạ dày, cho uống than hoạt tính sớm.

Cục An toàn thực phẩm đã ban hành công văn hướng dẫn các Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động kế hoạch, tăng cường chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh triển khai các biện pháp phòng chống ngộ độc do nấm độc; tổ chức hướng dẫn các đơn vị Y tế tuyến cơ sở trong công tác sơ cứu, cấp cứu, điều trị bệnh nhân bị ngộ độc do ăn nấm độc.

Đặc biệt tập trung truyền thông các biện pháp phòng chống ngộ độc do nấm độc đến tận hộ gia đình, những cộng đồng có thói quen thu hái, chế biến và sử dụng nấm dại làm thức ăn. Để phòng chống hiệu quả, triệt để ngộ độc do nấm độc, người dân tuyệt đối không thu hái, không chế biến và không ăn nấm mọc hoang dại, kể cả nấm dại nghi ngờ không an toàn.

 

 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN