Nghiên cứu mô hình "Thành phố thuộc thành phố", "trong thành phố có rừng"
Theo TS. Chu Mạnh Hùng, mô hình "Thành phố thuộc thành phố" sẽ có vị trí pháp lý của đơn vị hành chính cấp huyện theo quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Đây là điểm nhấn rất đặc biệt gắn với vị thế đặc biệt của Hà Nội.
Ngày 1/8, Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội, Sở Tư pháp thành phố Hà Nội phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học “Góp ý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Báo cáo tóm tắt kết quả 10 năm thi hành Luật Thủ đô, ông Nguyễn Thanh Sơn, Bí thư Đảng ủy Khối các Trường Đại học, cao Đẳng Hà Nội cho biết, sau 10 năm thi hành Luật Thủ đô đã tạo sự chuyển động tích cực trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, bên cạnh đó, còn một số nội dung của Luật Thủ đô chậm ban hành văn bản quy định chi tiết để kịp thời thực hiện thống nhất, đồng bộ, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu lực, hiệu quả thi hành luật. Điều này làm cho một số quy định của luật chậm đi vào cuộc sống, dẫn đến việc đầu tư dự án phát triển đô thị dàn trải, không theo quy hoạch và kế hoạch.
Tại hội thảo, các chuyên gia, đại biểu đã thảo luận, góp ý tập trung vào 9 nhóm nội dung trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Nghiên cứu mô hình "Thành phố thuộc thành phố"
Phát biểu tại hội thảo, TS. Chu Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, thời gian qua, các đô thị lớn ở Hà Nội đối mặt với những thách thức về môi trường, bất bình đẳng xã hội, gia tăng dân số. Trong khi đó, quá trình đô thị hóa đã đạt tới điểm bão hòa về không gian có thể phát triển sẵn có. Do đó, vấn đề kiểm soát đô thị hóa và giải tỏa áp lực cho các đô thị trung tâm là nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội cấp bách. “Hà Nội cần được phân quyền hơn nữa, thành lập thành phố thuộc thành phố, thúc đẩy sự ra đời và phát triển mạnh mẽ các đô thị vệ tinh. Đồng thời, là nơi tập trung những yếu tố mới về kinh tế, xã hội và khoa học - công nghệ”, TS. Chu Mạnh Hùng nói.
Quang cảnh hội thảo sáng ngày 1/8
TS Chu Mạnh Hùng lý giải, thành phố thuộc thành phố sẽ có vị trí pháp lý của đơn vị hành chính cấp huyện theo quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Đây là điểm nhấn rất đặc biệt gắn với vị thế đặc biệt của Hà Nội. Bởi lẽ đó, tính vượt trội, đặc thù cho Hà Nội trong đó có các đô thị vệ tinh, nhất là thành phố thuộc Thủ đô cần phải được tính đến trong quy hoạch, quản lý và phát triển.
Ngoài ra, mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông TOD mà dự thảo đề xuất cũng là điểm đột phá. Tuy nhiên, cần phải có sự phân biệt về khoảng cách với đô thị trung tâm Hà Nội và các đô thị khác nhằm giải tỏa áp lực dân cư, phát triển kinh tế, dịch vụ và các hoạt động khác; xử lý tốt mối quan hệ “trục dọc, trục ngang” để các thành phố thuộc thành phố Hà Nội không rơi vào tình trạng đô thị vệ tinh là sự mở rộng của đô thị trung tâm như trường hợp của thành phố Thủ Đức, TS. Hùng nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Bá Long, Viện trưởng Viện Quản lý đất đai và Phát triển nông thôn (Trường Đại học Lâm nghiệp) đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ người dân là chủ sử dụng đất có đất bị thu hồi hay liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư, góp đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, cho thuê đất đối với các dự án phát triển đô thị, nông nghiệp công nghệ cao.
TS. Chu Mạnh Hùng phát biểu tại hội thảo
Ông Long cho rằng, Hà Nội cần nghiên cứu mô hình "đô thị nén" ở khu vực đô thị trung tâm với định hướng: “Trong thành phố có rừng”, dành tỷ lệ cho cây xanh, “vành đai xanh”, “không gian xanh”, hướng tới xây dựng “Thủ đô xanh”. “Cần nghiêm cấm chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Thay vào đó, thành phố có chính sách hỗ trợ cho các chủ rừng thông qua chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng để bảo vệ không gian xanh ”, ông Nguyễn Bá Long đề xuất.
Đảm bảo hệ thống trường công cho trẻ đến trường
GS. TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, giáo dục và đào tạo Thủ đô đã có những thành tựu đáng ghi nhận cả về chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn. Tuy nhiên, giáo dục Thủ đô cũng gặp không ít những khó khăn, vướng mắc và lúng túng. Nguyên nhân là bởi mật độ di dân cơ học cao, công tác dự báo chưa thật chuẩn xác nên ngành giáo dục và đào tạo hàng năm phải đối mặt với nhiều vấn đề.
Theo TS. Minh, trong quy hoạch Thủ đô cần xác định rõ giữa việc xây dựng các khu đô thị, khu sản xuất phải đồng thời có đất cho giáo dục, y tế. Ngoài ra, Hà Nội cần bảo đảm hệ thống công lập cho mọi đối tượng trong lứa tuổi đến trường. Trong đó, ưu tiên đầu tư toàn diện cho giáo dục đại trà, cho các vùng nông thôn, miền núi, khu công nghiệp.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại hội nghị
Thành phố cũng cần thực hiện xã hội hóa nhằm đáp ứng cho các đối tượng người học khác nhau; Được phép tạo sự liên thông, liên kết với hệ thống giáo dục khu vực và quốc tế và được phép điều chỉnh chương trình phù hợp theo thông lệ quốc tế ở mức độ cơ bản.
Ông Minh cũng kiến nghị, Hà Nội được quyền tổ chức lại các mô hình giáo dục thường xuyên, gắn mô hình nâng cao tay nghề; Đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp; Các tổ chức học tập cộng đồng phù hợp, linh hoạt với yêu cầu của sản xuất, kinh doanh của từng khu vực. Thành phố cũng được phép ký kết đào tạo đội ngũ không chỉ trong nước mà cả với các đối tác quốc tế. Đồng thời, có cơ chế thí điểm hợp đồng giáo viên nước ngoài đảm bảo chất lượng giảng dạy cả trong hệ thống công lập; Được quyền công nhận chương trình, được quyền trao đổi học sinh với các đối tác.
Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong khẳng định, các ý kiến tham luận, góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học sẽ được thành phố Hà Nội, Ban Soạn thảo, các cơ quan chức năng xem xét, nghiên cứu nhằm bổ sung các luận cứ khoa học, kịp thời hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trình các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Nguồn: [Link nguồn]
Thông tin quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội) và 176 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025 chỉ là số liệu rà soát, chưa phải phương án cụ thể