Nghịch lý các dự án BOT: Mập mờ và thiếu minh bạch
Lâu nay chúng ta mới chỉ biết kinh phí đầu tư cho một kilômét đường cao tốc ở Việt Nam thuộc hàng đắt nhất thế giới, nhưng ít ai biết được, suất đầu tư để cải tạo một kilômét đường dạng này còn đắt hơn cả đường làm mới. Cùng với đó, hoạt động thu phí đang là điều “bí ẩn” với cả cơ quan chức năng và người dân.
Thay vì sử dụng vé điện tử, tất cả xe qua trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ đang được phát vé giấy. Ảnh: Trọng Đảng.
Đường “tân trang” đắt hơn làm mới
Chỉ mang tính chất “tân trang” nhưng sau khi cải tạo, nâng cấp theo hình thức BOT, nhiều tuyến đường thu phí ngang bằng, thậm chí còn đắt hơn cả đường làm mới. Đơn cử, QL6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình dài 30 km vừa được cải tạo nâng cấp, bắt đầu thu phí phương tiện từ tháng 10/2015 với mức giá từ 800 đồng đến 6.000 đồng/km. Tuyến QL1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang dài 45 km cũng vừa hoàn thành việc cải tạo lên đường cao tốc và nhà đầu tư đang triển khai thu phí với mức giá từ 700 đồng đến 4.400 đồng/km. Mức phí này đang gần bằng những tuyến cao tốc được làm mới hoàn toàn.
Đặc biệt, phí tại tuyến đường vừa được nâng cấp Pháp Vân - Cầu Giẽ, còn đắt hơn cả phí tại một số tuyến được xây mới. Cụ thể, với chiều dài 29 km, ô tô dưới 12 ghế ngồi lưu thông qua tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ phải trả 45.000 đồng/lượt; xe tải lớn và container 180.000 đồng/lượt. Như vậy mỗi kilômét nhà đầu tư dự án nâng cấp đường Pháp Vân - Cầu Giẽ đang thu hơn 1.500 đồng với ô tô dưới 12 chỗ và 6.200 đồng/km xe trên 12 chỗ, xe tải lớn. Mức phí này cũng đắt hơn phí trên tuyến cao tốc được xây mới là Cầu Giẽ - Ninh Bình và Nội Bài - Lào Cai.
Thậm chí, so sánh suất đầu tư cho 1 km đường “tân trang” so với suất đầu tư cho một 1 km đường cao tốc được làm mới, thì 1 km đường nâng cấp tại tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ cũng đang đắt hơn. Cụ thể, đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, sau khi hoàn thành nâng cấp có tổng mức đầu tư 320 triệu USD (tương đương 6.731 tỷ đồng) cho 29km chiều dài của tuyến đường này; tính ra mỗi kilômét đường “tân trang” tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ chi phí hết 11 triệu USD (tương đương hơn 240 tỷ đồng). Theo tìm hiểu của PV, mức đầu tư này tại thời điểm hiện tại cũng đang đắt hơn nhiều so với suất đầu tư 1 km trên hai tuyến cao tốc được làm mới là Cầu Giẽ - Ninh Bình và Nội Bài - Lào Cai.
Thiếu công khai, minh bạch
Trước việc đường chỉ nâng cấp, cải tạo nhưng phí cao hơn đường làm mới, thời gian qua nhiều người dân đã bày tỏ sự bức xúc. Tại thời điểm tuyến đường vừa triển khai thu phí, trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong, lãnh đạo Cty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ - nhà đầu tư dự án cho biết: mỗi ngày tuyến đường có khoảng 10.000 lượt phương tiện qua trạm.
Cụ thể hơn, trong phương án tài chính để hoàn vốn dự án, nhà đầu tư đã tính toán và đưa ra số liệu, mỗi ngày trong giai đoạn 2015 - 2016 trạm thu phí trên tuyến sẽ thu được khoảng 1 tỷ đồng/ngày, cả tháng khoảng 30 tỷ đồng. Để thu hồi tổng mức đầu tư cho dự án là 6.732 tỷ đồng, nhà đầu tư cần thu phí trên đường Pháp Vân - Cầu Giẽ trong vòng 17 năm 3 tháng. Tuy nhiên, khi tuyến đường đi vào thu phí, dư luận cho rằng, số tiền thực tế nhà đầu tư thu được nhiều hơn con số trên?
Với vai trò vừa là liên danh nhà đầu tư, vừa tham gia lập phương án tài chính hoàn vốn cho dự án nâng cấp đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, khi được hỏi về việc Cty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ khai báo mức thu tại trạm thu phí trung bình được khoảng 1 tỷ đồng/ngày, lãnh đạo Tổng Cty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1) - một trong ba liên danh nhà đầu tư thực hiện dự án cho rằng, lượng phương tiện lưu thông trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ hiện nay cao hơn nhiều so với số liệu được nhà đầu tư khai báo. Hơn nữa, doanh thu tại trạm thu phí hàng tháng được nhà đầu tư khai báo là không thuyết phục, không đúng quy định khi chỉ cung cấp số tiền thu được mà không chứng minh được nguồn thu đó được thu từ những phương tiện nào, lưu lượng ra sao.
Trao đổi với PV Tiền Phong về việc nhà đầu tư là Cty Cổ phần Pháp Vân - Cầu Giẽ chưa có báo cáo định kỳ về lưu lượng phương tiện qua trạm thu phí các tháng, quý theo quy định, ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, Bộ vừa giao cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiểm tra, yêu cầu nhà đầu tư thực hiện nội dung này.
Ghi nhận công tác thu phí trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ thời gian qua, PV Tiền Phong thấy rằng, tuyến đường được áp dụng công nghệ thu phí khép kín, trong đó có việc phát thẻ điện tử cho phương tiện lưu thông; nhưng hiện nay sau 8 tháng thu phí, trạm vẫn dùng vé giấy. Theo các chuyên gia giao thông, đây là hình thức rất dễ gian lận khiến cơ quan quản lý Nhà nước không thể quản lý được nguồn thu, lượng xe qua trạm.