Nghĩa vụ quân sự: "Khổ sai đâu mà dùng tiền thay thế!"

“Nghĩa vụ quân sự là một môi trường rất tốt, một trường học rất tốt để rèn luyện thanh niên về phẩm chất đạo đức, về các kỹ năng sống. Vì thế không nên đặt vấn đề dùng tiền thay thế như vậy”.

Bên lề kỳ họp Quốc hội, GS. Đào Trọng Thi – Chủ nhiệm Ủy ban giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội thẳng thắn chia sẻ quan điểm với phóng viên báo điện tử Infonet khi đề cập đến giải pháp dùng tiền thay thế nghĩa vụ quân sự đang được dư luận quan tâm trong những ngày qua.

Sau khi ý tưởng đóng tiền thay thế nghĩa vụ quân sự được đưa ra, đã có nhiều ý kiến trái chiều về phương án này, ông có đồng tình với phương án này không?

Tôi không ủng hộ phương án này!

Nghĩa vụ quân sự: "Khổ sai đâu mà dùng tiền thay thế!" - 1

GS Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội trao đổi với phóng viên về ý tưởng nộp tiền thay thế nghĩa vụ quân sự chiều 26/11. (Ảnh: Nguyễn Dũng)

Vì sao, thưa ông?

Lý do vì nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ của thanh niên. Nghĩa vụ quân sự là một môi trường rất tốt, một trường học rất tốt để rèn luyện thanh niên về phẩm chất đạo đức, về các kỹ năng sống. Vì thế không nên đặt vấn đề dùng tiền thay thế như vậy.

Những người nào có những khó khăn mà không thu xếp để đi nghĩa vụ quân sự được, đó là điều đáng tiếc. Còn ai đã có điều kiện, có thể thực hiện được nghĩa vụ quân sự thì nó không chỉ là việc thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước, mà thực sự đó là một cơ hội rất tốt để rèn luyện.

Bởi vậy tôi cho rằng không nên đóng tiền để thay thế chuyện đó (nghĩa vụ quân sự - PV). Nghĩa vụ quân sự có phải cái gì đó khổ sai đâu mà phải đóng tiền để thay thế?!

Tuy nhiên thực tế cho thấy có nhiều thanh niên trong độ tuổi đi nghĩa vụ quân sự nhưng lại không đi. Để đảm bảo sự công bằng, nếu anh không đi thì phải thực hiện một nghĩa vụ nào đó, mà đóng tiền cũng là một trong những giải pháp. Theo ông nếu lý giải như vậy thì có đủ sức thuyết phục không?

Tôi sẵn sàng đi nghĩa vụ quân sự nhưng anh lại không gọi tôi. Vậy vì sao tôi lại phải đóng tiền?! Đúng không ạ?!

Chỉ trong trường hợp tôi tình nguyện, tôi muốn không đi thì tôi mới đóng tiền. Nhưng chính từ chuyện “không muốn đi” ấy mới cần phải đánh dấu hỏi. Vấn đề ở đây không phải là muốn hay không muốn vì đó là nghĩa vụ, mặt khác đó còn là điều kiện rất tốt để cho thanh niên rèn luyện cơ mà.

Những người đã qua thực hiện nghĩa vụ quân sự thường là những người trưởng thành rất tốt sau khi trở về. Đó không chỉ là môi trường tốt mà còn là một cơ hội cho thanh niên. Tôi nghĩ không nên đặt vấn đề dùng tiền thay thế.

Nghĩa vụ quân sự: "Khổ sai đâu mà dùng tiền thay thế!" - 2

Nghĩa vụ quân sự là môi trường rất tốt để thanh niên rèn luyện phẩm chất đạo đức, kỹ năng sống. (Ảnh IT)

Vậy trong trường hợp không muốn đi nghĩa vụ quân sự, lúc đó có thể dùng tiền thay thế?

Như tôi đã nói, ở đây không có chuyện muốn hay không muốn. Đã là nghĩa vụ thì phải bắt buộc đi. Có thể trước khi đi anh không muốn, nhưng khi đi rồi anh sẽ thấy khác.

Chúng ta thấy như ở Hàn Quốc, có thể những ca sĩ rất nổi tiếng người ta còn đi nghĩa vụ quân sự. Tại sao mình lại đặt vấn đề như vậy? Tôi cho rằng đặt vấn đề đó là không nghiêm túc.

Thông thường chỉ những trường hợp không thi đỗ đại học, lúc đó người ta mới cân nhắc có nên đi nghĩa vụ hay không. Vậy đối với học sinh, sinh viên, theo ông có nên thực hiện nghĩa vụ quân sự đầy đủ không?

Trước đây chúng ta có đặt vấn đề với những đối tượng trúng tuyển vào các trường Đại học, cao đẳng thì sẽ được ưu tiên để các em đi học.

Bây giờ đặt ra vấn đề đó tôi cho rằng rất đúng. Tức là các em phải thực hiện nghĩa vụ quân sự đối với tổ quốc. Nghĩa vụ này vẫn phải được ưu tiên. Tất nhiên anh có thể bảo lưu kết quả, rồi sau đó khi đi nghĩa vụ về sẽ tiếp tục học.

Chẳng hạn khi đã đến tuổi mà cùng một thời điểm anh được gọi cả nghĩa vụ quân sự và gọi nhập học vì đã trúng tuyển, thay vì trước đây đi học thì bây giờ anh có thể đặt nghĩa vụ quân sự lên trên.

Nếu như vậy sự học của thanh niên có bị lỡ nhịp?

Những thanh niên đã đỗ vào đại học có thể là những con người ưu tú trong số đông. Nhưng không nên đặt vấn đề chỉ những người trượt đại học mới đi nghĩa vụ quân sự. Phải ưu tiên cho nghĩa vụ quân sự, bởi bây giờ môi trường ấy không chỉ là tập tành một vài động tác đơn thuần, mà còn có thể tham gia vào kỹ thuật. Vì thế môi trường quân sự cần phải có nguồn đầu vào tốt.

Thời gian đi nghĩa vụ quân sự không uổng phí đối với thanh niên. Ngược lại sẽ là rất tốt cho những người thanh niên trong cả cuộc đời sau này của họ.

Mặt khác tuổi nghĩa vụ quân sự bị hạn chế. Bởi vậy nếu anh học ngày học đêm rồi đến lúc sẽ không còn tuổi để đi học nghĩa vụ quân sự nữa. Lúc đó anh sẽ mất đi cơ hội, còn việc học là suốt đời.

Theo ông chúng ta có nên đặt vấn đề nghĩa vụ quân sự đối với nữ giới không?

Nữ giới cũng có thể tham gia vào một số lĩnh vực về quân sự, nhưng không thể đưa ra quy định nghĩa vụ bắt buộc đối với nữ giới.

Xin cảm ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Sơn (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN