Nghi vấn lái xe Camry say rượu tông 7 người thương vong
Gia đình nạn nhân vụ xe Camry tông chết 3 học sinh đề nghị xác minh nghi vấn tài xế say rượu.
Chị Huế (áo trắng) - cô ruột của nạn nhân Minh yêu cầu làm rõ nghi vấn lái xe có nồng độ cồn khi gây tai nạn
Gia đình nạn nhân và những người chứng kiến vụ xe Camry tông chết 3 học sinh và làm 4 học sinh khác bị thương trên đường quê cho rằng, thời điểm gây tai nạn, lái xe vừa rời khỏi tiệc nhậu và yêu cầu cơ quan chức năng điều tra, xác minh.
Lời kể của nhân chứng
Liên quan đến vụ xe Camry đâm 7 người thương vong vào tối 14/5 tại tỉnh lộ 279 địa phận thôn Bất Phí, xã Nhân Hòa (huyện Quế Võ, Bắc Ninh), cháu Nguyễn Thanh Trầm (học sinh trường THCS Việt Thống), nạn nhân may mắn không phải nhập viện kể: “Tụi cháu đi từ hướng trường THPT Quế Võ 1 về đến đoạn đầu xã đang rẽ vào đường trong thôn, bỗng chiếc xe ô tô lao từ phía sau rất nhanh khiến cháu và Triển bị ngã xuống đường, còn các bạn khác bị tông bay xuống ruộng. Sau đó, lái xe bước ra, Triển nói với lái xe cho mượn điện thoại gọi cho người thân nhưng bị lái xe đẩy vào người từ chối. Tiếp đó, lái xe đã chửi tụi cháu.… ”.
Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, đoạn đường tỉnh lộ 279 địa phận thôn Bất Phí đang được thi công sửa chữa, nâng cấp bề mặt đường nên có nhiều đống đá sỏi ngay bên đường, bề mặt cũng rất trơn trượt do có nhiều đá răm và đất. Dọc tuyến đường là ruộng đồng và không có các hệ thống cảnh báo ATGT khi công trường đang thi công. Thực tế khi chúng tôi chạy ô tô trên đoạn đường này thì chỉ có thể chạy 30 - 35km/h vì chỉ cần chạy nhanh hơn sẽ gặp phải tình trạng xóc, dễ trượt bánh xe.
Chị Nguyễn Thị Huế, cô ruột của cháu Nguyễn Văn Minh cho biết: “Thông tin từ cơ quan công an là lái xe không có nồng độ cồn khi gây ra vụ TNGT. Gia đình tôi không phủ nhận vì đây mới chỉ là thông tin ban đầu. Nhưng chúng tôi đề nghị cơ quan điều tra cần làm rõ vấn đề này để tìm ra nguyên nhân thật sự của vụ tai nạn. Theo tìm hiểu của gia đình, thời điểm anh Thành (lái xe Camry - PV) gây tai nạn là lúc trong người có nồng độ cồn vì anh ấy vừa đi uống bia với một đội bóng ở trên phố Mới. Trước đấy, anh Thành cũng đã gọi một ông anh đồng hao đi uống rượu nhưng anh này từ chối và cho biết Thành đã uống một ít rồi. Thực tế, tôi cũng là người quen của anh Thành, tôi biết anh Thành thật thà nhưng với vụ việc do anh ấy gây ra thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.
Chị Huế cho rằng, đoạn đường đang làm nên các phương tiện rất khó đi nhanh. Nếu tỉnh táo thì sẽ không bao giờ chạy tốc độ 40km/h. Nhưng thời điểm tai nạn xảy ra, nhiều người chứng kiến chiếc xe chạy rất nhanh và loạng choạng. Ngoài ra, sau một đêm anh Thành mới ra trình diện thì khả năng tự “xử lý” nồng độ cồn trong người là có thể xảy ra.
Thượng tá Vũ Đình Kỳ, Trưởng Công an huyện Quế Võ cũng cho hay, sau khi tai nạn xảy ra, đến 4h36 sáng 15/5, Phạm Văn Thành là người điều khiển chiếc ô tô trên đã đến trụ sở Công an trình diện. Tại thời điểm này, qua thử nồng độ cồn bằng máy, kết quả không phát hiện Thành sử dụng rượu, bia. Thành không phải là đối tượng nghiện, nghi nghiện.
Nồng độ cồn giảm theo thời gian sau khi sử dụng
Lý giải về nghi vấn trên dưới góc độ chuyên môn, BS La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần T.Ư cho rằng, việc đo nồng độ cồn phụ thuộc vào thời gian và lượng rượu, bia sử dụng. Vị BS đưa ra công thức T/2, thời gian tỉ lệ với nồng đồ rượu, bia sử dụng. Nếu một người uống rượu, bia thì sau 6 tiếng đồng hồ đo nồng độ cồn sẽ giảm. Cùng nhận định trên, một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông chia sẻ, người sử dụng rượu, bia sau đó uống nước và sau 6 tiếng chắc chắn nồng độ cồn sẽ giảm...
Luật sư Bùi Đình Ứng, Văn phòng Luật sư Bùi Đình ứng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định, về vấn đề thời gian lái xe ra trình diện cơ quan điều tra sau khi gây ra hành vi phạm tội, theo quy định thì không bắt buộc phải là lúc nào. Quan trọng là ngay sau khi vụ việc xảy ra, người phạm tội có ý thức ra trình diện, tạo điều kiện cho quá trình điều tra.
Thực tế, khi một ai đó gây TNGT chết người, tâm lý đều bị khủng hoảng, sang chấn vì vậy đều có thể tạm thời lánh đi để tĩnh tâm. Trong trường hợp bản thân người phạm tội tranh thủ làm thay đổi chứng cứ, dựng chứng cứ giả, xóa dấu vết thì vẫn chỉ ở một tội trước đấy gây ra nhưng trong quá trình xét xử sẽ xem xét trách nhiệm ở mức độ nặng hơn.
“Nếu cần thiết, cơ quan điều tra có thể đi xác minh người phạm tội (bị can) đã đi uống rượu bia ở đâu, cùng ai trước thời điểm gây tai nạn (nếu có) để thu thập bằng chứng”, luật sư Ứng nói.
Khởi tố, tạm giam tài xế Ngày 17/5, Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết, CQĐT đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Phạm Đình Thành (SN 1986, trú huyện Quế Võ) về hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Khoảng 21h45 tối 14/5, tại tỉnh lộ 279 thuộc địa phận thôn Bất Phí, xã Nhân Hòa, Thành điều khiển xe ôtô Camry BKS 99A-148.77 va chạm với 2 xe đạp điện và 1 xe mô tô BKS 99L1-329.39 đi cùng chiều. Vụ tai nạn khiến 3 người đi xe đạp điện là Nguyễn Văn Đông (SN 2002, học sinh lớp 9); Nguyễn Văn Hải (SN 2001, học sinh lớp 9) và Nguyễn Văn Hào (SN 1999, học sinh lớp 11), cùng trú ở cùng thôn Việt Vân, xã Việt Thống, huyện Quế Võ tử vong. Vụ tai nạn còn làm 4 người khác bị thương, trong đó 2 người đi mô tô bị thương rất nặng là Nguyễn Tiến Đạt (SN 1998); Nguyễn Văn Minh (SN 2000), cùng trú tại thôn Đồng Chuế, xã Nhân Hòa. |
Sau khi lên cơ quan đầu thú, lái xe gây ra vụ tai nạn khiến 3 học sinh cấp 3 tử vong đã kể lại toàn bộ sự việc.