Nghỉ Tết sớm vì "đến cơ quan cũng chẳng làm gì”?

Những ngày cuối năm, ai cũng có tâm lý nghỉ Tết. Người lao động đến cơ quan làm việc nhưng không hiệu quả.

Nhiều chuyên gia, cán bộ hoạt động trong ngành vận tải ủng hộ chủ trương “nghỉ Tết sớm, đi làm sớm” do Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia đề xuất.

Thấp thỏm: Được nghỉ sớm hay không?

Trả lời chúng tôi, ông Nguyễn Văn Lập (Giám đốc Bến xe Nước Ngầm, Hà Nội) tỏ ra rất đồng tình. Theo ông Lập, những năm qua, nghỉ Tết muộn, khách đi xe dồn ứ vào một ngày cuối năm, đôi khi gây quá tải cho các bến xe. Nghỉ sớm sẽ làm mật độ hành khách đi xe giãn ra, khách hàng đỡ mệt mỏi và bến xe cũng giảm áp lực.

Ông Lập còn cho rằng, nên kéo dài cả thời gian nghỉ Tết. Theo vị giám đốc bến xe, nghỉ Tết dài không hẳn là nguyên nhân làm gia tăng tai nạn giao thông. Điều đó phụ thuộc ý thức từng người. Đi làm sớm những ngày đầu năm cũng không đem lại hiệu quả.

"Người ta đến cơ quan chủ yếu chúc tụng nhau, không mấy ai làm việc. Nên giãn ra cả thời gian trước lẫn sau Tết. Như vậy tàu xe cả 2 thời điểm đều thoải mái." - Ông Lập nói.

Nghỉ Tết sớm vì "đến cơ quan cũng chẳng làm gì”? - 1

Hành khách chen chúc gây náo loạn cả khu vực nhà chờ ga tàu Sài Gòn để mua vé tàu Tết năm ngoái (Tết Quý Tỵ) - Ảnh: Hưng Văn

Ông Vũ Đình Rậu (Trưởng ga Hà Nội) cũng cho rằng, nghỉ Tết sớm giúp người lao động có thời gian thu xếp công việc, kế hoạch tàu xe. Hành khách có thể chọn lựa, cân nhắc. Không muốn đi tàu ngày này, họ có thể chọn mua vé ngày khác, đỡ cập rập, chen chúc. Chủ trương không những tốt cho người dân mà còn tốt cho cả những cơ quan ban ngành tổ chức giao thông.

Ông Nguyễn Văn Thanh (Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam) phân tích: Đề xuất này chủ yếu giải quyết cho công chức ở cơ quan nhà nước. Người lao động ở các doanh nghiệp tư nhân nghỉ Tết sớm hay muộn vẫn do doanh nghiệp tự quyết định. Nhưng chủ trương dành cho cơ quan hành chính sự nghiệp sẽ là nền tảng để các doanh nghiệp tư nhân đối chiếu, tổ chức kế hoạch. Khi các cơ quan hành chính đã cho nghỉ Tết sớm, doanh nghiệp tư nhân cũng không có lý do gì để nghỉ muộn.

Theo ông Thanh, gần Tết, hầu hết người lao động đến cơ quan làm việc không có hiệu quả. Cuối năm, ai cũng lo chạy sắm Tết, không mấy ai chú tâm vào công việc. Đến cơ quan cũng không để làm gì.

"Đây là một sáng kiến, tôi rất ủng hộ. Nhưng Chính phủ cần sớm trả lời để người lao động khỏi thấp thỏm không biết có nghỉ sớm hay không. Đồng ý hay không đều phải sớm được biết." – Người đứng đầu Hiệp hội Vận tải Ô tô trong nước nhấn mạnh.

Nghỉ Tết sớm vì "đến cơ quan cũng chẳng làm gì”? - 2

Ông Nguyễn Văn Thanh (Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam)

Đổi trả vé tàu mất 30%

Nhiều bạn đọc gửi thư về tòa soạn nêu vấn đề: Nếu đề xuất "nghỉ Tết sớm" được Chính phủ đồng ý ngay trong năm nay, nhiều người mua vé tàu trước đó lại phải đổi trả. Đặc biệt, nhiều người đi tàu sẽ phải đổi vé mất phí cao, thậm chí không mua được vé mới. Theo quy định, trả vé tàu dành cho những ngày cao điểm phải chịu phí 30% giá vé.

Ông Nguyễn Văn Lập (GĐ Bến xe Nước Ngầm) cho hay, nhiều nhà xe ở bến Nước Ngầm đã bán vé Tết từ lâu. Nếu có người phải trả đổi vé, các nhà xe hoàn toàn giải quyết được. Trả vé trước 30 phút, 1 tiếng đồng hồ mới bị thu phí. Trả trước một vài ngày hoặc nửa tháng hoàn toàn miễn phí.

Trong khi đó, ông Vũ Đình Rậu (Trưởng ga Hà Nội) thừa nhận, theo quy định trả loại vé ngày cao điểm, sẽ phải chịu phí cao. Trả sớm hay muộn đều mất phí như vậy. Nhưng ông Rậu cho rằng, hầu hết người lao động vẫn chưa biết lịch nghỉ Tết ngày nào nên chưa mua vé. Một bộ phận khác đã mua vé vì đã có kế hoạch chắc chắn từ trước. Theo ông Rậu, số người muốn đổi vé không nhiều.

Khi được hỏi, Nhà ga có đề nghị ngành đường sắt giảm phí cho người đổi trả hay không, ông Rậu cho hay, căn cứ tình hình thực tế, các cơ quan có trách nhiệm có thể cân nhắc, tính toán.

Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia vừa trình Chính phủ đề xuất cho người lao động “nghỉ Tết sớm, đi làm sớm”. Một trong những mục đích chính của đề xuất là góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán.

Những năm qua, số vụ và người chết tai nạn giao thông trong các kỳ nghỉ Tết thường tăng rất cao. Đặc biệt, theo tính toán của Ủy ban ATGT Quốc gia, tai họa này thường rơi vào khoảng mồng 5, 6, 7 Tết.

Vì vậy cơ quan này đề nghị rút ngắn lại thời gian nghỉ sau Tết và tăng ngày nghỉ trước Tết để thuận lợi cho người xa quê đi tàu xe. Mặt khác, người dân sẽ có thời gian mua sắm, chuẩn bị đón Tết chu đáo hơn. Đó cũng là một giải pháp kích cầu mua sắm, tăng sản xuất hàng hóa trong xã hội.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cảnh Kiên ([Tên nguồn])
Tết Nguyên đán 2016 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN