Nghị lực phi thường của chàng shipper không tay Lý Láo Lở

Sự kiện: Thời sự

Dù không có đôi tay lành lặn nhưng chàng shipper (người vận chuyển hàng hóa) Lý Láo Lở (SN 1987, người Pạc Tà, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) vẫn có thể tự làm mọi việc, thậm chí đi xe máy cả trăm km để giao hàng. Công việc vất vả ấy đã đem lại cho Lở một niềm vui lớn lao và sự tự lập, vượt qua chính mình.

Nghị lực phi thường của chàng shipper không tay Lý Láo Lở - 1

Bất kể khó khăn như thế nào, Lý Láo Lở cũng giao hàng đúng hẹn với khách. Ảnh: K.O

Cú sốc lớn khi mới 15 tuổi

Những ngày qua, hình ảnh một chàng trai trẻ cụt đến khuỷu cả hai tay điều khiển xe máy như người bình thường đi giao hàng khiến những ai chứng kiến không khỏi ngạc nhiên, thán phục. Không mấy ai biết Lý Láo Lở còn là người dân tộc Dao, sinh ra và lớn lên ở A Mú Sung - vùng đất địa đầu Tổ quốc.

Chúng tôi gặp Lý Láo Lở (hay còn được gọi với cái tên thân mật khác là Anh Khang) khi đang ăn vội chiếc bánh mì để tiếp tục công việc trong ngày. Vừa ăn, đôi tay cụt lủn của Lý Láo Lở vẫn thoăn thoắt với băng dính, sổ sách và lướt đọc tin nhắn trên smartphone. Lý Láo Lở bảo: “Hôm nay nhiều đơn hàng nên đã 8 giờ tối mà mình vẫn chưa xong”. Lý Láo Lở cho biết, sau khi tốt nghiệp đại học, chưa tìm được công việc ổn định, anh xin làm shipper giao hàng cho một cửa hàng bán hoa quả. Do đặc thù công việc nên ngày nào anh cũng phải đi hàng chục, có hôm cả trăm ki-lô-mét để giao hàng.

Công việc này rất vất vả, thường xuyên phải di chuyển trên đường, đối phó với nhiều mánh khóe lọc lừa... thế nhưng Lý Láo Lở vẫn cảm thấy rất vui. Bởi như Lở cho biết: “Tôi không phải phụ thuộc vào ai hết, nhờ có công việc này, tôi có thể tự lực kiếm sống qua ngày”. Vừa gặm chiếc bánh mì, chàng trai người Dao bùi ngùi nhớ lại câu chuyện đời mình. Giơ hai cánh tay đã bị cụt quá khuỷu, Lý Láo Lở cho biết, trong một lần xách phích nước nóng đi giữa sân trường, anh không may bị nguồn điện cao thế từ phía trên phóng trúng. Tai nạn đó đã vĩnh viễn cướp đi của anh đôi tay lành lặn.

“Khi bị tai nạn, mình ngất đi. Cả làng bảo mình không sống được nên đừng cứu nữa, đưa về nhà để chôn cất thôi. Nhưng còn nước còn tát, người thân đưa mình xuống Viện bỏng ở Hà Nội điều trị. Mình may mắn qua cơn nguy kịch nhưng các bác sĩ đã phải cưa cả hai cẳng tay của mình đến sát khuỷu tay”, chàng trai sinh năm 1987 nhớ lại.

Tỉnh giấc trong bệnh viện với đôi tay không còn lành lặn, Lý Láo Lở như một con người khác. Anh khóc nức nở bởi cơn đau da thịt và cơn đau tinh thần. Từ đó, mọi việc sinh hoạt cá nhân, anh đều phải nhờ đến sự giúp đỡ của người thân trong gia đình. Anh cũng chẳng dám đến lớp với đôi tay cụt lủn đến khuỷu vì sợ bạn bè trêu chọc. Con người, quan trọng nhất ở đôi bàn tay và hai con mắt, nhưng một nửa sự quan trọng ấy của Lý Láo Lở đã bị dòng điện cướp đi. Điều nữa, Lý Láo Lở đã bị mồ côi mẹ từ nhỏ, nên khó khăn lại chồng chất khó khăn. Ngày đôi tay mới bị cưa, anh đau đớn, tuyệt vọng, cảm nhận tương lai như đang đóng sầm lại trước mắt mình. Chán chường, tuyệt vọng, có lúc Lý Láo Lở cảm thấy mình bị trầm cảm, không còn có thể vui vẻ như bạn bè đồng trang lứa.

Tuy nhiên, khi nỗi đau đã vơi đi, trong Lý Láo Lở đã có một suy nghĩ rất người lớn và điều mà anh luôn nghĩ là không muốn biến mình thành gánh nặng của gia đình. Chấp nhận số phận nhưng không đầu hàng số phận, Lở bắt đầu luyện tập. “Mất 5 tháng, đôi tay mình dần hồi phục, còn về mặt tinh thần và tập luyện cho nó có thể làm việc được, mình cũng không nhớ là bao lâu nữa".

Tốt nghiệp đại học, ra đời tự bươn trải

Từ chỗ phải nhờ mọi người trong nhà giúp đỡ tất cả sinh hoạt cá nhân, Lý Láo Lở đã có thể tự làm mọi chuyện. "Chuyện gì không làm được, mình cứ cố thử 1-2 lần, đến lần thứ 3, thứ 4 thì khá hơn và dần dần làm thành thạo".

Giơ đôi tay nhỏ bé, teo tóp của mình lên, Lý Láo Lở khoe: “Trông nó nhỏ bé vậy thôi nhưng rất khỏe, tôi có thể làm đủ thứ việc mà một người bình thường có thể làm được”. Bằng chứng chính là việc ngày nào anh cũng bon bon trên đường, xách những túi hàng nặng đi giao cho khách. Anh đang chứng minh cho mọi người thấy rằng, anh “tàn nhưng không phế”. Mất 3 năm sau ngày tai nạn, Lở mới có thể quay trở lại trường học. Dù với đôi bàn tay không lành lặn nhưng anh vẫn có thể theo kịp bạn bè. Lý Láo Lở tự nhủ: “Nếu các bạn cố gắng một thì mình phải cố gắng mười, nhất định không được chùn bước”.

Sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh thi đỗ và chuyển lên Hà Nội theo học một trường cao đẳng nghề. Tuy nhiên sau một thời gian theo học, anh cảm thấy con đường ấy không phù hợp với bản thân. Anh tiếp tục dùi mài kinh sử, quyết tâm thi lại, vào ngành Khoa học quản lý, ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn với hy vọng sau khi ra trường sẽ có một công việc ổn định, giúp đỡ gia đình. “Gia đình khó khăn, mình đi học được là nhờ ba nuôi người Hàn Quốc giúp đỡ và làm thêm để trang trải cuộc sống”, Lý Láo Lở kể.

Sau 4 năm học, chàng trai người Dao ấy đã tốt nghiệp loại khá. Hào hứng cầm hồ sơ xin việc nhiều nơi nhưng anh chỉ nhận được những cái lắc đầu. “Có lẽ nhìn mình với đôi tay này, họ nghĩ mình sẽ chẳng làm được việc gì nên hồn đâu nên không dám nhận. Mới đầu khi xin làm shipper, người ta cũng không tin mình sẽ làm được. Nhưng bây giờ thì mình có nhiều khách hàng lắm, mọi người cũng bắt đầu tin tưởng mình nhiều hơn" Lở tâm sự.

Để bắt đầu công việc, Lý Láo Lở mua lại chiếc xe máy cũ với số tiền dành dụm hai triệu đồng, anh nhờ người chế lại xe theo ý mình để có thể dễ dàng hơn trong điều khiển. Đến bây giờ, khi mọi thứ đã quen thuộc, mỗi ngày, anh đi hàng chục, thậm chí cả trăm km để mưu sinh. Mới làm nghề được khoảng ba tháng, song anh đã được nhiều đồng nghiệp giúp đỡ và luôn hoàn thành tốt công việc. Đã nhận đơn của khách thì dù bất kể ngày nắng hay mưa, chàng trai ấy đều lên đường. Ngày nào anh cũng ra khỏi nhà từ sáng sớm và trở về khi trời đã tối. Làm shipper, anh cũng gặp phải không ít khó khăn, có khách nhìn thấy Lý Láo Lở khiếm khuyết đôi tay nên hủy đơn, không nhận nữa. Những lúc đó, Lở có buồn nhưng quyết không bỏ cuộc.

Sau một ngày làm việc mệt mỏi, Lý Láo Lở bảo “vẫn cảm thấy vui vì ít ra mình còn sống có ích, tự lo được cho bản thân và không trở thành gánh nặng cho người khác”. Nói về dự định cho tương lai, anh bảo nhiều lắm. Nghề shipper chỉ là một công việc tạm thời. Mới đây, một công ty chuyên buôn bán hoa quả sạch đã hẹn gặp anh và hứa sẽ đào tạo anh thành một nhân viên marketing online. Điều đó làm Lý Láo Lở rất vui và hy vọng, tương lai sau này của mình sẽ ngày càng tươi sáng hơn.

“Khiếm khuyết là điều không ai muốn. Ranh giới giữa mặc cảm và hòa nhập không phải ai cũng có thể vượt qua. Mình chỉ muốn nói với những người đồng cảnh ngộ rằng hãy cứ sống là chính mình, sống có ích mỗi ngày, bạn sẽ tự hòa nhập”, Lý Láo Lở chia sẻ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Kim Oanh (Báo Gia đình xã hội)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN