Nghị lực của thí sinh hỏng mắt, tay

Vụ nổ bom khiến cậu bé Hồ Văn Lai (Gio Linh, Quảng Trị) thành người tàn phế, không chân, còn một bàn tay biến dạng. Nhưng ý chí học tập, ước mơ vào giảng đường đại học với Lai chưa bao giờ tắt.

Bố đẩy xe lăn đưa con đi thi

Sáng 4/7, tại Hội đồng thi THPT Trần Phú (TP Đà Nẵng), Lai trên chiếc xe lăn được bố đẩy đến phòng thi. Cái nắng khiến khuôn mặt cậu vã mô hôi. Đôi mắt ti hí (ảnh hưởng sau vụ nổ bom kinh hoàng) ánh lên sự tự tin sau môn thi đầu tiên buổi sáng.

“Đề Toán năm nay khá khó nhưng em cũng làm được tám câu, hi vọng sẽ đạt 6 - 7 điểm”, Lai cười nói.

Ông Hồ Văn Hanh (52 tuổi), bố Lai bảo: "Cháu thức trắng mấy đêm nay để ôn luyện. Đêm rồi, tôi động viên mãi để cháu chợp mắt, thoải mái tinh thần cho môn thi đầu tiên. Không lành lặn như các bạn khác, đặc biệt là tay phải bị biến dạng, tay trái cụt hoàn toàn, nên khả năng viết của Lai bị hạn chế, nếu không cháu có thể làm nhanh hơn".

Nghị lực của thí sinh hỏng mắt, tay - 1

Lai và bố

Tai nạn thương tâm

Đầu năm 2000, như bao đứa trẻ cùng trang lứa khác, Lai chạy chơi ở khu vườn làng. Bất ngờ tiếng nổ vang lên kinh hoàng ngay chỗ Lai cùng đám bạn. Mọi người may mắn thoát chết, còn Lai nằm ngất lịm giữa vũng máu đầm đìa.

Hai chân Lai bị mảnh bom cắt cụt đến quá gối, tay trái bị cứa đến quá khuỷu, tay phải mất một ngón… Các bác sĩ tận tình cứu sống Lai, nhưng tỷ lệ thương tật chiếm hơn 80%.

Hơn bốn năm trời, Lai xa trường, lớp học để đến các cơ sở y tế để điều trị. Tưởng chừng cậu bé co cụm trong bế tắc, tuyệt vọng, nhưng Lai gắng gượng luyện từng cử động, tay chân, rồi tìm cách học đi xe lăn, tập viết trên đôi tay tật nguyền...

Quyết tâm là "người thứ tư"

Năm học 2004-2005, Lai trở lại trường học (học cấp hai) trước sự ngạc nhiên của bạn bè và thầy cô. Bốn năm sau, cậu học sinh tật nguyên lập kỳ tích khi đỗ vào cấp ba trường THPT Lê Lợi (thị trấn Đông Hà, Quảng Trị).

Trường học cách nhà gần 20km, nhiều lúc Lai tự mình lăn xe đến trường. Xa nhà, cuộc sống tự lập, nhưng Lai không ngại khó, quyết tâm học hành và đều đạt học sinh khá.

“Em mong có thể vào ngành CNTT để phù hợp với hoàn cảnh của mình. Thời đại bây giờ máy tính phổ biển, công nghệ liên tục phải cập nhật, nâng cao nên nhu cầu về ngành rất nhiều. Em không muốn và không bao giờ để mình là kẻ vô dụng”, Lai nói.

Gia đình khó khăn, bố ngư dân, mẹ làm nông qua ngày, nhưng cả nhà Lai có ba anh chị em tốt nghiệp đại học. Lai hi vọng mình sẽ là người thứ tư.

Trao đổi với phóng viên chiều 4/7, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Nam, Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho biết, đang hướng dẫn thí sinh và gia đình làm đơn xin đặc cách thi đại học. Theo ông, trường hợp của Lai đủ điều kiện đặc cách vào trường (trên 80%). Khi hoàn chỉnh hồ sơ xong là Lai được đặc cách.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Huy (Tiền Phong)
Tuyển sinh đại học cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN