Nghi lễ đón, tiếp nguyên thủ quốc gia thăm cấp nhà nước như thế nào?
Hôm nay 10-9, Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Nghi lễ đón, tiếp nguyên thủ quốc gia thăm cấp nhà nước có nêu rõ thành phần, nghi thức đón đoàn tại sân bay, lễ đón cấp nhà nước, gặp hẹp và hội đàm cấp nhà nước, tiếp xúc cấp cao, chiêu đãi cấp nhà nước, tiễn đoàn tại sân bay...
Đội quân nhạc trong Lễ đón cấp Nhà nước tại Phủ Chủ tịch. Ảnh: Hữu Hưng
Nghi thức lễ đón đoàn tại sân bay: Trải thảm đỏ từ chân cầu thang máy bay đến nơi đỗ xe của nguyên thủ quốc gia nước khách; bố trí đội hình tiêu binh danh dự đứng hai bên thảm đỏ từ chân cầu thang máy bay đến nơi đỗ xe của nguyên thủ quốc gia nước khách; tặng hoa nguyên thủ quốc gia nước khách và phu nhân hoặc phu quân; cho phép đại diện cộng đồng nước khách ra sân bay đón đoàn nếu cơ quan đại diện nước ngoài có yêu cầu.
Nghi thức lễ đón cấp nhà nước: Lãnh đạo cấp cao ta đón nguyên thủ quốc gia nước khách tại nơi đỗ xe của nguyên thủ quốc gia nước khách. Thiếu nhi tặng hoa nguyên thủ quốc gia nước khách, thiếu nhi vẫy cờ hai nước.
Nghi thức duyệt Đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam: Lãnh đạo cấp cao nước ta cùng nguyên thủ quốc gia nước khách bước lên bục danh dự.
Quân nhạc cử Quốc thiều nước khách và Quốc thiều Việt Nam; bắn 21 loạt đại bác khi cử Quốc thiều hai nước theo nguyên tắc có đi có lại hoặc theo đề án được duyệt;
Đội trưởng Đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam chào, báo cáo và mời Nguyên thủ quốc gia nước khách duyệt Đội danh dự;
Lãnh đạo cấp cao ta cùng nguyên thủ quốc gia nước khách duyệt Đội danh dự;
Đội danh dự chúc sức khỏe nguyên thủ quốc gia nước khách;
Lãnh đạo cấp cao ta giới thiệu các quan chức Việt Nam tham gia lễ đón với nguyên thủ quốc gia nước khách. Nguyên thủ quốc gia nước khách giới thiệu các thành viên đoàn chính thức với lãnh đạo cấp cao ta.
Cục trưởng Cục Lễ tân Nhà nước giới thiệu một số Đại sứ (nếu được mời) với hai nguyên thủ quốc gia.
Lãnh đạo cấp cao ta cùng nguyên thủ quốc gia nước khách trở lại bục danh dự. Đội danh dự diễu binh;
Sau lễ đón, lãnh đạo cấp cao ta cùng nguyên thủ quốc gia nước khách chụp ảnh lưu niệm;
Lãnh đạo cấp cao ta và nguyên thủ quốc gia nước khách vào phòng Gặp hẹp hoặc phòng Hội đàm cấp nhà nước. Bố trí đội hình tiêu binh danh dự tại sảnh chính.
Trong trường hợp thời tiết không thuận lợi, lễ đón chính thức được tổ chức tại Nhà Quốc hội. Không bắn đại bác khi cử Quốc thiều hai nước. Không diễu binh sau khi duyệt Đội danh dự.
Gặp hẹp và Hội đàm cấp nhà nước:
Lãnh đạo cấp cao nước ta và nguyên thủ quốc gia nước khách gặp hẹp trước khi hội đàm theo thỏa thuận của hai bên.
Lãnh đạo cấp cao ta và nguyên thủ quốc gia nước khách đồng chủ trì hội đàm.
Thành phần tham dự phía Việt Nam tương ứng với thành phần chính thức của đoàn khách và yêu cầu của nội dung hội đàm.
Trong thời gian gặp hẹp và hội đàm, bố trí gác tiêu binh danh dự.
Tiếp xúc cấp cao
Thu xếp nguyên thủ quốc gia nước khách tiếp xúc cấp cao với Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và một số lãnh đạo khác theo yêu cầu và điều kiện cụ thể của chuyến thăm.
Chiêu đãi cấp nhà nước
Chủ tịch nước chủ trì tiệc chiêu đãi.
Trải thảm đỏ từ cửa phòng tiệc đến nơi đỗ xe của nguyên thủ quốc gia nước khách. Bố trí đội hình tiêu binh danh dự tại sảnh; gác tiêu binh danh dự;
Thành phần dự:
Phía Việt Nam: Phu nhân hoặc Phu quân Chủ tịch nước (nếu Phu nhân hoặc Phu quân Nguyên thủ quốc gia nước khách đi cùng), Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các thành viên Chính phủ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - nước khách, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - nước khách, các thành viên tham dự lễ đón, hội đàm cấp nhà nước, các nguyên Đại sứ Việt Nam tại nước khách, một số nhân sĩ, trí thức, đại diện doanh nghiệp có nhiều hợp tác với nước khách cùng dự.
Việc mời thành phần phía Việt Nam dự chiêu đãi cấp nhà nước trên cơ sở tương ứng thành phần đoàn khách và yêu cầu chính trị của chuyến thăm.
Phía khách: Các thành viên chính thức, một số tùy tùng, đại diện doanh nghiệp (nếu có) và một số cán bộ ngoại giao của cơ quan đại diện ngoại giao nước khách.
Nghi thức: Quân nhạc cử Quốc thiều nước khách và Quốc thiều Việt Nam mở đầu tiệc chiêu đãi; Chủ tịch nước đọc diễn văn chào mừng; Nguyên thủ quốc gia nước khách đáp từ;
Tổ chức biểu diễn nghệ thuật chào mừng tại tiệc chiêu đãi.
Tiễn đoàn tại sân bay: Thành phần và nghi lễ thực hiện như khi đón.
Ngoài ra, về nguyên tắc thực hiện nghi lễ đối ngoại, cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện nghi lễ đối ngoại phải tuân thủ các quy định của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật và thông lệ quốc tế. Việc tổ chức nghi lễ đối ngoại phải được thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống chính trị bao gồm các cơ quan Đảng và Nhà nước, phục vụ yêu cầu chính trị, đối ngoại của Đảng và Nhà nước, khẳng định được vị thế và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với hệ thống chính trị Việt Nam.
Cơ quan chủ trì kiến nghị các biện pháp nghi lễ đối ngoại trên cơ sở đối đẳng, có đi có lại; chú trọng xử lý các khác biệt giữa hệ thống chính trị, phong tục, văn hóa Việt Nam với hệ thống chính trị, phong tục, văn hóa nước khách. Các trường hợp đặc biệt thực hiện theo đề án riêng và báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định.
Một số biện pháp đặc biệt khác có thể được thực hiện theo đề án lễ tân đón đoàn như huy động quần chúng tham gia lễ đón tại sân bay hoặc Phủ Chủ tịch; mời lãnh đạo cấp cao ta và phu nhân hoặc phu quân tham dự một số hoạt động chính thức cùng với nguyên thủ quốc gia nước khách và phu nhân hoặc phu quân; mời một số đại sứ tham dự lễ đón cấp nhà nước và chiêu đãi cấp nhà nước; tổ chức biểu diễn văn nghệ chào mừng tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Sau gần 3 thập niên bình thường hóa quan hệ ngoại giao, quan hệ Việt Nam và Mỹ đã đạt những thành tựu to lớn.
Nguồn: [Link nguồn]