Nghỉ lễ dài, dư luận Trung Quốc dậy sóng

Những kỳ nghỉ dài liên tiếp ở Trung Quốc đã làm dư luận nước này không ít phen dậy sóng.

Vừa qua, Chính phủ đã công bố kế hoạch nghỉ lễ dịp 30/4, 1/5 sắp tới, trong đó người dân cả nước được nghỉ 6 ngày liên tục (cộng với các ngày nghỉ cuối tuần). Kế hoạch này được đưa ra sau khi người dân cả nước vừa nghỉ 9 ngày Tết Nguyên đán, khiến một số người cho rằng nghỉ như vậy là quá nhiều và quá dài.

Nghỉ lễ dài, dư luận Trung Quốc dậy sóng - 1

Biểu đồ so sánh thời gian nghỉ lễ trong năm của Việt Nam với các nước (không tính ngày chủ nhật) - Nguyễn Lý 

Tại quốc gia láng giềng Trung Quốc, mặc dù chỉ được nghỉ 11 ngày lễ chính thức, song người dân nước này cũng có những kỳ nghỉ dài không kém ở Việt Nam, và chính sách này cũng đã gây rất nhiều tranh cãi trong dư luận.

Kể từ năm 2000, Trung Quốc bắt đầu áp dụng chế độ 3 “Tuần lễ Vàng”, có nghĩa là người dân nước này sẽ được hưởng 3 kỳ nghỉ dài, mỗi kỳ nghỉ kéo dài liên tục trong một tuần lễ, gồm nghỉ Tết Nguyên đán, nghỉ Quốc khánh và nghỉ ngày Quốc tế Lao động.

Trong các “Tuần lễ Vàng” này, người lao động Trung Quốc được nghỉ chính thức 3 ngày, 4 ngày còn lại nếu không trùng vào các ngày cuối tuần thì người lao động phải làm bù vào các ngày nghỉ trước hoặc sau đó.

Nghỉ lễ dài, dư luận Trung Quốc dậy sóng - 2
Dân Trung Quốc đổ về các nhà ga, bến tàu trong dịp "Tuần lễ Vàng"

Để thực hiện được chính sách này, Trung Quốc đã cho thành lập Phòng Nghỉ lễ Quốc gia chịu trách nhiệm sắp xếp, bố trí các ngày nghỉ lễ cho người dân để đảm bảo họ luôn có được 3 “Tuần lễ Vàng” trong năm.

Chính sách này bắt đầu được áp dụng từ ngày Quốc khánh Trung Quốc năm 1999, với mục đích thúc đẩy ngành du lịch và nâng cao mức sống quốc gia cho người dân, đồng thời tạo điều kiện cho hàng triệu lao động xa quê có đủ thời gian để về thăm nhà.

Ngay sau khi “Tuần lễ Vàng” đầu tiên được chính thức áp dụng vào năm 1999, khoảng 28 triệu người Trung Quốc đã đi du lịch hoặc lên đường về quê trong dịp này, gây ra tình trạng quá tải khủng khiếp cho ngành giao thông. Đến năm 2007, con số này đã tăng lên đến hơn 120 triệu người.

Nhiều kỳ nghỉ dài cùng áp lực giao thông khủng khiếp như vậy đã gây ra nhiều phản ứng trái chiều trong xã hội, và đến năm 2004, người dân Trung Quốc bắt đầu kêu gọi chính phủ giảm bớt số “Tuần lễ Vàng”, bởi họ cho rằng chúng đã làm gián đoạn quá lớn các hoạt động bình thường của nền kinh tế.

Đến năm 2006, các đại biểu Quốc hội Trung Quốc đề xuất bỏ “Tuần lễ Vàng” vào ngày Quốc khánh và dịp Quốc tế Lao động, với lập luận rằng những kỳ nghỉ dài này đã không đạt được mục tiêu ban đầu là thúc đẩy mua sắm, tiêu dùng trong nước cũng như ngành du lịch.

Nghỉ lễ dài, dư luận Trung Quốc dậy sóng - 3
Vạn lý Trường thành nêm cứng người trong kỳ nghỉ "Tuần lễ Vàng"

Các đại biểu Quốc hội Trung Quốc cho rằng những “Tuần lễ Vàng” này đã làm gián đoạn thời gian biểu làm việc 5 ngày một tuần của các công chức, viên chức, ảnh hưởng đến các giao dịch thương mại và quốc tế khi nhiều cơ quan chính phủ, đặc biệt là các lĩnh vực như hải quan, thuế vụ và hành pháp đóng cửa nghỉ lễ suốt 7 ngày liên tục.

Các đại biểu này đề xuất thay vì cho người lao động nghỉ 7 ngày liên tục, chính phủ nên dành các ngày nghỉ đó cho các dịp lễ truyền thống chưa được công nhận là kỳ nghỉ chính thức như tết Trung thu, hội đua thuyền rồng và ngày thanh minh tảo mộ.

Chính phủ và Quốc hội Trung Quốc đã chấp nhận một phần đề xuất của các đại biểu. Đến tháng 12/2007, Tân Hoa Xã cho hay chính phủ Trung Quốc đã quyết định bỏ “Tuần lễ Vàng” vào dịp Quốc tế Lao động, và trong dịp này người dân chỉ được nghỉ duy nhất một ngày vào ngày 1/5.

Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc cũng bổ sung thêm 3 kỳ nghỉ quốc gia, đó là ngày thanh minh tảo mộ, ngày hội đua thuyền rồng và tết Trung thu. Mục đích của động thái này là nhằm khôi phục các lễ hội truyền thống và cân bằng giữa nhu cầu của khách du lịch trong các kỳ nghỉ.

Mặc dù vậy, Phòng Nghỉ lễ Quốc gia vẫn duy trì và thực hiện 2 “Tuần lễ Vàng” còn lại bằng cách hoán đổi ngày nghỉ, sắp xếp để lao động làm bù vào các ngày cuối tuần khác. Dịp Tết Nguyên đán năm ngoái rơi vào giữa tuần, thế nên Phòng Nghỉ lễ Quốc gia đã hoán đổi các ngày nghỉ cuối tuần xung quanh quãng thời gian đó để tạo ra một kỳ nghỉ kéo dài 7 ngày liên tục.

Điều này đã gây ra không ít bức xúc và giận dữ cho một bộ phận không nhỏ dân chúng Trung Quốc, đặc biệt là những người không phải làm việc xa nhà, khi họ cho rằng cách bố trí như vậy đã “nghiền nát” giấc mơ về thời gian nghỉ chất lượng của họ trong những tuần bình thường.

Nghỉ lễ dài, dư luận Trung Quốc dậy sóng - 4
Một phụ nữ Trung Quốc tranh thủ tập thể dục khi bị kẹt xe nhiều giờ đồng hồ trong dịp "Tuần lễ Vàng"

Người dân Trung Quốc thực sự nổi giận với Phòng Nghỉ lễ Quốc gia từ hồi đầu năm 2014, khi họ tuyên bố rằng dịp Tết Nguyên đán năm ngoái, người lao động vẫn phải làm việc vào ngày 30 tết. Nhiều người cho rằng cách sắp xếp lịch như vậy khiến họ không có thời gian để chuẩn bị tết nhất, và nhiều lao động xa nhà không thể kịp về quê ăn tết.

Trước sức ép của dư luận, đến tháng 9/2014, Trung Quốc đã quyết định đóng cửa Phòng Nghỉ lễ Quốc gia và giao toàn bộ trách nhiệm sắp xếp các kỳ nghỉ lễ của cơ quan này cho ủy ban liên bộ dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Wang Yang. Sau thời gian này, các kỳ nghỉ lễ của Trung Quốc sẽ được quyết định sau khi 17 bộ ngành của chính phủ cùng ngồi lại bàn bạc.

Sau khi được sắp xếp lại, ủy ban liên bộ trên đã công bố lịch nghỉ lễ của năm 2015, trong đó tiếp tục duy trì 2 “Tuần lễ Vàng” là vào dịp Tết Nguyên đán và Ngày Quốc khánh. Kế hoạch này ngay lập tức đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều của cộng đồng mạng Trung Quốc.

Một cư dân mạng than thở: “Lại là 7 ngày cho lễ Quốc khánh. Tôi cho rằng lễ Quốc khánh chỉ cần nghỉ 3 ngày là đủ, 3 ngày còn lại nên dồn vào cho Tết Nguyên đán”. Trong khi đó, nhiều người lại kêu ca rằng Tết Trung thu năm nay chỉ được nghỉ duy nhất một ngày, dù nó trùng với ngày Chủ nhật.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN