Nghĩ gì khi có Ấn đền Trần trong tay?

Từ lâu, người dân vẫn nghĩ, Ấn đền Trần là tấm bùa giúp thăng quan tiến chức. Tuy nhiên, theo điều tra mới đây của Sở VH, TT&DL tỉnh Nam Định, chỉ có 15,2% trên tổng số 800 lá phiếu điều tra cho rằng Ấn giúp thăng quan tiến chức.

Sáng 18/1, tổng kết đổi mới mô hình tổ chức lễ hội đền Trần năm 2012, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam cùng các cơ quan liên quan đã tổ chức điều tra dư luận xã hội về Lễ hội Khai Ấn đền Trần năm 2011, với 800 lá phiếu điều tra trên địa bàn tỉnh Nam Định và các địa phương khác.

Khi được hỏi về tác dụng của Ấn đền Trần khi treo trong nhà, phần lớn người dân đều cho rằng Ấn đem lại bình an, hạnh phúc trong gia đình (72%); 40% trả lời là Ấn giúp các thành viên trong gia đình mạnh khỏe; 34,8% cho rằng Ấn giúp làm ăn phát đạt; 24,7% cho rằng có tác dụng giúp cho học vấn; 22,6% cho rằng Ấn giúp trấn trạch, trừ tà ma; 15,2% cho rằng treo Ấn giúp thăng quan tiến chức. Tuy nhiên, cũng có 8,9% người cho rằng việc có Ấn trong nhà chỉ là tâm lý chứ không linh thiêng gì.

Nghĩ gì khi có Ấn đền Trần trong tay? - 1

Đa số người dân khi được hỏi đều cho rằng Ấn đem lại bình an nên phải chen chúc "cướp" Ấn (ảnh minh họa)

Ý kiến của người dân đối với các vấn đề báo chí nêu lên: có 56,7% không đồng ý với báo chí khi cho rằng có tình trạng mất an ninh trầm trọng tại lễ hội; 83% không đồng ý với ý kiến cho rằng lễ khai Ấn và ban Ấn không có giá trị lịch sử; 34,9% không đồng ý khi cho rằng có tình trạng buôn bán Ấn ở lễ hội; 52,5% đồng ý với đánh giá có nhiều quan chức đi lễ Đền Trần để cầu thăng quan tiến chức; 37,6% đồng ý với ý kiến có thiên vị, ưu tiên người có chức quyền trong việc ban Ấn…

Khi được hỏi về các phương án thay đổi mô hình ban Ấn cho những năm tới, phần lớn ý kiến người dân đều cho rằng cần giữ nguyên việc khai Ấn và ban Ấn như mọi năm vì đây là truyền thống từ xưa để lại, không thể thay đổi được.

Tuy có những khác nhau ở một vài điểm song về cơ bản, ý kiến của người dân đều cho rằng: Ấn và việc khai Ấn là những biểu thị của nền văn hóa truyền thống, cần được tôn trọng. Vấn đề là ở khâu tổ chức.

Từ đời Trần, khai ấn là nghi thức mở đầu cho một năm làm việc của bộ máy chính quyền, với hy vọng cả năm làm việc suôn sẻ, nhiều thành công. Ấn đền Trần là một biểu tượng, nét đẹp văn hóa của tỉnh Nam Định nói riêng và cả nước nói chung.

Sau này, người dân nơi đây tiếp tục duy trì mỹ tục này để tưởng nhớ công đức của các Vua Trần, đồng thời giáo dục con cháu truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm để bảo vệ non sông xã tắc.

Để duy trì nét đẹp văn hóa ấy, mỗi năm đền Trần in khoảng 10 -15 vạn ấn. Nhưng dường như số lượng ấy đã không đáp ứng được nhu cầu của người dân nên đã xảy ra tình trạng “cướp” Ấn. Vậy nên cứ vào dịp 14 tháng Giêng hàng năm mọi người lại đổ xô đến đền Trần với hy vọng lấy được Ấn để: cầu được ước thấy hoặc để thăng quan tiến chức.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tiến Sơn ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN