Nghi án nhận hối lộ: Nhìn lại vụ Huỳnh Ngọc Sỹ
Nghi án hối lộ trong dự án đường sắt đô thị Hà Nội không phải là lần đầu chuyện tham nhũng xuyên quốc gia được bắt đầu từ thông tin trên báo chí nước ngoài.
Nghi án công ty của Nhật Bản hối lộ cán bộ ở Việt Nam 16 tỷ đồng không phải là lần đầu một vụ tham nhũng liên quan đến ODA giữa 2 nước được bắt đầu từ thông tin trên báo chí nước ngoài. Vụ nhận hối lộ của ông Huỳnh Ngọc Sỹ tại dự án Đại lộ Đông - Tây (TP. Hồ Chí Minh) là một đại án tham nhũng xuyên quốc gia từng được biết đến lần đầu tiên qua báo chí Nhật Bản.
Bắt đầu từ báo Nhật Bản
Cuối tháng 6/2008, báo chí trong nước đưa tin về việc, tờ Yomiuri (nhật báo của Nhật Bản) đăng tải, Công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (Pacific Consultants International - PCI, trụ sở chính tại Nhật) có những vụ hối lộ ở Đông Nam Á để tham gia các dự án từ nguồn vốn ODA. Trong đó có vụ hối lộ 20 triệu Yen (khoảng 400 triệu VNĐ) cho một số viên chức tại Việt Nam.
PCI tham gia hai dự án ODA ở TP. HCM gồm Đại lộ Đông - Tây (tổng đầu tư hơn 660 triệu USD) và Cải thiện môi trường nước TP. HCM (giai đoạn 1 có tổng đầu tư hơn 270 triệu USD). Bản tin trên trang điện tử của nhật báo Yomiuri còn cho biết những người nhận tiền của PCI là người có trách nhiệm với dự án đại lộ Đông - Tây tại TP. HCM.
Cơ quan điều tra Nhật Bản đã đề nghị các cơ quan chức năng tại Việt Nam hợp tác làm rõ. Đây là vụ hối lộ đầu tiên cho quan chức nước ngoài liên quan đến ODA của doanh nghiệp Nhật Bản.
Một thời gian sau, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã vào cuộc. Vào tháng 8/2008, báo chí Nhật tiếp tục đưa tin, bốn cựu quan chức của PCI (ở Nhật) chính thức bị truy tố về tội đưa hối lộ. Những người này bị cáo buộc đã đưa hối lộ khoảng 90 triệu Yen cho giám đốc Ban quản lý dự án đại lộ Đông - Tây và môi trường nước TP. HCM từ năm 2003-2006.
Nghi án công ty của Nhật Bản hối lộ cán bộ ở Việt Nam 16 tỷ đồng không phải là lần đầu một vụ tham nhũng liên quan đến ODA giữa 2 nước. Ảnh: Người lao động
Tháng 11/2008 báo chí Việt Nam đưa tin ông Huỳnh Ngọc Sỹ (lúc đó là Phó GĐ Sở Giao thông Vận tải TP. HCM kiêm giám đốc Ban quản lý dự án đại lộ Đông - Tây) bị đình chỉ công tác. Trước đó, thông tin cụ thể về những người liên quan ở Việt Nam trong nghi án nhận hối lộ đều chưa được ông khai.
Khoảng 6 tháng sau khi báo chí Nhật Bản đưa tin, cơ quan điều tra tại Việt Nam đã khởi tố vụ án đưa hối lộ, nhận hối lộ tại Ban quản lý dự án đại lộ Đông - Tây và môi trường nước TP. HCM.
Đến khi 1 quan chức Việt Nam ngồi tù
Ngay sau đó, cơ quan chức năng Việt Nam đề nghị Bộ Tư pháp Nhật Bản cung cấp nội dung liên quan vụ nhận hối lộ của ông Huỳnh Ngọc Sỹ. Bộ Tư pháp Nhật Bản đã chuyển hơn 3.000 trang tài liệu cho Việt Nam để hỗ trợ công tác điều tra.
Tháng 3/2009, Tòa án tại Nhật Bản đã tuyên án ông Masayoshi Taga (cựu chủ tịch PCI, một trong 4 cựu quan chức bị truy tố) 2 năm 6 tháng tù treo trong vụ đưa hối lộ tại Việt Nam. Theo phán quyết của tòa, ông này đã hối lộ 220.000 USD (khoảng 26 triệu Yen) cho ông Huỳnh Ngọc Sỹ vào tháng 8/2006. Trước đó, tháng 1/2009, Tòa án ở Tokyo cũng xử tù treo ba quan chức kia của PCI vì hối lộ ông Huỳnh Ngọc Sỹ 820.000 USD để thầu dự án xây dựng hạ tầng TP. HCM.
Vào đầu năm 2010, ông Huỳnh Ngọc Sỹ bị cơ quan điều tra tại Việt Nam khởi tố về tội “nhận hối lộ”. Thời gian này, ông Huỳnh Ngọc Sỹ đang bị tạm giam ở trại B34 của Bộ Công an (ở quận 1, TP. HCM). Khi đó, ông Sỹ vừa bị kết án sơ thẩm trong một vụ án khác cũng liên quan tiêu cực tại Ban quản lý dự án đại lộ Đông - Tây và môi trường nước TP.HCM.
Đến tháng 9 cùng năm, Viện KSND tối cao có cáo trạng truy tố ông Sỹ. Ông Sỹ bị cáo buộc nhận 262.000 USD (hơn 4 tỷ đồng) để làm một số việc có lợi cho PCI.
Dự án Đại lộ Đông - Tây TP. HCM được phê duyệt năm 2000. Ban quản lý dự án xây dựng đại lộ Đông Tây được thành lập tháng 1/2000. Ông Huỳnh Ngọc Sĩ làm Giám đốc Ban quản lý dự án. Để được trúng thầu Tư vấn thiết kế, giám sát cho dự án và được nhiều điều khoản có lợi, quan chức của PCI đã đưa hối lộ cho ông Huỳnh Ngọc Sỹ.
Tháng 10/2010, TAND TP. HCM tuyên phạt ông Huỳnh Ngọc Sỹ tù chung thân về tội nhận hối lộ. Nhưng đến phiên phúc thẩm 9/2011, ông này được giảm án xuống còn 20 năm tù.
Vì những tiêu cực tại Dự án đại lộ Đông Tây, Nhật Bản đã ngừng viện trợ ODA cho Việt Nam trong một thời gian.
Đại lộ Đông Tây có tổng đầu tư hơn 9,8 nghìn tỷ đồng. Dự án đại lộ Đông - Tây và Môi trường nước TP.HCM có tổng đầu tư hơn 14 nghìn tỷ đồng (vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản hơn 9,6 nghìn tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của Việt Nam). Năm 2010, vốn đầu tư cho dự án tăng thêm 3.600 tỷ đồng. Liên quan đến những sai phạm tại dự án đại lộ Đông - Tây và môi trường nước TP.HCM, tháng 2/2009, ông Huỳnh Ngọc Sỹ cùng cấp dưới là Lê Quả còn bị khởi tố về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Đến tháng 7/2009, Ông Sỹ và Quả bị truy tố về tội danh trên. Hai ông này bị cáo buộc cho PCI thuê trụ sở tại nhà thuộc sở hữu nhà nước mà không xin phép cơ quan có thẩm quyền. Tổng số tiền cho thuê 16 tháng là 80.000 USD (1,2 tỷ đồng). Ông Sỹ và Quả không đưa vào sổ sách mà tự ý chi tiêu, chia chác. Đến tháng 3/2010, toà phúc thẩm TAND tối cao tại TP. HCM đã tuyên phạt Huỳnh Ngọc Sỹ 6 năm tù, Lê Quả 5 năm tù. Trước đó, tòa sơ thẩm chỉ tuyên phạt 2 ông này một nửa mức án phúc thẩm nhưng đã bị VKS kháng nghị. |