Nghẹn lòng những ước mơ của bệnh nhi ung thư

Làm công an, bác sĩ, giáo viên, tiếp viên hàng không... đó là ước mơ của những bệnh nhi đang điều trị ung thư tại viện K. Tuy nhiên, những điều ước ấy chưa biết khi nào thành hiện thực, bởi tử thần luôn “rình rập” các em.

Ước mơ làm công an, bác sĩ, giáo viên, tiếp viên hàng không...

Chúng tôi gặp Nguyễn Thị Thanh Nhung (SN 1997, dân tộc Tày, xã Nghĩa Tá, huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn) khi em ngồi ở hàng ghế nghỉ ở Khoa nhi, Bệnh viện K (cơ sở Tân Triều, Hà Đông, Hà Nội). Khuôn mặt thẫn thờ, Nhung đang mong ngày được ra viện, về nhà đi học cùng bạn bè.

Nghẹn lòng những ước mơ của bệnh nhi ung thư - 1

Nguyễn Thị Thanh Nhung ngồi thẫn thờ ở hàng ghế nghỉ hành lang Bệnh viện K. Mẹ em luôn bên cạnh để giúp con đi lại.

Nhung kể, đầu tháng 11.2014, khi đang trên đường đi học, em bị một chiếc xe máy tông phải. Vào viện điều trị, bác sĩ phát hiện Nhung bị ung thư xương. Gia đình phải bán hết trâu, bò, lợn, gà... vay mượn thêm họ hàng để đưa em xuống Hà Nội chữa bệnh. Có thời gian, gia đình định đưa Nhung về quê, bỏ dở chữa trị vì lý do hết tiền. Tuy nhiên, được các bác sĩ động viên, sự chia sẻ và giúp đỡ của các mạnh thường quân, Nhung được ở lại tiếp tục điều trị.

“Em ước mơ sau này được khoác lên mình màu áo xanh công an, nhưng chân trái của em đã không còn nữa nên...”, bỏ lửng câu nói, Nhung rơm rớm nước mắt.

Đang nắn khớp chân cho con trai Bùi Tiến Dũng (SN 2003, quê Kiến Xương, Thái Bình), chị Nguyễn Thị Khuê chia sẻ: “Cháu nhập viện đã được 8 tháng. Căn bệnh ung thư xương khiến cháu phải tháo khớp chân bên trái. Mấy hôm nay, cháu kêu đau nhức ở chỗ tháo khớp nên tôi xoa bóp cho cháu bớt đau”.

Nghẹn lòng những ước mơ của bệnh nhi ung thư - 2

Chị Nguyễn Thị Khuê (Thái Bình) đang nắn bóp chân cho con trai Bùi Tiến Dũng.

Khi được hỏi về ước mơ sau này, Dũng bỗng òa khóc: “Cháu buồn lắm, cháu chỉ ước mình không bị cắt chân để được đi học như bạn bè, đi lại như người bình thường. Sau này lớn lên, cháu sẽ làm bác sĩ để chữa bệnh cho mọi người”.

Bệnh nhi Chang Thị Hà Linh (SN 2011, dân tộc Tày, ở Phong Thổ, Lai Châu) phát hiện bị ung thư xương cách đây 3 tháng. Khuôn mặt ngây thơ, ánh mắt hồn nhiên của cô bé vùng cao luôn chăm chú theo dõi khi thấy người lạ.

Anh Chang A Tùng (bố Hà Linh) cho biết, cháu đang theo học lớp mẫu giáo ở bản. Dù nhỏ tuổi hơn các bạn nhưng cháu rất ham học. Khi được hỏi sau này lớn lên sẽ làm gì, Hà Linh hồn nhiên trả lời: “Cháu muốn trở thành cô giáo để dạy chữ cho mọi người”.

Nghẹn lòng những ước mơ của bệnh nhi ung thư - 3

Dù mắc bệnh nặng nhưng nụ cười luôn nở trên môi bé Khánh Linh (Hải Dương).

Khác với những bệnh nhân khác, dù biết mình bị mắc bệnh nặng nhưng cô bé Lê Nguyễn Khánh Linh (SN 2005, quê Hải Dương) luôn mỉm cười và vui vẻ nói chuyện với mọi người. Chị Nguyễn Thị Hiền (mẹ Khánh Linh) cho biết, Linh đang mang trong mình căn bệnh ung thư buồng trứng. Cháu đã điều trị hơn 2 năm nay nhưng bệnh tình chưa ổn định.

Mỗi tháng, tiền điều trị cho Khánh Linh hết 20 triệu đồng. Tiền bạc 2 vợ chồng chị Hiền tích cóp nhiều năm đã ra đi sau những lần truyền hóa chất cho con. Đến lúc, bán hết tài sản trong gia đình, vay mượn ngân hàng, người thân... vợ chồng chị cũng không đủ tiền để cho Khánh Linh chữa bệnh. Biết hoàn cảnh gia đình Nhung khó khăn nên bệnh viện, y bác sĩ đã nhiều lần kêu gọi các tổ chức thiện nguyện hỗ trợ Lin.

Trò chuyện với chúng tôi, Khánh Linh nói: “Cháu ước mơ sau này trở thành tiếp viên hàng không để được đi khắp nơi trên thế giới”.

Tổ chức thiện nguyện chắp cánh ước mơ

Trao đổi với phóng viên, tiến sĩ, bác sĩ Trần Văn Công – Trưởng Khoa nhi (Bệnh viện K, cơ sở Tân Triều) cho biết, bệnh viện đang điều trị cho 150 bệnh nhi mắc bệnh ung thư. Mỗi bệnh nhi mắc bệnh ở một thể khác nhau. Kinh tế gia đình các em cũng gần như kiệt quệ sau những năm tháng đưa con đi chữa bệnh. 

Nghẹn lòng những ước mơ của bệnh nhi ung thư - 4

Bố con bé Hà Linh (Lai Châu) tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều.

“Hơn 15 năm gắn bó với nghề này, tôi đã chứng kiến biết bao ước mơ của bệnh nhi còn dang dở. Nhiều gia đình quá khó khăn, bác sĩ chẩn đoán bệnh, đưa ra liệu trình điều trị nhưng bệnh nhân phải từ bỏ vì không có tiền điều trị”, bác sĩ Công chia sẻ.

Theo bác sĩ Công, sau chương trình Ngày mai tươi sáng do bệnh viện tổ chức từ năm 2006 đến nay, nhiều nhóm thiện nguyện đã quan tâm đến các bệnh nhi bị ung thư. Các hoạt động như tổ chức sinh nhật cho các cháu, hỗ trợ mở nhà đọc sách, khu vui chơi trong khuôn viên bệnh viện...

Ngoài ra, bệnh viện cũng phối hợp với các tổ chức thiện nguyện mở các lớp dạy vẽ, dạy hát cho các cháu định kỳ 1 lần/tháng. Tinh thần các cháu lạc quan, vui vẻ hơn, điều đó tốt cho quá trình điều trị căn bệnh ung thư.

“Nhiều gia đình bệnh nhi khó khăn phải đưa con trốn viện hoặc xin đưa con về quê chỉ vì không có tiền điều trị. Chúng tôi phải phải kết hợp cùng các tình nguyện viên kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ. Hiện Quỹ Hỗ trợ bệnh nhi ung thư – Ngày mai tươi sáng đang hỗ trợ những bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn từ 3-10 triệu/đợt tùy vào liệu pháp điều trị”, bác sĩ Công cho biết.

____________________

Đón đọc kỳ tiếp theo: Ước mơ làm tiếp viên hàng không của cô bé ung thư xương

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Triệu Quang – Công Phương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN