Nghề ve chai và “cơ duyên” với hung khí

Hơn 35 năm mò ve chai dưới các dòng kênh, ông Nguyễn Văn Hoàng (ngụ quận Bình Tân, TP HCM) nhớ như in những lần tìm thấy thi thể, tiền vàng và cả tang vật của bọn trộm cắp phi tang.

Ngoằn ngoèo qua nhiều ngõ hẻm, cuối cùng chúng tôi cũng đến được địa chỉ 295/2/16 Tân Hòa Đông, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân để gặp ông Nguyễn Văn Hoàng (SN 1964, còn được gọi là Hoàng “ve chai”) - một trong những nhân tố tích cực của phong trào toàn dân giao nộp vũ khí.

Mưu sinh dưới dòng kênh đen

Từ năm 15 tuổi, ông Hoàng đã cùng lũ em nheo nhóc đi thu nhặt ve chai để kiếm sống qua ngày. Các em của ông lượm ve chai trên bờ, riêng ông lại gắn bó cùng những dòng kênh hôi hám, đen kịt ở TP HCM gần 35 năm qua.

Đều đặn mỗi ngày, ông rời nhà lúc 7 giờ, cùng chiếc xe ba gác chạy dọc theo tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm, rong ruổi ở kênh rạch gần Công viên Đầm Sen xuôi về kênh Hiệp Tân (phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú) rồi kết thúc ngày làm việc lúc 14 giờ.

Nghề ve chai và “cơ duyên” với hung khí - 1

Gia đình ông Hoàng đã gắn bó nhiều năm với nghề nhặt ve chai

“Tôi cũng biết ngâm mình dưới nước hôi thối dễ mắc bệnh nhưng số phận như đã vận vào người rồi, làm riết thấy cũng bình thường. Nhặt ve chai trên bờ sạch sẽ nhưng nhiều người tranh giành, đâu còn chỗ cho mình. Cái nghề này cũng ác lắm, lâu lâu lại đụng phải xác động vật chết, thậm chí có cả vài phần thi thể người…” - ông nhớ lại.

Ông Hoàng hào hứng kể về những lần “vô mánh” trong chuỗi ngày nhặt ve chai. Đó là lúc nhặt được vài phân vàng người ta vô tình làm rơi, cũng có khi là tang vật mà các đối tượng trộm cắp phi tang.

Một lần, ông Hoàng đang mò tìm thì đụng phải khối sắt lớn, ước chừng hơn chục ký. Lấy hết sức lôi lên, hóa ra là sườn xe máy, ông nghi là của bọn trộm xe “luộc” xong phụ tùng rồi vứt xuống phi tang. Ông mò tiếp với hy vọng kiếm thêm chút ít, ai ngờ được thêm gần chục chiếc sườn xe nữa. Nhiều quá chở không nổi, ông Hoàng phải thuê ba gác đến đưa đi bán.

Lần khác, ông Hoàng mò được một két sắt bên trong đựng giấy tờ. Ông giữ cái két lại đem bán ve chai, giấy tờ thì giao nộp công an phường. Sau đó, nhiều người nhận lại được giấy tờ từ cơ quan công an đã đến gửi ông chút quà cảm ơn.

Biết cái gì đúng, sai...

Năm 2004, ông Hoàng tình cờ mò được chiếc khăn lông quấn tròn, bên trong là khẩu súng ngắn và 6 viên đạn còn mới. “Thấy khẩu súng, tôi hết hồn. Từ nhỏ đến lớn, tôi có bao giờ nhìn thấy khẩu súng nào đâu.

Lúc đó, tôi cũng suy tính dữ lắm, bán nó đi cũng được vài triệu đồng cho gia đình đắp đổi qua ngày nhưng nghĩ lại, lỡ ai đó cầm súng này đi bắn chết người thì lương tâm mình sao yên được…” - ông tâm sự. Cuối cùng, ông quyết định đem khẩu súng giao nộp công an. Hành động của ông đã được UBND quận Bình Tân trao tặng bằng khen.

Nghề ve chai và “cơ duyên” với hung khí - 2

Đều đặn mỗi ngày, ông rời nhà lúc 7 giờ cùng chiếc xe ba gác rong ruổi nhặt ve chai

Rồi như “cơ duyên”, ông Hoàng liên tục nhặt được hung khí. Năm 2005, ông mò được khẩu K54 và cũng đem nộp công an phường. Không những vậy, ông còn nhiều lần mò được dao, mã tấu…, tất cả đều đem nộp cơ quan công an.

“Mấy đứa choai choai nghe tin cứ lân la gặp tôi ngỏ ý muốn mua nhưng tôi không chịu, vậy mà tụi nó cứ theo hoài. Nghèo thì nghèo thiệt nhưng tôi biết cái gì đúng, cái gì sai…” - ông thổ lộ.

Thời trẻ, cha ông Hoàng mưu sinh với nghề cửu vạn ở chợ đầu mối, còn mẹ ông gánh nước thuê. Tuổi xế chiều, không còn khỏe, cha mẹ ông đi nhặt phế liệu ở kênh để lo cho bầy con nheo nhóc. Anh em ông từ nhỏ đã theo cha mẹ nhặt ve chai rồi làm riết đến giờ. Hiện tại, gia đình ông có đến 6 người đang gắn bó với nghề ve chai.

Mẹ ông, cụ Huỳnh Thị Sổ, dù tuổi đã ngót 80 vẫn theo con gái út và 2 đứa cháu (9 tuổi và 14 tuổi) đi nhặt ve chai đến 22 giờ mỗi ngày. Khi chúng tôi hỏi về tương lai đứa con gái 5 tuổi, ông Hoàng thở dài: “Chắc tôi cũng cho nó đi nhặt ve chai thôi…”.

Rời căn nhà nhỏ ẩm thấp, ọp ẹp như chực chờ sụp xuống - nơi cư ngụ nhiều năm qua của 6 thành viên trong gia đình ông Hoàng - đọng lại trong chúng tôi là lời tâm sự buồn da diết của người đàn ông nhặt ve chai: “Hai năm nay, những dòng kênh đen ngòm dần được cải tạo hoặc lấp đi, công việc cũng không còn nhiều nên đôi lúc tôi phải lên bờ nhặt ve chai. Ngày nào may mắn thì kiếm được 150.000 đồng, ngày ít chỉ vài chục ngàn. Tôi thất học, chỉ biết nhặt ve chai chứ đâu biết làm gì hơn bây giờ”... 

Tinh thần trách nhiệm cao

Bà Trần Thị Bạch Phấn (tổ trưởng khu phố 13, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân) cho biết ông Nguyễn Văn Hoàng có hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn nhưng luôn chăm chỉ làm lụng và tham gia tích cực các phong trào của địa phương. “Hành động của ông Hoàng thể hiện tinh thần trách nhiệm cao đối với xã hội, có ý thức tuân thủ pháp luật” - bà Phấn nhận xét.

Theo Công an phường Bình Trị Đông, ông Hoàng là một nhân tố tích cực trong phong trào toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và đã được UBND quận, phường nhiều lần trao tặng bằng khen.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nam Bình (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN