Nghề nhặt xác: "Đưa đò” bến biệt ly
33 năm nay, ông đã nhặt hàng trăm thi thể nạn nhân bị tai nạn giao thông, chết đuối lâu ngày, cùng một số người mai táng miễn phí cho cả ngàn trường hợp neo đơn, nghèo khó...
Lâu nay, nhiều người nghèo khó không thể lo hậu sự cho thân nhân thường tìm đến địa chỉ quen thuộc trong một con hẻm nhỏ trên đường Đoàn Văn Bơ, quận 4 - TPHCM, đó là nhà của ông Ba Oanh (Bùi Văn Oanh). Đến nay, đội mai táng của ông đã lo hậu sự miễn phí cho hơn 1.000 trường hợp có hoàn cảnh khó khăn. Riêng 6 tháng đầu năm 2012, đã có 30 người được ông Ba Oanh và đội mai táng tặng quan tài, tổ chức tang lễ miễn phí.
Trả nghĩa cho đời
“Năm 1976, cha tôi mất. Gia đình tôi lúc đó quá nghèo, không mua nổi quan tài cho người quá cố. Sau 2 ngày ôm thi thể cha than khóc, tôi tìm đến một trại hòm mua chịu chiếc quan tài. Sau đám tang cha, gom góp tiền giúp đỡ, phúng điếu của bà con hàng xóm cộng thêm 3 năm đạp xe ba gác thuê, tôi mới trả xong nợ mua áo quan” - ông Ba Oanh ngậm ngùi.
Hằng ngày đạp xe ba gác thuê, ông Ba Oanh chứng kiến biết bao cảnh đời éo le, khốn khó, khi chết không có tấm áo che thân. Xót xa cho thân phận người nghèo, không biết từ bao giờ, ông đến với nghề nhặt xác, sau đó tìm cách an táng miễn phí cho những trường hợp neo đơn, cơ cực.
Mặc mưa gió, sớm khuya, gần xa, hễ nghe điện thoại báo tin là ông Ba Oanh lại lặn lội đạp xe đi nhặt nhạnh thi thể người gặp nạn. “Trước đây, có ngày, tôi nhặt thi thể 2-3 nạn nhân bị tai nạn giao thông. Gặp trường hợp quá nghèo khó, tôi sẵn sàng đứng ra lo mai táng cho họ. Nhiều vụ tai nạn rất thảm khốc, thi thể nạn nhân bị dập nát, tôi phải chui dưới gầm xe thu hồi từng bộ phận của họ đem ra, sau đó sắp xếp lại hoàn chỉnh mới xong việc” - ông Ba Oanh cho biết.
Ông Ba Oanh đã nhặt hàng trăm thi thể nạn nhân và cùng một số người mai táng miễn phí cho cả ngàn trường hợp
Có lần đạp xe ba gác trên đường Nguyễn Tất Thành - quận 4, ông Ba Oanh chứng kiến một vụ tai nạn giao thông mà thi thể nạn nhân không còn nguyên vẹn. Xung quanh, người đi đường chen lấn đứng xem nhưng không ai dám đưa nạn nhân ra khỏi hiện trường. Ông lẳng lặng bước vào nhặt xác, sau đó chạy vạy khắp nơi xin quan tài vì gia đình nạn nhân quá nghèo khó.
Thấy ông có lòng, một phụ nữ đã cho người mua chiếc quan tài mang đến. Từ đó, mỗi lần gặp những trường hợp nạn nhân quá cơ cực mà ông ngược xuôi xin quan tài mãi không xong, người phụ nữ này lại đứng ra trợ giúp.
Ngoài việc nhặt xác những nạn nhân chết vì tai nạn giao thông, ông Ba Oanh còn không nề hà nhận vớt các thi thể chết trôi lâu ngày mà không ai dám đụng tới vì đã phân hủy, thối rữa. “Mỗi lần nhớ về quá khứ nghèo khó, nhớ về cha mình khi mất không có nổi chiếc quan tài đã được nhiều người giúp đỡ, tôi không còn thấy ngán ngại công việc này. Đó cũng là một cách tôi trả nghĩa cho đời, cho cha tôi” - ông tâm sự.
Ám ảnh cơ cực đời người
Lúc rảnh rỗi, ông thu xếp thời gian đến “học nghề” ở các đám tang. Ông đã sắm sửa được 15 bộ trang phục tang lễ và vận động một số người là thợ hồ, chạy xe ôm, ba gác... để thành lập đội mai táng miễn phí. Hiện nay, đội mai táng của ông có 27 thành viên, riêng gia đình ông đã đóng góp 7 người.
Không chỉ hoạt động ở TPHCM, đội mai táng của ông Ba Oanh còn sẵn sàng đến bất cứ đâu từ Bắc chí Nam nếu người nghèo cần đến. “Suốt 33 năm nay, ngoài việc nhặt hàng trăm thi thể nạn nhân bị tai nạn giao thông, chết đuối lâu ngày, tôi và đội đã mai táng miễn phí cho cả ngàn trường hợp neo đơn, nghèo khó...” - ông cho biết.
Hình ảnh một người đàn ông đạp xe rong ruổi khắp hang cùng ngõ hẻm ở TPHCM xin quan tài cho những trường hợp nghèo khó đã quá quen thuộc với nhiều người. Vì thế, nhiều người quen đã ví ông như “người đưa đò ở bến biệt ly”. “Trước đây, mỗi lần gặp nạn nhân có gia cảnh quá khó khăn, tôi lại tất bật đi xin quan tài. Nơi này không cho, tôi lại đạp xe đi nơi khác, chừng nào có mới thôi. Gần đây, tôi đã có “mối” một số người cho quan tài nên trong nhà luôn để sẵn 2 chiếc, khi nạn nhân cần là đáp ứng” - ông nói.
Nhắc về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời “đưa đò” của mình, ông Ba Oanh thổ lộ: “Cách đây hàng chục năm, có một đôi vợ chồng trẻ quê Nghệ An vào TPHCM mưu sinh. Hằng ngày, chồng đi bán vé số, vợ rửa chén bát thuê. Một hôm, anh chồng đang đi bán vé số thì bị đột quỵ rồi qua đời. Chủ nhà trọ sợ xui xẻo nên không cho mang thi thể anh về nhà.
Đội mai táng của tôi đã đến thuyết phục mãi, chủ nhà mới cho phép giăng bạt ngoài sân khâm liệm, sau đó vội vã đưa người xấu số về quê an táng. Hai năm sau, khi tôi đang lúi húi sơn chiếc áo quan trước cửa nhà, người vợ dắt con tới quỳ lạy tạ ơn. Đó là “chuyến đò” buồn nhất trong cuộc đời dính vào nghiệp nhặt xác, mai táng của tôi”.
“Người đưa đò” tâm sự rằng ông mong ngày càng có nhiều người cùng chung tay giúp đỡ những nạn nhân khốn khó để họ ra đi được thanh thản. “Điều thiết thực nhất mà tôi mong là có được nhiều người giúp quan tài, để khi gặp những phận người cơ cực nằm xuống, đội mai táng của tôi không phải chạy ngược xuôi, gõ cửa từng nhà nhờ giúp đỡ” - ông Ba Oanh bộc bạch.
Cùng nuôi heo đất Sau những cuốc xe ôm, những buổi phụ hồ hay các chuyến xe ba gác, anh em đội mai táng của ông Ba Oanh lại bỏ một phần tiền công để nuôi heo đất, khi có việc cần đến là “mổ” lấy tiền lo hậu sự cho người nghèo. Riêng ông Oanh, hằng tháng được các con cho 1-2 triệu đồng, ông không dám xài mà để dành đóng góp với đội. |