Nghề... "ngửi tàu tỏa"
Khi tàu vào ga, những người làm cái nghề lạ lẫm này lại ngồi sát mặt đất chăm chú theo dõi từng gầm toa tàu, chuyển động của bánh sắt. Để phát hiện được lỗi, họ phải vận dụng tất cả các giác quan, mắt quan sát, tai nghe để phát hiện tiếng động lạ, mũi ngửi mùi khét...
Ngồi xổm “soi” lỗi
Một hồi còi dài báo hiệu tàu xin đường vào ga Hà Nội. Ông Đoàn Văn Tuấn - Tổ trưởng Tổ khám xe 3 thuộc phân đoạn Khám chữa chỉnh bị vội vã ra sát vạch an toàn gần đường ray. Đoàn tàu chầm chậm vào ga, ông Tuấn ngồi sát mặt đất chăm chú theo dõi từng gầm toa tàu, chuyển động của bánh sắt. Dường như mọi chuyển động của đoàn tàu đều không qua được con mắt nhà nghề của ông.
"Công đoạn phát hiện lỗi tàu ra vào ga đều được thực hiện thông qua các giác quan nên đòi hỏi cán bộ kỹ thuật phải tập trung cao độ mới làm được việc. Các đợt cao điểm khi lượng tàu tăng, anh em cũng phải thay phiên làm việc rất vất vả. Thậm chí nhiều hôm tàu về lệch giờ, anh em phải trực chốt ở hai đầu ga để đón nên cũng không kịp ăn uống gì, thường là ăn tạm cái bánh mỳ cho qua bữa”. Ông Phạm Ngọc Thắng |
Đoàn tàu yên vị trong sân ga, ông Tuấn lấy quyển sổ ghi chép những lỗi của tàu vừa phát hiện được vào quyển sổ dày. “Có 5 điều bất thường cần kiểm tra ngay để đảm bảo an toàn” - ông nói rồi đi lấy hòm dụng cụ và ra tàu.
Những lỗi thường thấy nhất là bó hãm, vẹt mặt lăn, chống ổ bi, rơi ốc... Để phát hiện được những lỗi này phải vận dụng tất cả các giác quan, mắt quan sát, tai nghe phát hiện tiếng động lạ, mũi ngửi mùi khét. “Cái ốc nào bị long hoặc rơi là tôi biết ngay, còn tàu có mùi khét là y như rằng bị bó hãm” - ông Tuấn bảo - “Sự cố nào có thể khắc phục được tôi sẽ báo anh em ra sửa tại chỗ. Còn cái nào không thể sửa được buộc phải yêu cầu cắt lại toa để đưa vào xưởng sửa chữa”. Trong quyển sổ ghi chép dày cộp là chi chít những lỗi hỏng hóc được phát hiện, sửa chữa kịp thời để đảm bảo an toàn cho lần khởi hành tiếp theo.
Còn 5 hôm nữa là ông Tuấn nghỉ hưu, nhưng đêm nay ông vẫn muốn được làm việc, được tự tay siết từng con ốc, khắc phục những hỏng hóc của đoàn tàu. Sau Tết, ông sẽ nhận sổ hưu nên buồn vui lẫn lộn. Hơn 40 năm làm cái nghề “ngửi tàu” - như cái cách anh em thường nói đùa, ông Tuấn cũng không nhớ nổi đã phát hiện ra bao nhiêu lỗi của đoàn tàu. Chỉ biết đến giờ, ngồi trong nhà, ông cũng có thể phát hiện được lỗi bất thường khi toa tàu chạy qua nhờ những kinh nghiệm và giác quan nhạy bén.
Tổ lâm tu chỉnh bị tàu SE3 phục vụ chuyến cuối năm Quý Tỵ
Tuyển dụng khắt khe
Ở Phân đoạn khám chữa chỉnh bị ga Hà Nội có 250 người, được chia làm 10 tổ; Trong đó, có 3 tổ khám xe với khoảng 30 thành viên. Còn lại là Tổ lâm tu chỉnh bị, Tổ khu gian... Các anh em ở phân đoạn nếu không phát hiện được lỗi kịp thời sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự an toàn của đoàn tàu. Ví như lỗi bó hãm, nếu không được sửa chữa sẽ khiến tàu vận hành không đúng tốc độ, gây mùi khét, thậm chí phanh hãm rơi ốc và chống xuống đường ray có thể gây trật bánh. Nếu ổ bi bị mòn sẽ gây tiếng ồn rất lớn lên toa tàu khiến hành khách khó chịu... Thế nên để được làm việc ở tổ khám xe cũng không dễ. Đầu tiên phải qua đào tạo ở trường nghề cẩn thận, được cấp chứng chỉ chuyên môn; sau đó phải qua một thời gian sửa chữa trực tiếp tại hiện trường mới được xét cho sang tổ “ngửi tàu”.
Để được một mình một “trận địa”, người mới vào nghề phải “học nghề” từ các bậc đàn anh. Thế nên, người dày dạn kinh nghiệm như ông Tuấn được coi là “của quý” ở Phân đoạn.
Ở các ga chính như Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng... mới có Phân đoạn khám chữa chỉnh bị. Mỗi lần có tàu vào ga là lúc các thành viên tập trung nhất để phát hiện lỗi, sau đó thông báo cho các lực lượng sửa chữa. Để an toàn, khi tàu rời ga, các thành viên tổ khám xe lại ngồi xổm vận dụng tất cả các giác quan để phát hiện lỗi. Ông Phạm Ngọc Thắng cho biết thêm, thường khi tàu rời ga đều đã được khám chữa chỉnh bị rất kỹ nên không có lỗi, nhưng các thành viên vẫn tiếp tục quan sát. Chỉ đến khi đoàn tàu về đích an toàn mới thành công.
Một hồi còi dài cất lên, đoàn tàu cuối cùng trong ngày từ từ chuyển bánh. Ở đầu ga phía Nam, một ánh đèn pin quét ngang gầm tàu rồi tắt. Chuyến tàu khởi đầu hành trình an toàn nhờ vào công sức rất lớn của các thành viên tổ “ngửi tàu”.