Nghề luyện chó "so hàm"
Nhìn chú chó Pitbull rướn mình giật đồ trên cao hay ì ạch kéo lốp ô tô, trèo thang, leo mái nhà... những người chứng kiến lắc đầu lè lưỡi: "Khổ như... chó chọi". Mấy ai biết nghề luyện chó chọi cũng lắm công phu.
Gặp Nam, dân "chính cống" trong nghề luyện khuyển, trong một buổi trưa nắng nóng trên đường Thanh Niên (Tây Hồ, Hà Nội). Dáng người cao to, rắn chắc, tay nhằng nhịt sẹo, dấu tích của bao năm huấn luyện chó, Nam dắt theo một chú Pitbull 2 tháng tuổi. Hiện tại, Nam đang huấn luyện 5 chú Pitbull từ 3 tháng đến 4 năm tuổi và một số loài chó khác như Becgie, Phú Quốc, Bắc Hà...
Nuôi chó từ năm 2005 nhưng mãi tới năm 2009 Nam mới bắt đầu làm quen với chó chọi Pitbull. Dáng vẻ chó Pitbull xấu xí, hầm hố nhưng Nam "kết” nhất loại chó này bởi bản năng chiến đấu sinh tồn cao và sự trung thành tuyệt đối của chúng. Bởi thế, anh bỏ số tiền không nhỏ để tậu được một chú chó Pitbull.
Đu dây là một trong những bài tập cơ bản rèn luyện cơ hàm
Thời gian đầu, Nam mua về một chú chó trưởng thành. Tai nạn xảy ra khi con chó cắn người. Không có hậu quả đáng tiếc xảy ra, và dù xót lắm nhưng Nam vẫn quyết định “khai tử” con chó trước khi nó kịp làm hại người khác. Từ đó, Nam không quên rọ mõm, đeo xích cho chó trước khi đưa chúng ra ngoài.
Lì lợm là đặc tính của loại chó này
Chúng chỉ nhả mồi khi được chủ hạ lệnh
Những vết thương trong lúc luyện tập
“Phải huấn luyện được các chú chó an toàn với mình, với người thân và cả những người xung quanh” – đó là “đạo đức nghề nghiệp” mà Nam luôn hướng tới.
Nam luyện chó chọi tỉ mẩn và toàn diện như với một vận động viên thực thụ: luyện võ, luyện cơ bắp, hàm, thần kinh... đủ cả để khi "thượng đài" bỏ mạng mới thôi.
Tập bơi để rèn luyện cơ thể
"Vận động viên" chó thường được ra hồ tập bơi. Với trọng lượng hàng chục kilogram, chú chó cứ cắm đầu lôi chủ đi xềnh xệch. Chó Pitbull có cơ bắp phát triển và lực cắn khỏe nhất trong tất cả các loài chó. Chúng có thể đốn hạ một cây có đường kính 40cm trong thời gian ngắn. Một tay nắm chặt xích, một tay lăm lăm cây gậy gỗ, Nam bảo phải có sức khỏe của Hecquyn mới luyện được chó. Cây gậy vừa được ném xuống hồ, chú chó lao vút xuống, bơi đi mải miết, ngoạm lấy cây gậy rồi lại mải miết bơi về. Hết bơi, chú lại quay về nhà kéo... lốp xe hơi, leo cây, leo cầu thang, chạy dài, vượt chướng ngại vật... để tăng cường sức khỏe.
Một bài tập cũng vô cùng quan trọng đó là luyện thần kinh cho chó. Pitbull được ngồi lên xe, chở đi quanh phố để làm quen với tiếng ồn bởi chú chó dù giỏi đến đâu nhưng thần kinh kém, khi lên võ đài sẽ bị hoảng loạn bởi tiếng ồn, có khi bỏ chạy trước khi bị đối thủ tấn công…
"Đối với chó nghiệp vụ, khi huấn luyện cần phải dùng quân xanh (con người làm mồi) nhưng với chó chọi có thêm một phương pháp mới, đó là cho “chó đấu chó” thì chúng mới mau trưởng thành được"", anh Nam chia sẻ. "Sự nguy hiểm và ham mồi của giống chó này thể hiện ở chỗ đã ngoạm vật gì thì chỉ khi vật đó bị đứt lìa nó mới nhả ra và chuyển sang ngoạm chỗ khác. Vết thương để lại sẽ rất sâu và rộng vì hàm răng của chúng rất dài, sắc nhọn. Vì vậy, trong quá trình huấn luyện những loại chó mới mua về, người nuôi cần phải đề phòng. Khi bị cắn, nhẹ có thể mang tật, nặng có thể mất mạng".
Hỏi: “Anh đã từng làm “quân xanh” bao giờ chưa?", Nam bật cười: “Chủ nhân không bao giờ làm “quân xanh” cho chó để tránh tình trạng chó phản chủ”.
Ăn cũng phải theo chế độ riêng
Tắm cũng phải xích
Khi giống chó Pitbull được nhân giống đại trà, tạo ra số lượng quá đông mà không có các biện pháp huấn luyện cụ thể sẽ gây nguy hiểm cho người nuôi và những người xung quanh, anh Nam cảnh báo.
Không dữ dằn, xấu xí như chó chọi Pitbull, chó ngao Tây Tạng được xếp vào dòng chó quý hiếm được các đại gia săn lùng. Đây là vật nuôi thông minh, cực kỳ trung thành và sống rất tình cảm. Mời độc giả đón đọc vào 10h ngày 30/5: Ngao Tây Tạng - "Thần khuyển" của các đại gia.