Nghe lén điện thoại ở VN: Không hiếm
“Hệ thống an toàn, an ninh mạng ở nước ngoài, đặc biệt là nước Mỹ, Đức phát triển như vậy mà còn bị nghe lén thông tin thì ở Việt Nam, cá nhân này cài đặt phần mềm nghe lén cá nhân kia là điều có thể”, ông Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ tịch phụ trách an ninh mạng của Công ty an ninh mạng Bkav nói.
Những ngày vừa qua, vụ việc tình báo Mỹ bị phát hiện nghe lén điện thoại của người dùng nhiều nước cũng như các nguyên thủ quốc gia hàng đầu ở châu Âu và châu Á đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng bảo mật của mạng viễn thông. Đặc biệt, thông tin từ một tờ báo nước ngoài mới đây cho biết, các đại sứ quán Úc tại nước ngoài đang được dùng làm cơ sở nghe lén các cuộc gọi điện thoại và thu thập dữ liệu tình báo trên khắp châu Á.
Vậy ở Việt Nam, các cá nhân, tổ chức có bị nghe lén thông tin không? Vấn đề bảo mật an toàn, an ninh mạng ra sao?
Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ tịch phụ trách an ninh mạng của Công ty an ninh mạng Bkav cho biết: Ở Việt Nam, vấn đề nghe lén thông tin cá nhân chưa đến mức báo động nhưng hẳn là đã có. Người dùng có thể dễ dàng tìm kiếm và mua phần mềm cài đặt nghe lén thông tin cá nhân trên mạng với giá vài triệu đồng. Phần mềm này có thể dùng vào nhiều mục đích khác nhau như: vợ theo dõi chồng; doanh nghiệp nghe lén thông tin của nhau…
Khi cá nhân nào đó muốn nghe lén thông tin của người kia, họ sẽ lấy trộm điện thoại của người thân người đó, cài phần mềm lên, sau đó tất cả các cuộc gọi, tin nhắn, địa điểm, gmail đều bị người nghe lén biết được. Các máy điện thoại sử dụng hệ điều hành: Android, Windows phone… đều có thể cài đặt phần mềm nghe lén.
Hoặc người ta sử dụng các thiết bị nghe lén nhỏ mang đến đặt vào bàn làm việc, phòng ngủ, thiết bị điện tử. Những thiết bị này có thể hoạt động vài ngày, thậm chí có thể gửi được những thông tin thu thập được qua mạng không giây hoặc mạng 3G.
“Thậm chí, gần đây ở nước Nga, người ta còn phát hiện ở chiếc bàn là, thiết bị đun nước nóng khi nhập vào trong nước có gắn thiết bị nghe lén thông tin cá nhân”, ông Đức dẫn chứng.
Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ tịch phụ trách an ninh mạng của Công ty an ninh mạng Bkav
Theo ông Đức, ở Việt Nam, cá nhân này muốn nghe lén thông tin của cá nhân kia là điều hoàn toàn có thể xảy ra, bởi vì hiện nay trên mạng rao bán khá nhiều các phần mềm nghe lén. Trường hợp vợ cài đặt phần mềm nghe lén theo dõi chồng cũng không hiếm.
Khi doanh nghiệp bị nghe lén, tất cả nội dung trao đổi qua điện thoại hoặc kế hoạch kinh doanh, nội dung đàm phán của công ty đó sẽ bị lộ ra ngoài. Như vậy, hoạt động kinh doanh của công ty đó bị ảnh hưởng nặng nề.
“Cũng có trường hợp doanh nghiệp thuê kỹ sư công nghệ thông tin cài đặt virut lên máy chủ của công ty đối thủ để lấy cắp dữ liệu, hoặc nghe lén qua gmail. Thậm chí, họ còn lợi dụng lỗ hổng về hệ thống, bảo mật của công ty đối thủ xâm nhập vào đánh cắp dữ liệu”, ông Đức nói.
Ông Đức cho rằng, đối với cá nhân muốn nghe lén thông tin qua đường truyền mạng viễn thông là điều rất khó xảy ra. Bởi vì khi nghe lén thông tin trên hệ có dây, người ta phải thêm một thiết bị cài đặt phần mềm gián điệp. Từ đó, họ sẽ nghe lén thông tin cá nhân từ xa.
Mặt khác, những thiết bị này khá đắt tiền, cá nhân thì khó có được. Chỉ có các tổ chức chính trị muốn nghe lén nhau hoặc nước này muốn nghe lén thông tin của nước kia mới có thiết bị này.
Thực tế đã xảy ra vụ nghe lén ở châu Âu như vụ thủ tướng Đức bị Mỹ đặt thiết bị nghe lén. Có thể nói ở những nơi này, công nghệ phát triển mà còn có thể bị nghe lén thì ở Việt Nam cũng có thể bị nghe lén.
Từ trước đến nay, Việt Nam chưa thấy có vụ nghe lén nào qua đường truyền mạng viễn thông. Nhưng việc các doanh nghiệp sử dụng thiết bị nghe lén thông tin cá nhân của nhau đã có.
Ông Đức cho biết thêm, để tránh việc nghe lén thông tin cá nhân, cá nhân cũng như tổ chức không nên cài đặt các phần mềm không rõ nguồn gốc. Với người dùng smartphone hay máy tính, thường được trang bị các phần mềm bảo mật để chống xâm nhập trên mạng Internet. Người dùng cũng cần đề phòng khi có người hỏi mượn điện thoại để thao tác nhằm tránh bị cài phần mềm nghe lén.