Nghề lạ đời: “Bám” người chết để sống

Sự kiện: Thời sự

Không phải ai cũng đủ dũng cảm để làm cái nghề này, nếu yếu bóng vía chắc không thể làm được.

Nghề lạ đời: “Bám” người chết để sống - 1

Chị Nguyễn Hồng Dung tỉa cây, cắt cỏ… cho những phần mộ ở nghĩa trang lưng chừng đồi

Công viên Tâm linh Lạc Hồng Viên ở giữa lưng chừng đồi rộng lớn, nhìn đâu cũng thấy mộ, chúng tôi thấy thấp thoáng những người phụ nữ nhỏ bé lấp ló trong những lùm cây xanh, trong những khuôn viên “biệt thự mộ”. Lại gần, thấy họ đang lau mộ, nhặt cỏ, hương khói… họ chính là những công nhân chuyên “dọn” nhà cho người chết.

Trò chuyện với ông Nguyễn Phúc Hào, Trưởng ban Quản lý Công viên Tâm linh Lạc Hồng Viên (Kỳ Sơn, Hòa Bình), ông Hào nói ngắn gọn: "Họ là “ô sin cho người chết”, ở đây có vài chục chị em làm nghề này. Công việc của họ là làm sạch các phần mộ, ai cũng chịu khó, cần cù".

"Mỗi phần mộ dù lớn hay nhỏ nhưng đều được quy hoạch, trồng cây cảnh, hoa, cỏ rất đẹp. Nếu không có người chăm sóc thường xuyên, chỉ thời gian ngắn, cỏ sẽ mọc um tùm, hoặc cây cối chết héo vì khô cằn", ông Hào nói.

Nghề lạ đời: “Bám” người chết để sống - 2

Làm nghề "osin cho người chết" đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ để nhận được sự hài lòng của người đã khuất, cũng như người nhà các phần mộ

Chị Bích Hiện (39 tuổi, xã Rổng Cấn, Lâm Sơn, Hòa Bình) tỉ mỉ lau dọn từng ngóc ngách, thay nước trong bình hoa, thắp hương cho người lạ đã khuất.  Kể về mối lương duyên đến với nghề "osin cho người chết",  chị Hiện tâm sự: "Có ai muốn làm nghề này đâu nhưng vì cuộc sống đành chấp nhận. Nhà nghèo, học hết lớp 7, lớn lên lấy chồng và có một đứa con đã 10 tuổi, giờ vợ chồng ly thân, một mình nuôi con. Nếu không làm nghề này thì không biết sống thế nào".

Nghề lạ đời: “Bám” người chết để sống - 3

Làm công việc “không giống ai”, vất vả, đồng lương không cao nhưng vì cuộc sống họ phải “bám” người chết để sống

Chị Hiện kể:"Tết không dám đến xông nhà đầu năm cho ai, bởi nhiều người quan niệm làm việc ở nghĩa trang thường mang lại điều không tốt cho gia đình họ, ảnh hưởng đến cả năm làm ăn. Tủi thân nhất là con mình kể chuyện với bạn bè là mẹ mình làm việc ở nghĩa trang".

Gắn bó công việc “dọn” nhà cho người chết đã 3 năm nay, chị Nguyễn Hồng Dung (30 tuổi, trú tại xóm Đễnh, xã Dân Hòa, huyện Kỳ Sơn) cho biết, không phải ai cũng đủ dũng cảm để làm cái nghề này, nếu yếu bóng vía chắc không thể làm được.

Chị Dung tâm sự: "Mới làm thì sợ hãi lắm, cảm giác sợ vì không gian vắng vẻ, nhất là buổi trưa và chiều tối. Có hôm tăng ca, phải ở lại tới khuya mới về. Cảm giác lạnh sống lưng cứ đeo đẳng mình suốt một thời gian đầu học việc".

 “Thời gian gắn bó càng lâu sẽ không có cảm giác sợ, cho dù là những ngôi mộ mới được chuyển đến. Tôi đều coi những phần mộ ở đây như những ngôi nhà của người đã khuất. Chính vì vây, khi dọn vệ sinh, tưới cây bên cạnh những ngôi mộ, tôi đều chú ý từ cách đi đứng, quay lưng sao cho hợp lý. Nhất là khi lau chùi các bát hương, cũng không được phép dịch chuyển hay làm xê dịch”, chị Hồng cùng tổ với chị Dung nói.

Dù thu nhập không cao nhưng các chị tâm sự, thỉnh thoảng được người thân của những người đã khuất lên thăm mộ thấy thấy mình dọn sạch sẽ, họ cũng nói lời cảm ơn. Đó cũng là động lực khích lệ rất lớn để tôi tiếp tục công việc.

Nghề lạ đời: “Bám” người chết để sống - 4

Nghề lạ đời: “Bám” người chết để sống - 5

Công việc lúc nào cũng bận rộn từ sáng đến tối, có những hôm làm tăng ca, những người làm nghề phục vụ người "cõi âm" này 8h tối mới được về

Choáng ngợp những lăng mộ tiền tỉ như biệt thự hạng sang

Nhiều dòng họ, gia đình giàu có ở Hà Nội chi mạnh tay mua cả nghìn mét vuông đất ở tỉnh Hòa Bình để xây dựng lăng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Phú ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN