Nghe chủ nhân 'cụ mai' 3 tỷ đồng kể chuyện

Thu nhập mỗi năm hơn 3 tỷ đồng, anh Trương Hoài Phong, chủ sở hữu hơn 5.000 cây mai lớn nhỏ được xem là “ông tổ” của nghề trồng mai tại Gia Lai.

Gác bằng cử nhân để trồng mai

“Lọt thỏm” giữa dòng người tham dự Hội chợ hoa Tết Đà Nẵng trên Quảng  trường 2-9, ít ai biết chàng trai có vóc dáng nhỏ gầy Trương Hoài Phong là chủ sở hữu cây mai đắt nhất Đà Thành, lên tới 3 tỷ đồng.

Trương Hoài Phong từng thi đỗ trường ĐH Công nghệ TPHCM. Ngày nhập trường, cũng là lúc hai cha con anh vô tình gặp một người trồng mai ở Bình Định. Thấy nghề trồng mai khá thú vị, hai cha con đã có một quyết định lớn, đó là mua 45 cây mai con với giá gần 50 triệu đồng mang về vườn nhà trồng. Sau một năm dày công chăm sóc, lứa mai đầu tiên bán tại Gia Lai thu về hơn 500 triệu đồng! Cảm thấy nghề trồng mai có lợi nhuận cao, hơn nữa một mình cha cũng không thể chăm sóc nổi vựa mai, anh Phong quyết định từ bỏ giảng đường để theo đuổi nghề trồng mai.

Tuy nhiên, nghề trồng mai không chỉ một màu vàng bội thu. Chưa có nhiều kinh nghiệm về định hình thời tiết, anh đã phải “trả giá” cho hàng ngàn chậu mai bị hỏng,  không cho ra hoa đúng dịp Tết. Đỉnh điểm là năm 2004, gia đình nợ nần chồng chất do việc đầu tư “mạnh tay” vào mai. Đến thời điểm xuất xưởng, gặp thời tiết lạnh hoa không nở kịp, hơn 1.000 chậu hoa mai bị tồn ứ. Những chậu hoa được thuê chăm sóc cũng không nở đúng hạn. Áp lực ngày càng lớn, anh đã có ý định bỏ nghề.

“Cây mai tương đối dễ trồng ít bị sâu bệnh. Khó khăn nhất trong việc trồng mai là việc canh thời tiết sao cho chuẩn và công đoạn nhặt lá trong vòng 10 ngày từ ngày mồng 1 đến ngày 10 tháng Chạp. Nếu không canh chuẩn, mai không cho ra hoa đều và coi như năm đó mất trắng”, anh Trương Hoài Phong nói.

Nghe chủ nhân 'cụ mai' 3 tỷ đồng kể chuyện - 1

Anh Trương Hoài Phong bên “cụ mai” 100 tuổi. Ảnh: Trần Loan.

Cây mai 3 tỷ - tạo nên thương hiệu

Sau những năm buôn bán tại các tỉnh, thành phố anh nhận thấy thị trường Đà Nẵng có tiềm năng lớn, mở rộng buôn bán tại đây. Năm 2014, anh đưa hơn 50 chậu mai xuống bán thăm dò thị trường, ngay lần đầu tiên, anh thu về hơn 1 tỷ đồng. Đến năm 2017, anh đầu tư gần 5 tỷ đồng vào việc mở rộng vựa mai. Dịp Tết Mậu Tuất 2018 này anh đưa đến chợ hoa tết Đà Nẵng gần 2.000 cây mai để bán. Dự tính năm nay sẽ thu về lợi nhuận khoảng 3 tỷ đồng.

Năm 2016 anh Phong cho “cụ mai” hồng diệp gần 100 tuổi xuống Đà Nẵng làm xôn xao giới chơi mai Đà Thành. Giờ đây, khi hỏi cây mai đắt nhất Đà Nẵng mọi người đều nhắc ngay đến Phong Gia Lai. Ai đi chợ hoa Tết đều ghé thăm “cụ mai” già này.

Thân cây cao 3m, ngự trên chậu khắc rồng gần 70 triệu, theo anh Phong, cây mai này được anh mua 20 năm trước. Trước khi về với anh, cây mai đã qua 3 đời chủ chăm sóc. Thân cây có 5 nhánh lớn mang ý nghĩa ngũ phúc (Phước, Lộc, Thọ, An, Khang). Hoa nở từng chùm, cụm kín cả cành nhỏ. “Đây là giống mai quý, rất khó tìm. Tôi đã mang cây mai này xuống Đà Nẵng trưng bày từ Hội chợ hoa Tết năm 2016, nhưng chỉ để mọi người chiêm ngưỡng chứ không bán”,  anh Phong chia sẻ.

Đã từng có khách hàng ra giá gần 2 tỷ đồng nhưng anh Phong không bán. Anh nhắc đến cây mai như một niềm tự hào. “Để cạnh tranh với mai của nơi khác thì mỗi vựa mai phải có nét đặc sắc riêng. Cây mai 3 tỷ này là điểm đặc biệt trong vựa mai của tôi, bởi vậy tôi không nỡ bán đi. Nó đã gắn bó với tôi cả sự nghiệp trồng mai”.

Trương Hoài Phong là người khởi xướng trồng mai ở Gia Lai. Hiện cả Gia Lai có hơn 100 hộ có vựa mai. Ngoài công việc trồng mai, anh Phong còn có nghề buôn bán gỗ cây, nguyên liệu làm hương, mỗi năm thu nhập hơn 1 tỷ đồng.

Cây mai ”khủng” cao 6,5m sắp xuất hiện ở Sài Gòn

Nhiều kỳ hoa, dị thảo cùng với cây mai vàng cao 6,5m sẽ xuất hiện trong Hội hoa xuân ở Sài Gòn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo TRẦN LOAN - PHAN DIỆU (Tiền Phong)
Cây cảnh hoa cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN