Gặp các cao thủ kể chuyện làm trống Đọi Tam "có 1 không 2"
Làng nghề trống Đọi Tam đời nào cũng có những nghệ nhân xuất sắc. Nơi đây có những người thợ tuy còn rất trẻ, nhưng đã sở hữu tay nghề làm trống cực điêu luyện và được tôn làm bậc "cao thủ". Nhờ họ mà truyền thống làng nghề trống của Đọi Tam luôn phát triển mạnh mẽ.
Làng nghề trống Đọi Tam (xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) nằm dưới chân núi Đọi, một trong những ngọn núi có vị thế và cảnh đẹp ở Hà Nam được biết đến bởi đã làm ra hai quả trống Sấm lớn nhất Việt Nam và giàn trống hội phục vụ Đại lễ 1.000 năm Thăng Long Hà Nội.
Gặp các "cao thủ" chia sẻ cách làm trống "có 1 không 2" của nghề trống Đọi Tam
Đây cũng là làng nghề truyền thống lâu đời thể hiện nét văn hoá đặc trưng của người Việt với lịch sử trên 1.000 năm tuổi. Ông Phạm Chí Quang, trưởng thôn Đọi Tam cho biết, làng nghề trống Đọi Tam đời nào cũng có những nghệ nhân xuất sắc, và những người thợ có tay nghề giỏi được tôn làm bậc "cao thủ" khi tuổi đời còn trẻ. Anh Lê Ngọc Chung (thôn Đọi Tam, xã Đọi Sơn) là một trong số đó.
Chia sẻ với PV Dân Việt, anh Lê Ngọc Chung (thôn Đọi Tam, xã Đọi Sơn) cho hay, nghề làm trống ở Đọi Sơn có từ xa xưa, được truyền nối từ đời này qua đời khác cho đến ngày nay. "Ngay từ khi còn nhỏ tôi đã được cha ông nói nhiều về trống làng Đọi Tam, về truyền thống của làng nghề và về cách thức làm ra một chiếc trống mang đậm chất "Made in Đọi Tam". Lớn lên được các bậc cao nhân chỉ dạy, cộng với sự ham học hỏi nên ngày ngày tay nghề của tôi nâng dần và được coi là một trong những thợ giỏi nhất của làng nghề là một điều vinh dự", anh Chung chia sẻ.
Anh Lê Ngọc Chung - một cao thủ bậc nhất làm nghề trống ở Đọi Tam (xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam)
Ở tuổi gần tứ tuần, anh Chung không nhớ mình đã làm ra bao nhiêu chiếc trống, song anh luôn tự hào rằng mình đã làm ra được những chiếc trống mà thế hệ cha ông đi trước chưa làm được và với sức trẻ và lòng nhiệt huyết, ham học hỏi nên anh cũng đã mày mò cải tiến cách làm để có được sản phẩm chất lượng nhất, có hình thức đẹp hơn để phục vụ nhu cầu của khách hàng.
Theo anh, trống Đọi Tam là loại trống "có một không hai" ở Việt Nam, không lẫn đi đâu được dù rất nhiều người ở nơi khác học hỏi, bắt chước cách làm. "Trống của làng Đọi Tam lúc nào cũng giữ được độ bền, tiếng vang hơn các nơi khác. Nhiều nơi khác họ chỉ nhìn và học theo nên trống không được bền chỉ vài tháng là tiếng trống bị xuống không được giòn như lúc ban đầu, không còn độ âm của những nốt nhạc nữa", anh Chung nói.
Dẫn chúng tôi đi tham quan xưởng làm trống của gia đình, anh Chung tâm sự, hiện tâm huyết lớn nhất của anh là làm thế nào để phát triển và giữ vững được thương hiệu trống Đọi Tam cho nên mỗi sản phẩm qua tay anh đều chứa đựng cái tâm huyết đó.
Những công đoạn làm trống được anh Lê Ngọc Chung làm với tâm huyết rất lớn để có được chiếc trống chất lượng nhất.
"Dù là làm trống đình, trống hội hay trống trường… tôi đều cẩn trọng trong việc lựa chọn nguyên liệu sao cho các thanh gỗ đủ độ khô, độ dày phù hợp với kích cỡ từng loại trống", anh Chung nói và cho rằng, để có được một chiếc trống tốt, khâu chọn nguyên liệu là rất quan trọng: Gỗ phải là loại gỗ mít già, không bị cong, vênh, co bóp. Da trâu phải là trâu cái, già, được nạo sạch mặt, sau đó căng, phơi rồi sấy và cắt thành mặt trống để dai, không mục, mủn.
"Nhưng để có được tiếng trống như ý thì phụ thuộc vào tay nghề của người thợ, vì mỗi loại có yêu cầu về âm thanh khác nhau, như độ vang, rền và độ đanh. Thậm chí, việc đánh bóng và vẽ hoa văn trên mặt trống, tang trống của Đọi Tam cũng có bí quyết riêng", anh Chung nhấn mạnh.
Những bộ da trâu, bò được ông Phạm Trí Oanh thu mua về bào hết lớp màng, ngâm nước khử mùi chống thối rồi phơi khô.
Để có được một chiếc trống mang thương hiệu "made in Đọi Tam" mỗi công đoạn đều góp phần quan trọng để tạo ra một chiếc trống hoàn chỉnh, tuy nhiên để có một chiếc trống tốt, âm thanh hay, có độ vang, giòn như tiếng sấm thì việc lựa chọn da trâu cho bề mặt trống lại góp phần quyết định tất cả.
Tại làng nghề Đọi Tam, đa số những nghệ nhân, thợ giỏi hay những cơ sở nhỏ lẻ đều tin tưởng lựa chọn da trâu, da bò của hộ gia đình ông Phạm Trí Oanh để sản xuất. Tiếng lành đồn xa, hàng chục năm nay hộ gia đình ông Phạm Trí Oanh vẫn luôn là địa chỉ tin cậy cung cấp nguyên liệu cho bà con trong thôn.
Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Phạm Trí Oanh (SN 1963) cho biết, ông đã làm nghề thu mua da trâu, bò để làm mặt trống Đọi Tam hơn 30 năm nay. Hiện trong làng nghề trống Đọi Tam cũng chỉ có ông và 1-2 người nữa làm việc này.
Ông Phạm Trí Oanh với chiếc bào có tuổi đời gần 40 năm dùng để làm sạch da trâu.
Ông Oanh chia sẻ, để làm một chiếc trống phải qua ba bước: Làm da, làm tang và bưng trống, trong đó việc chọn da làm trống cực kì quan trọng. Da phải là da trâu cái, có độ tuổi từ 7-8 năm trở lên mới có thể làm trống được, sau khi được thu mua về đem bào hết lớp màng, ngâm nước khử mùi chống thối rồi phơi khô. Lớp da ngoài được dùng làm trống to, lớp da dưới dùng làm trống cho trẻ em.
"Tôi thường xuyên rong ruổi khắp Hà Nam và các tỉnh, thành xung quanh như Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình thu mua da trâu để sản xuất, làm da trống", ông Oanh nói và chia sẻ: Những người thợ trống Đọi Tam như ông thường đi mua da trâu vào những ngày trời nắng và khi đem về là phải phơi ngay. Dưới cái nắng gay gắt, da trâu được hong khô, có như vậy tiếng trống mới ấm, vang xa. Trong quá trình bào da, những người thợ có tay nghề phải dồn hết tâm trí vào công việc. Nếu miếng da trâu dày hoặc mỏng hơn "tiêu chuẩn", tiếng trống sẽ biến âm. Thế nên, cùng một trống cái, hai mặt trống sẽ cho những âm thanh rất khác nhau.
Theo ông Oanh và anh Chung, ngày nay việc làm trống Đọi Tam không phải làm thủ công nhiều, thay vào đó là máy móc hỗ trợ nên các công đoạn, thời gian tạo ra sản phẩm trống nhanh, đẹp, tiết kiệm được thời gian, nhân công. Tuy nhiên, để thành công với nghề làm trống ở Đọi Tam điều kiện tiên quyết là phải yêu nghề, những người trẻ muốn học và theo nghề thì phải có tâm huyết thì mới làm được trống hoàn chỉnh và chất lượng nhất.
Những nghệ nhân, thợ giỏi ở làng Kiêu Kỵ có thể dàn mỏng 1 chỉ vàng thành tấm lá vàng dài 1m, rộng 0,8cm.
Nguồn: [Link nguồn]