Ngày xuân về thăm làng trường thọ

Với mật độ nhà rường cổ dày đặc tọa lạc trong những khu vườn rợp bóng cây trái nằm bên dòng sông Ô Lâu, làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, Thừa Thiên-Huế) đẹp như bức cổ họa.

Vương quốc nhà rường cổ

Ông Lê Trọng Phú - chủ nhân của ngôi nhà rường cổ gần 300 năm tuổi - là người rất thông thái. Tiếp chuyện tôi, ông Phú kể vanh vách lịch sử hình thành cũng như các giá trị văn hóa cổ kính và đồ sộ của làng. Làng Phước Tích được thành lập vào năm 1470, dưới triều Vua Lê Thánh Tông, khi Nhà nước phong kiến Đại Việt mở mang bờ cõi về phương Nam. “Xứ Huế có nhiều ngôi làng nổi tiếng về nhà rường, nhưng chẳng nơi nào nhà rường lại dày đặc và đẹp như ở Phước Tích” - ông Phú tự hào về làng mình.

Hiện Phước Tích còn 37 ngôi nhà rường cổ từ 100-300 năm tuổi, tọa lạc giữa những khu vườn rộng hàng nghìn mét vuông rợp bóng cây trái. 24 ngôi nhà rường trong số này là nhà ở của người dân, 13 ngôi nhà còn lại là nhà thờ họ tộc.

Đầu làng là nơi tọa lạc của cây thị có đến 1.000 năm tuổi, chu vi thân cây đến 3-4 sải tay người lớn. Làng có đầy đủ miếu thờ Khổng Tử, miếu thờ các vị thần linh, ông tổ khai canh và ông tổ nghề gốm.

Ông Lê Trọng Đào - chủ nhân một ngôi nhà rường khác cho biết, người dân Phước Tích coi các giá trị văn hóa của làng như máu thịt của mình nên luôn dốc sức giữ gìn. Nhiều hộ dân mặc dù cuộc sống khó khăn nhưng đã tích cóp tiền để trùng tu nhà rường nhằm giữ gìn di sản cho hậu thế.

Ngày xuân về thăm làng trường thọ - 1

Đã 86 tuổi nhưng cụ bà Lê Thị Thú vẫn còn khỏe mạnh và minh mẫn

Xứ sở bách niên giai lão

Trưởng thôn Hoàng Tấn Minh bảo, ông đã đi nhiều nơi nhưng chưa thấy ngôi làng nào người dân sống thọ mà khỏe mạnh như ở làng ông. Toàn làng Phước Tích chỉ có 320 khẩu nhưng có đến hơn 200 cụ già, hầu hết đều ở độ tuổi từ 70-104 tuổi. Trong đó, số người từ 80 tuổi trở lên chiếm đến gần 40 người.

“Trong số hơn 200 cụ già của làng, có 150 người tham gia sinh hoạt tại Chi hội Người cao tuổi. Hơn 50 người còn lại chưa tham gia sinh hoạt là do “xấu hổ” vì thấy mình còn… trẻ quá” - ông Minh kể.

Đã 86 tuổi nhưng cụ bà Lê Thị Thú vẫn còn khỏe mạnh như đang ở độ tuổi trung niên. Cụ đọc sách báo vanh vách mà không cần đeo kính lão, việc cuốc vườn trồng rau, trồng khoai, cụ làm đều đặn mỗi ngày mà không biết mệt. Tôi xin chụp ảnh cụ, cụ cười ngại ngùng: “Ở làng ni tuổi như tui là còn thuộc lớp trẻ, nên đương nhiên phải khỏe rồi, nhiều cụ trên 100 tuổi rồi mà hoạt bát, minh mẫn không kém chi tui”.

“Mỗi người dân Phước Tích từ nhỏ đều được răn dạy về đạo làm người. Sống coi trọng đạo đức nên đầu óc luôn trong sạch, tinh thần lúc nào cũng thanh thản, vì rứa nên mới sống được lâu” - cụ ông Nguyễn Bá Tự chia sẻ.

Như để chứng minh lời nói của mình, cụ Thú lần lượt dẫn tôi đến thăm nhiều đại lão trong làng, như các cụ bà Lương Ái Thị Qua (104 tuổi), Nguyễn Duy Thị Hiệp (102 tuổi), Lương Thanh Thị Hén (97 tuổi), cụ ông Nguyễn Bá Tự (94 tuổi)… Mặc dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, tóc bạc trắng như những tiên ông, tiên bà, nhưng cụ già nào cũng còn khỏe mạnh và thông thái, chuyện làng trên xóm dưới đều am tường như lòng bàn tay.

Theo ông Hoàng Tấn Minh, nguyên nhân khiến người dân Phước Tích trường thọ là do được sống trong môi trường sạch, ăn uống sạch và sống lương thiện. Môi trường sống của người dân nơi đây hết sức trong lành nhờ những vườn cây trái quanh năm tỏa bóng mát. Ngoài gạo phải mua vì làng không có ruộng, còn thực phẩm thì hầu hết hộ dân đều tự túc bằng việc chăn nuôi, trồng trọt trong vườn nhà.

“Môi trường sống trong lành và ăn uống sạch như rứa nên chẳng sợ chi bệnh tật sờ tới. Các cụ già ở đây khi qua đời đều do tuổi quá cao, chứ chẳng có ai mắc bệnh tật chi” - ông Minh kể.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo An Sơn (Dân Việt)
Tết Nguyên đán 2016 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN