Ngày về đẫm nước mắt sau vụ sạt lở núi Cấm kinh hoàng
Người dân dưới chân núi Cấm (Phù Cát, Bình Định) trở về nhà sau sạt lở với bao lo toan, tường rào hư hỏng, đồ đạc, nông sản bị bùn đất bủa vây.
Hai ngày sau đợt sạt lở chưa từng có xảy ra trên núi Cấm tại xã Cát Thành (huyện Phù Cát, Bình Định), người dân thôn Chánh Thắng lật đật quay trở về nhà để kiểm tra đồ đạc sau khi di dời đến nơi an toàn nhằm đảm bảo tính mạng. Khắp nơi, mọi thứ ngổn ngang.
Con đường dẫn vào thôn nhầy nhụa, trơn trượt. Nếu không có người dẫn, rất khó để biết đâu là đường đi bởi khắp nơi đều là lớp bùn đất dày đến hơn đầu gối. Quanh thôn, người dân tất bật bơm hút nước, cào bùn đất ra khỏi nhà, vườn tược, kiểm tra đồ đạc, di dời nông sản.
Người dân dọn dẹp bùn đất ngổn ngang sau khi đất đá sạt lở trên núi Cấm đổ về
Suốt 2 ngày qua ở trên khu tập trung, ông Đinh Diệu (63 tuổi) không thể nào chợp mắt vì lo lắng cho tài sản ở nhà. Ngày nghe chính quyền yêu cầu người dân đến nơi an toàn vì núi Cấm bị sạt lở, ông tức tốc rời đi mà không mang theo gì. Mọi vật dụng, đồ đạc đều để lại vì tính mạng quan trọng hơn. Giờ trở về, nhìn ngôi nhà thân yêu ngổn ngang bùn đất, ông lắc đầu ngao ngán.
"Từ trước ra sau nhà phủ đầy đất đá. Lúa thóc, gà vịt đều bị chôn vùi. Cả gia đình phải nhờ bà con hàng xóm tới phụ giúp dọn dẹp, cào đất, hốt bùn đổ. Nhưng với sức người thế này, không biết dọn đến khi nào mới xong", ông Diệu nói.
Liên tiếp từ ngày 14-16/11, tại khu vực núi Cấm đã xảy ra 3 điểm sạt lở. Trong đó, điểm sạt lở vào tối 14/11 với một lượng đất đá lớn, tạo nên một vệt dài và rộng từ đỉnh xuống chân núi kéo dài 300m. Khối lượng đất đá sạt lở khoảng 6.000m3. Hàng trăm hộ dân được di dời khẩn cấp để đảm bảo an toàn. |
Chị Mai Thị Thắm đôi mắt đỏ hoe, lâu lâu lại lén lau nước mắt. Nhà chị cách chân núi 70m, cũng là một trong những gia đình bị thiệt hại nặng nề nhất trong đợt sạt lở núi Cấm vừa rồi. Bùn đất theo dòng nước đục ngầu từ phía núi vẫn liên tục đổ về, phủ lấp khoảng sân rộng chừng gần 100m2. Trong nhà, mọi thứ đều một màu đen của bùn, lớp bùn dày đến nửa mét. Nhà cửa, tường rào đổ ngã, gà vịt, vật nuôi bị vùi lấp hết. Chị Thắm lại một thân một mình, chị cũng như nhiều phận người bé nhỏ khác ở thôn Chánh Thắng này lâm cảnh "màn trời chiếu đất" sau đợt mưa lũ vừa qua.
"Đồ đạc bị bùn đất bao phủ, nhiều đồ đạc hư hỏng, tôi lại mình mình thế này, biết bao giờ mới dọn dẹp xong", chị Thắm nói.
Cách đó không xa, chị Đặng Thị Hiền xắn quần cao hơn đầu gối, tay thoăn thoắt chiếc cuốc cạo những lớp bùn đất dày cả mét đóng quanh sân nhà. Bóng dáng chị bé nhỏ đứng giữa những ngổn ngang sạt lở.
Chị Hiền lau nước mắt đứng giữa những ngổn ngang bùn đất bao quanh ngôi nhà mình
"Khi nghe mọi người kêu sạt lở, tôi cũng tức tốc bỏ chạy đến nơi an toàn. Chúng tôi lo lắng quá vì chưa bao giờ thấy cảnh này. Nay trở về thấy cửa nhà, vườn tược bị bùn đất bao phủ. Mọi người trong thôn ai cũng lo dọn dẹp nhà cửa của mình. Tôi cũng tranh thủ nhưng như thế này không biết bao giờ mới xong, bao giờ mới ổn định cuộc sống trở lại như bình thường", chị Hiền chia sẻ.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát cho biết, hiện tại huyện đã huy động các lực lượng chức năng có mặt tại hiện trường giúp người dân dọn dẹp và cảnh báo người dân tránh xa khu vực nguy hiểm. Sau khi hết mưa, các phương tiện cơ giới sẽ vào hiện trường để khắc phục sạt lở và huyện sẽ sớm tìm cách xử lý các tảng đá còn lại trên đỉnh núi để đảm bảo an toàn cho người dân.
Ông nguyễn Đức Chiêu, Chủ tịch UBND xã Cát Thành cũng cho biết, đang tiến hành thống kê thiệt hại để hỗ trợ người dân.
Một số hình ảnh tại thôn Chánh Thắng sau sạt lở kinh hoàng:
Bùn đất bủa vây khắp nơi trong thôn Chánh Thắng
Lớp bùn dày vẫn phủ đầy sân nhà
Nhà cửa, đồ đạc ngập trong bùn đất
Người dân khẩn trương đưa nông sản đi phơi để tránh ẩm mốc
Nhiều gia đình phải dùng máy bơm để bơm nước ra khỏi nhà
Bùn đất vùi lấp nhiều tài sản của người dân
Chị Thắm lau nước mắt khi nhìn cảnh đồ đạc, vật nuôi bị vùi lấp trong đợt sạt lở
Người dân ở đây không biết đến bao giờ mới dọn dẹp xong bùn đất
Khắp nơi trong thôn đều là cánh ngổn ngang
Những người lớn tuổi tại Chánh Thắng cho biết, chưa từng chứng kiến cảnh sạt lở kinh hoàng như thế xảy ra tại núi Cấm
Vết sạt lở kéo dài từ đỉnh núi cao 300m
Nguồn: [Link nguồn]
Núi Bà Đen cao 986m là ngọn núi cao nhất Đông Nam bộ. Chiều 14/11, sau cơn mưa lớn, một số khu vực tại ngọn núi này xuất...