Ngày về đẫm nước mắt của người phụ nữ mất tích 17 năm

Những ngày Tết Giáp Ngọ, niềm vui đoàn tụ tràn ngập trong gia đình bà Bùi Thị Hồng Nhân, 62 tuổi, trú tại xã Kỳ Đồng, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Gần 17 năm trước, bà Nhân đột ngột mất tích một cách bí ẩn, tưởng bà đã chết, con cháu đã lập bàn thờ... Nhiều năm sau ngày bị bán sang xứ người, sự trở về của người vợ bất hạnh này đã không trọn vẹn…

Gặp kẻ buôn người

Mười bảy năm trước, khi bà Bùi Thị Hồng Nhân đang ngồi ru đứa cháu gái mới 2 tháng tuổi trước hiên nhà thì một người bạn tên Hạnh đến rủ đi làm ăn ở Bắc Giang. Vốn có tay nghề nấu rượu bậc nhất trong xã nên người phụ nữ này rủ bà Nhân lên Bắc Giang truyền nghề nấu rượu cho người dân ở đây với thù lao 500.000 đồng/tháng.

Thời điểm năm 1997, số tiền này khá lớn so với thu nhập bình quân hàng tháng của người dân nông thôn. Vì vậy, bà Nhân giấu các con lén theo đối tượng Hạnh quyết một chuyến đi làm ăn xa. Nhưng bà đâu ngờ rằng đó là chuyến đi đầy bất trắc, đày ải mình nơi đất khách quê người gần 17 năm.

Bà Nhân nhớ như in ngày 28/3/1997, bà được Hạnh đón xe đi Bắc Giang. Đó cũng là lần đầu tiên bà Nhân đi xa đến vậy. Xe chạy nhiều tiếng đồng hồ thì tới Bắc Giang. Sau khi ngủ lại một đêm, bà được Hạnh đưa lên xe đi tiếp. Thấy hành trình có vẻ bất thường, bà Nhân thắc mắc nhưng Hạnh chỉ im lặng. Xe chạy qua cửa khẩu Việt – Trung, bà Nhân hỏi: “Sao đi mãi thế?”.

Lúc này, Hạnh mới lộ nguyên hình là kẻ buôn người. Ả ta cho biết, đưa bà sang Trung Quốc là để cho đàn ông bản địa mua về làm vợ. “Nghe thế, tay chân tôi rụng rời, giữa đất khách quê người không biết bấu víu vào đâu nên tôi đành phải nhắm mắt đi theo số phận”, bà Nhân nghẹn ngào kể lại.

Đi sâu vào nội địa Trung Quốc, người phụ nữ quê mùa này được Hạnh đưa đến một ngôi nhà hẻo lánh và giam lỏng trong nhà khoảng hai tháng. Nhớ nhà, nhớ quê, nhớ con cháu và lo lắng cho số phận khiến bà Nhân khóc cạn nước mắt, van xin kẻ buôn người tha cho mình. Nhưng nước mắt của bà chẳng làm kẻ buôn người động lòng…

Ngày về đẫm nước mắt của người phụ nữ mất tích 17 năm - 1

Bà Nhân (trái) cùng vợ chồng con gái ngày đoàn tụ.  Ảnh: T.G

Ngày về đẫm nước mắt

Sau hai tháng giam lỏng trong căn nhà lạnh lẽo, Hạnh đưa bà Nhân đến nhà một người đàn ông sống cô độc trên núi. “Khi đến nơi, Hạnh gọi người đàn ông ra ngoài, cả hai người nói chuyện bằng tiếng Trung nên tôi không biết họ trao đổi gì.

Sau khi trao đổi với người đàn ông lạ, Hạnh bỏ đi, để mình tôi ở đó. Tôi buộc phải làm vợ người đàn ông xa lạ này và bắt đầu những chuỗi ngày làm lụng vất vả. Tôi chỉ biết khóc, thương con, nhớ cháu nơi quê nhà, buồn tủi cho số phận”, bà Nhân nhớ lại.

Sống trong khổ cực, đọa đày, nhiều lần bà Nhân tìm cách trốn về nước nhưng không có cơ hội do bị người đàn ông này canh giữ cẩn thận. Một lần, phát hiện thấy ý định bỏ trốn của bà, người đàn ông đã đánh đập bà một cách tàn độc. Sau trận đòn ấy, bà tuyệt vọng, không dám nghĩ gì đến bỏ trốn nữa. Nhưng hàng đêm, nằm bên người đàn ông lạ, bà lại đau đáu trong lòng tìm đường về quê.

“Vận may” tưởng như đã tìm đến bà khi bất ngờ có một người phụ nữ gốc Việt dẫn theo đứa con gái 2 tuổi tìm đến và rủ bà bỏ trốn. Lợi dụng lúc người đàn ông Trung Quốc đi làm, hai người đã trốn thoát khỏi nơi rừng núi âm u, nơi bà đã bị giam lỏng 2 năm trời.

Nhưng bà đâu có ngờ, khi trốn thoát bà lại được “người phụ nữ ân nhân” kia dẫn đến nhà một người đàn ông khác. Chị ta bỏ lại đứa con gái, bán bà cùng con của chị ta cho người đàn ông ấy rồi bỏ trốn. Cuộc đời bà Nhân lại tiếp tục chìm đắm trong khổ đau, tuyệt vọng.

Ở quê nhà, các con, cháu bà Nhân sau nhiều năm tìm kiếm tung tích của mẹ nhưng không thấy, họ nghĩ bà đã chết nên mang di ảnh bà lên ban thờ và hương khói. Chị Nguyễn Thị Giang (36 tuổi, con gái của bà Nhân) vẫn chưa thể quên được khoảng thời gian đầy đau khổ đó của gia đình mình. Chị kể: “Sau khi mẹ tôi đi, cha tôi buồn chán nghĩ ngợi lung tung, suốt ngày rượu chè và ông đã ra đi trong nỗi nhớ vợ cách đây 8 năm”.

Một ngày cuối tháng 11/2013, bà Nhân đột ngột quay về trong niềm vui tột cùng của con cháu. “Tất cả như là một giấc mơ, một phép nhiệm màu, mẹ tôi đã về sau gần 17 năm lưu lạc. Cảm ơn trời phật”, con gái bà Nhân nghẹn ngào.

Theo bà Nhân, khi ở với người đàn ông thứ 2, bà đã yêu quý đứa con gái mà kẻ đã bán mình để lại như con đẻ. Cô bé đã 17 tuổi và học lớp 11. “Một hôm nó nói với tôi, bây giờ con đã lớn, cha mẹ cũng đã già, con không đi học nữa, con sẽ đi làm kiếm tiền. Dù chẳng phải đứa con do mình dứt ruột đẻ ra nhưng tôi thương nó như con đẻ”, bà Nhân nói.

Khi con đã lớn, bà nhân có quen một người phụ nữ cùng quê Hà Tĩnh và biết người này chuẩn bị về quê. Lúc này, bà mạnh dạn trình bày với chồng và không ngờ ông ấy đồng ý, còn cho tiền xe để về quê. Những đêm trên chuyến xe trở về quê nhà là những đêm bà không ngủ được. Đến nằm mơ bà cũng không nghĩ là có ngày mình còn được quay về với các con, các cháu, quay về với vùng quê thân thương của mình. Khi đặt chân đến ngõ vào nhà mình, ngực bà như vỡ tung, cảnh vật trước mắt bà đã thay đổi quá nhiều...

Tết 2014 vừa qua là cái Tết ý nghĩa, hạnh phúc nhất của gia đình bà Bùi Thị Hồng Nhân sau gần 17 năm lưu lạc. Đó là cái Tết của sum họp, của ngày đoàn tụ, chấm dứt những chuỗi ngày biệt xứ nơi đất khách quê người.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo H. Châu - H. Sơn (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN