"Ngày tận thế" với cột khói cao 30km
Trong quá khứ từng có nhiều đợt thảm họa được cho là ứng với những lời tiên đoán về ngày thế giới diệt vong.
Chỉ chưa đầy 3 tuần nữa là đến ngày kết thúc bộ lịch của người Maya cổ - 21/12/2012. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu nhiều người không tin rằng đây là ngày thế giới diệt vong, mọi sự sống trên hành tinh đều sẽ chấm dứt.
Người ta tin tưởng vào cách tính toán ngày tận thế của người Maya bởi đây là một dân tộc dù sống cách đây hơn 5000 năm nhưng đã có sự phát triển đến mức kinh ngạc.
Trong khi chờ đợi “ngày tận thế” 21/12, ngày mà nhiều nhà khoa học ngày nay trấn an rằng sẽ không thật sự xảy ra, chúng ta cùng tìm hiểu một số dự đoán nổi tiếng nhất từng tồn tại trong suốt chiều dài lịch sử loài người.
“Ngày tận thế” năm 79: Đại thảm họa núi lửa
Lần đầu tiên một lời tiên đoán về ngày tận thế thất bại là vào năm 79 sau Công Nguyên (SCN), khi núi lửa Venuvius bất ngờ phun trào và người dân La Mã tin rằng đó là dấu hiệu ngày tận thế ứng với lời tiên tri của nhà triết học La Mã cổ đại Seneca. Tuy nhiên, sự kết thúc của cuộc sống hiển nhiên đã không xảy ra vào ngày này.
Triết gia La Mã cổ đại Lucius Annaeus Seneca. (Ảnh: abc.net)
Trước đó, triết gia Seneca (mất năm 65 SCN) dự đoán Trái đất sẽ kết thúc trong những làn khói, tất cả đều bị thiêu rụi và mở ra một thế giới công bằng, hạnh phúc: “Những gì chúng ta nhìn thấy và ngưỡng mộ ngày hôm nay sẽ bị ngọn lửa đốt cháy và cũng chính nó sẽ dẫn loài người đến với một thế giới mới hạnh phúc hơn” (trích dẫn từ cuốn sách Apocalypse - 1999).
Được đánh giá là một trong những vụ phun trào thảm họa và nổi tiếng nhất lịch sử châu Âu, tuy nhiên, theo các nhà khoa học hiện đại, đây là một hiện tượng tự nhiên hết sức bình thường và đã được cảnh báo từ trước, không hề mang yếu tố tâm linh hay thần thánh như niềm tin của người La Mã cổ đại.
Trước khi phun trào vào năm 79 SCN, những trận động đất thường xuyên xảy ra trong một thời gian dài nhưng sự hạn chế về nhận thức đã khiến người dân bỏ qua các dấu hiệu này và gán cho nó lời giải thích về ngày tận thế.
Theo một nghiên cứu địa tầng năm 1982 của 3 nhà khoa học Cashdollar, Sigurdsson và Sparks, quá trình phun trào của núi lửa Vesuvius diễn ra trong hai giai đoạn: phun trào kiểu Plinian (xu hướng phun nổ) kéo dài 18-20 giờ và tạo ra một trận mưa đá bọt vùi thành phố gần đó là Pompeii và Herculaneum dưới một lớp đá bọt dày 2,8m. Giai đoạn tiếp theo gọi là Peléan với hai dòng nham thạch nhấn chìm toàn bộ. Đợt phun trào cứ thế xuất hiện luân phiên giữa Plinian và Peléan 6 lần.
Người dân thành phố cổ Pompeii hoang mang chạy trốn. (Tranh: National Geographic Stock)
Trong bài viết khác được xuất bản vào năm 2002, 2 nhà địa chất học Sigurdsson và Casey đã tái hiện lại đợt phun trào dựa trên bằng chứng địa tầng từ các cuộc khai quật và khảo sát. Theo đó, sự bùng nổ ban đầu tạo ra một cột tro và đá bọt cao khoảng từ 15 km đến 30 km. Nguyên nhân cơ bản là do mạch nước ngầm gây ra khi chạm với mắc-ma, có nghĩa là nguồn năng lượng chính hỗ trợ cột tro và đá bọt đó đến từ sự rò rỉ hơi nước được làm nóng già do mắc-ma, có nguồn gốc từ nước ngầm theo thời gian thấm sâu vào những phần đứt đoạn trong khu vực.
Với nhiệt lượng gấp 100.000 lần so với vụ đánh bom Hiroshima của Nhật Bản, các thành phố gần đó đều đã bị phá hủy hoàn toàn dưới các dòng nham thạch khổng lồ, ước tính khoảng 16.000 người chết từ vụ phun trào lịch sử này.
Tiến hành các cuộc khai quật tại khu vực Pompeii và phân tích các mẫu trầm tích ở đó, các nhà khoa học nhận thấy thành phố này đã từng bị ảnh hưởng bởi nhiều cơn địa chấn trước đó. Theo ghi chép của nhà sử học đương thời Pliny the Younger, người dân sống tại Pompeii (cũng như người dân sống tại vùng này ngày nay), từ lâu đã quen với những chấn động nhỏ, họ “không quá lo lắng bởi chúng thường xảy ra tại Campania”.
Các đợt núi lửa như vậy là hiện tượng bình thường trong lịch sử hình thành trái đất và nếu lời tiên tri của Seneca là sự thật thì có lẽ ngày tận thế ấy đã xảy ra ngay từ buổi bình minh của thế giới chứ không cần phải đợi đến năm 79 SCN, các nhà khoa học nhấn mạnh.
Mời bạn đọc đón xem bài “Ngày tận thế” năm 1666: Cơn thịnh nộ của lửa vào 10h ngày 5/12/2012.