Ngày mai, xét xử nguyên Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu test xét nghiệm COVID-19
Trong vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, ông Hồ Anh Sơn (nguyên Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu kit test COVID-19) bị cáo buộc nhận 2,5 tỷ đồng từ bị cáo Phan Quốc Việt, hưởng lợi hơn 2,1 tỷ đồng từ việc bán tăm bông, ống môi trường...
Ngày mai (27/12), Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội sẽ mở phiên xét xử sơ thẩm bị cáo Hồ Anh Sơn (thượng tá, cựu Phó giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự, Học viện Quân y - nguyên Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu kit test COVID-19) về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Liên quan đến vụ án, các bị cáo: Nguyễn Văn Hiệu (đại tá, cựu Trưởng phòng Trang bị Vật tư); Ngô Anh Tuấn (thiếu tá, Trưởng phòng Tài chính); Lê Trường Minh (thiếu tá, cựu Trưởng ban Hóa dược, thuộc Học viện Quân y) cùng hầu tòa tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
Quyết định đưa ra xét xử của Tòa án Quân sự Thủ đô còn có bị cáo Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó vụ trưởng Vụ Các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ Khoa học Công nghệ); về phía Công ty Việt Á có Phan Quốc Việt (Tổng giám đốc) và Vũ Đình Hiệp (Phó Tổng giám đốc Công ty CP Công nghệ Việt Á).
HĐXX gồm 5 quân nhân, do trung tá Vũ Đức Việt làm chủ tọa; giữ quyền công tố và kiểm sát xét xử có 2 sĩ quan thuộc Viện Kiểm sát Quân sự Thủ đô Hà Nội; 14 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo.
Tòa án cũng triệu tập bị hại là Học viện Quân y; bị đơn dân sự là Công ty Việt Á cùng nhiều người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan như Cục Tài chính Bộ Quốc phòng; Trung tướng Nguyễn Viết Lượng, nguyên Chính ủy Học viện Quân y; Thiếu tướng Hoàng Văn Lương, nguyên Phó giám đốc Học viện Quân y…
Phan Quốc Việt và Hồ Anh Sơn.
Hồ sơ vụ án xác định, trong bối cảnh dịch Covid-19 có nguy cơ lây lan ở Việt Nam, Ban Giám đốc Học viện Quân Y (HVQY) có công văn gửi Bộ KH&CN về việc "đề xuất nhiệm vụ phát triển kit chẩn đoán viêm phổi do vi rút corona".
Cáo trạng cho rằng, do vụ lợi cá nhân, từ tháng 1/2020, Trịnh Thanh Hùng đã thông đồng với Phan Quốc Việt và Hồ Anh Sơn, đưa Công ty Việt Á vào tham gia Đề tài với vai trò là cơ quan phối hợp, sản xuất 20.000 test kit thử nghiệm, sau đó để Việt Á được cấp phép, sản xuất thương mại trái pháp luật.
Cụ thể, ngày 6/2/2020, HVQY ký Hợp đồng thực hiện Đề tài với Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước; Vụ KH&CN các ngành Kinh tế - Kỹ thuật (Bộ KH&CN), với tổng kinh phí đề tài 18,98 tỷ đồng.
Quá trình nghiên cứu Đề tài, Hùng, Sơn, Việt, xác định kit Việt Á cung cấp tốt hơn nên thống nhất không đặt ra vấn đề HVQY chuyển giao quy trình nghiên cứu của mình để Việt Á sản xuất 20.000 test kit thử nghiệm.
Viện kiểm sát xác định, Phan Quốc Việt cũng không yêu cầu HVQY chuyển giao quy trình nghiên cứu. 3 người trên đã đưa bộ kit do Việt Å cung cấp (không được sản xuất theo quy trình nghiên cứu của HVQY) đi thử nghiệm tại Viện VSDTTƯ và sử dụng sản phẩm này để nghiệm thu giai đoạn 1 của Đề tài và nghiệm thu Đề tài.
Theo Viện kiểm sát, hành vi gian dối của các bị can trong việc tiếp nhận, nghiên cứu, nghiệm thu, quyết toán số tiền Bộ KH&CN giao HVQY nghiên cứu Đề tài, đã gây thiệt hại gần 18,5 tỷ đồng.
Đáng chú ý, quá trình điều tra Viện Kiểm sát quân sự Trung ương xác định Trịnh Thanh Hùng được Phan Quốc Việt chi 350.000 USD.
Ngoài ra, Phan Quốc Việt chi hơn 7,1 tỷ đồng cho nhóm cựu sĩ quan Học viện Quân Y. Trong đó, riêng thượng tá Hồ Anh Sơn nhận gần 2,5 tỷ đồng, ông ta còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vụ lợi cá nhân hơn 2,1 tỷ đồng từ việc mua bán tăm bông, ống môi trường.
Cơ quan truy tố đánh giá, Trịnh Thanh Hùng là người khởi xướng, giữ vai trò chính trong vụ án, phải chịu trách nhiệm với tổng thiệt hại Đề tài gần 18,5 tỷ đồng; Phan Quốc Việt vì vụ lợi đã thực hành tích cực, chịu trách nhiệm sau Trịnh Thanh Hùng; Hồ Anh Sơn lợi dụng chức vụ, quyền hạn đã gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của Học viện Quân Y, Quân đội…
Nguồn: [Link nguồn]
Bà Hồ Thị Thanh Thủy, vợ ông Phan Quốc Việt-Chủ tịch Công ty Việt Á đã nghiên cứu các tài liệu của WHO và các nước khác để xây dựng quy trình sản xuất kit test COVID-19.