Ngày mai xét xử em trai Dương Chí Dũng

Ngày mai, 7/1, TAND TP. Hà Nội sẽ xét xử bảy bị cáo trong vụ án tổ chức người khác trốn đi nước ngoài mà bị cáo đầu vụ là Dương Tự Trọng, em trai Dương Chí Dũng, người đã bị tuyên án tử hình trong vụ án tham nhũng xảy ra tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Trọng bị truy tố theo khoản 3 điều 275 BLHS về tội tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, với mức án cao nhất là 20 năm tù.

 “Gió”, “Cạn” đưa “Đồng” trốn sang Campuchia

Theo cáo trạng, chiều 17/5/2012, Dương Chí Dũng biết được thông tin sẽ bị khởi tố bị can và bắt tạm giam về tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, đã thông báo em với em trai là Dương Tự Trọng (khi đó đang là Phó giám đốc Công an TP. Hải Phòng). Trọng đã hướng dẫn Dũng tạm thời đến trốn tại nhà bạn gái Trọng tại quận Cầu Giấy (Hà Nội).

Kế đó, Trọng đã bàn bạc, thống nhất giao cho Vũ Tiến Sơn (nguyên Phó trưởng phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an TP. Hải Phòng) tổ chức, chỉ đạo, phân công các đối tượng khác sử dụng xe ô tô chở Dương Chí Dũng từ Hà Nội về Quảng Ninh, từ Quảng Ninh vào TP. HCM, rồi đến khu vực cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và tổ chức cho Dũng trốn sang Campuchia.

Ngày mai xét xử em trai Dương Chí Dũng - 1

  Dương Chí Dũng và em trai

Vũ Tiến Sơn đã đưa cho Đồng Xuân Phong, Trần Văn Dũng mỗi người một điện thoại di động mới, không sử dụng những sim hiện có mà dùng sim rác đã lưu sẵn số để liên lạc và thống nhất gọi Dương Chí Dũng là “Đồng”, Đồng Xuân Phong là “Gió” và Trần Văn Dũng là “Cạn”.

Sáu ngày sau khi nhận được cú điện thoại “mật báo”, Dũng đã đặt chân lên đất Campuchia. Hôm sau, Dũng từ Campuchia sang Singapore để từ đây làm thủ tục xuất cảnh đi Mỹ.

Do không được phép nhập cảnh vào Mỹ, ngày 27/5, sau khi quay về Campuchia, Dương Chí Dũng đã thông báo cho Dương Tự Trọng biết. Trọng lại sai đàn em sắp xếp cho Dũng trốn tại Campuchia. Trọng sau đó đã đưa cho Vũ Tiến Sơn 30 ngàn USD chuyển cho Dũng, để Dũng có tiền chi phí trong thời gian trốn tại đây…

Đến ngày 4/9/2012, tức gần bốn tháng sau ngày chạy trốn, Dương Chí Dũng bị cơ quan chức năng Campuchia và Việt Nam bắt giữ và đưa về Việt Nam.

Không thành khẩn

Theo cáo buộc của VKS, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phạm tội có tổ chức. Dương Tự Trọng là người chủ mưu, cầm đầu. Vũ Tiến Sơn là người tổ chức thực hiện theo chỉ đạo của Trọng, với nhiều thủ đoạn tinh vi như sử dụng sim rác, thường xuyên thay đổi số điện thoại để liên lạc, thay đổi địa điểm trốn, phương tiện đưa đón, cung cấp tiền, giao cho các đối tượng thực hiện từng phần việc khác nhau nhằm che giấu hành vi phạm tội…

Hành vi của Trọng, Sơn và những bị cáo khác, theo nhận định của cơ quan công tố, “đã cản trở, gây khó khăn rất lớn đến quá trình điều tra vụ án cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản xảy ra tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam do cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) khởi tố điều tra mà Dương Chí Dũng là bị can chính trong vụ án”; đồng thời, “tạo ra dư luận xã hội không tốt, gây mất lòng tin của nhân dân và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các cơ quan bảo vệ pháp luật”.

Để giúp anh trai chạy trốn, Dương Tự Trọng đã trực tiếp đẩy nhiều thuộc cấp, bạn bè vào vòng lao lý. Một số người khác cũng là thuộc cấp hoặc người quen của Trọng, cho mượn và mượn hộ xe ô tô, được xác định do không biết được mục đích sử dụng xe ô tô của các bị cáo trong vụ án là để chở Dương Chí Dũng đi trốn nên không bị xem xét xử lý hình sự.

Riêng Nguyễn Hồng Vinh, em vợ Dương Tự Trọng (người được Trọng và Vũ Tiến Sơn trao đổi về sự việc và nhờ lái xe chở Dũng từ Trung tâm TP. HCM lên địa phần Củ Chi đổi xe và chuyển tiền cho Đồng Xuân Phong để Phong đưa tiền cho Dương Chí Dũng- NV), hành vi đã phạm vào tội “Tổ chức người khác trốn ra nước ngoài” với vai trò là người giúp sức. Tuy nhiên, xét thái độ khai báo thành khẩn của Vinh, căn cứ tính chất, mức độ phạm tội, động cơ phạm tội là vì tình cảm gia đình nên được cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) ra quyết định đình chỉ điều tra, miễn trách nhiệm hình sự.

Bản Cáo trạng của Viện kiểm sát cũng thể hiện, trong khi các bị can khác đều “khai báo thành khẩn, thừa nhận hành vi phạm tội” thì Dương Tự Trọng “chưa thành khẩn khai báo, không thừa nhận hành vi phạm tội”.

Bảy bị cáo trong vụ án:

 1. Dương Tự Trọng (SN 1961), nguyên Phó giám đốc Công an TP. Hải Phòng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an).

2. Vũ Tiến Sơn (SN 1966), nguyên Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Công an TP. Hải Phòng)

3. Hoàng Văn Thắng (SN 1970), nguyên Cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra các tội phạm về môi trường (Công an TP. Hải Phòng).

4. Đồng Xuân Phong (SN 1974), nguyên cán bộ hải quan TP. Hải Phòng, đang bỏ trốn, bị truy nã.

5. Trần Văn Dũng (tên thường gọi là Dũng Bắc Kạn, SN 1968), từng bị TAND tỉnh Bắc Thái kết án về tội buôn lậu và tàng trữ trái phép chất ma túy.

6.  Nguyễn Trọng Ánh (SN 1985), nguyên cán bộ Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Công an TP. Hải Phòng)

7.  Phạm Minh Tuấn (SN 1961), nguyên Giám đốc Xí nghiệp Bạch Đằng (Hải Phòng) (bạn thân của Dương Tự Trọng).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Minh (Pháp luật TPHCM)
Vụ án Dương Chí Dũng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN