"Chưa phê chuẩn hoặc miễn nhiệm Bộ trưởng Công an tại kỳ họp 7"
Quốc hội sẽ thực hiện quy trình bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội từ ngày khai mạc kỳ họp thứ 7 hôm 20/5, chưa xem xét nhân sự Bộ trưởng Công an.
Sáng 19/5, trả lời báo chí tại họp báo trước kỳ họp, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch Quốc hội trước, sau đó bầu Chủ tịch nước. Trước đó, Trung ương "thống nhất rất cao" giới thiệu đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an để Quốc hội khóa 15 bầu giữ chức Chủ tịch nước và ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội.
"Tại Hội nghị lần thứ 9, Trung ương chưa giới thiệu nhân sự Bộ trưởng Công an, nên Quốc hội chưa phê chuẩn hay miễn nhiệm chức danh này tại kỳ họp thứ 7", ông Cường nói, cho biết nội dung nhân sự Bộ trưởng Công an vẫn chờ cơ quan có thẩm quyền, Bộ Chính trị xem xét, quyết định.
Phó trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cũng cho biết trước mắt Quốc hội chưa thực hiện bầu mới Phó chủ tịch Quốc hội mà chờ cơ quan có thẩm quyền xem xét, giới thiệu. Sau đó, Quốc hội sẽ tiến hành bầu theo quy định.
Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường tại họp báo sáng 19/5. Ảnh: Media Quốc hội
Đại tướng Tô Lâm 67 tuổi, quê huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, là Ủy viên Trung ương Đảng ba khóa 11, 12, 13; Ủy viên Bộ Chính trị hai khóa 12, 13; Đại biểu Quốc hội hai khóa 14, 15. Ông bắt đầu sự nghiệp ở Cục Bảo vệ chính trị I rồi làm Cục phó Bảo vệ chính trị I, Cục trưởng Bảo vệ chính trị III, Tổng cục An ninh.
Năm 2009, khi mang quân hàm thiếu tướng, ông được Thủ tướng bổ nhiệm giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh I. Tháng 8/2010, ông làm Thứ trưởng Công an và giữ cương vị Bộ trưởng Công an từ tháng 4/2016 đến nay. Ông Tô Lâm cũng là Phó ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tiêu cực do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban.
Đại tướng Tô Lâm tại phiên họp Quốc hội ngày 24/6/2023. Ảnh: Media Quốc hội
Ông Trần Thanh Mẫn 62 tuổi, quê huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang; tiến sĩ Kinh tế. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng ba khóa 11-13, Bí thư Trung ương Đảng khóa 12, Ủy viên Bộ Chính trị khóa 13, đại biểu Quốc hội ba khóa 13-15.
Ông từng làm Phó bí thư Tỉnh đoàn Hậu Giang, Bí thư Tỉnh đoàn Cần Thơ, Phó chủ tịch, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Tháng 4/2021, ông Mẫn được bầu làm Phó chủ tịch Quốc hội. Ngày 2/5, ông được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công điều hành Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội sau khi Quốc hội miễn nhiệm ông Vương Đình Huệ.
Ông Trần Thanh Mẫn. Ảnh: Media Quốc hội
Kỳ họp 7 Quốc hội khóa 15 kéo dài 27 ngày, chia làm hai đợt. Đợt một 20/5-8/6 và đợt hai 17-28/6. Quốc hội dự kiến thông qua 10 dự luật, trong đó có Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi; Đường bộ; Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô sửa đổi; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sửa đổi (theo quy trình một kỳ họp).
Quốc hội cũng cho ý kiến lần đầu với Luật Công chứng sửa đổi; Di sản văn hóa sửa đổi; Địa chất và khoáng sản; Phòng không nhân dân; Phòng, chống mua bán người sửa đổi; Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; Thuế giá trị gia tăng sửa đổi; Tư pháp người chưa thành niên; và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Nguồn: [Link nguồn]
Kỳ họp thứ Bảy sẽ khai mạc vào ngày 20/5, dự kiến bế mạc ngày 28/6 và được tổ chức thành 2 đợt. Kỳ họp xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng.