Ngày đầu năm, hàng trăm người đi chợ "lục lọi" kỷ niệm
Tượng Phật bằng đồng, quạt đồng, bát sứ cổ, đèn dầu Hoa Kỳ… bất cứ đồ gì trong thời bao cấp đều có. Phiên chợ đồ cũ Hà Đông ngày đầu năm mới trở nên đông đúc, nhộn nhịp.
Chợ đồ xưa Hà Đông tấp nập những ngày cuối năm âm lịch. Ảnh:HP
Gì cũng có…
Chợ đồ cũ, đồ xưa Vạn Phúc, Hà Đông ngày đầu năm mới đông vui tấp nập. Trước đây, mỗi tháng chỉ có 6 phiên mở hàng, cách nhau 5 ngày, bắt đầu từ mùng 5 âm lịch hàng tháng. Thực ra, chợ đồ cũ này ăn theo lịch chợ cây, được hình thành theo các phiên chợ Hà Đông từ xa xưa. Khu chợ tạm được mang tên “Trung tâm Giao lưu Sinh vật cảnh - Đồ cổ - Đồ xưa”.
Hiện nay, chợ không còn hoạt động theo phiên mà ngày nào cũng có hàng nghìn người khắp nơi đổ về mua bán. Các nhánh chợ ngày mỗi phình rộng trên các ngả đường thuộc khu phân lô của đô thị Vạn Phúc. Hàng nhiều chủng loại hơn các phiên chợ khá: Cây cổ, đồ cũ, đồ mới, đồ xưa, đồ cổ.
Đồ được rải bán trên các khay hàng, trên những tấm bạt bên lề đường với đủ chủng loại, chẳng mặt hàng nào giống nhau. Tưởng như khách tới đây muốn tìm gì cũng có, “tất nhiên chỉ là những món đồ thường thường bậc trung thôi, còn đồ rất cổ, rất quý thì chúng tôi không mang ra đây được. Gặp khách chơi đồ cổ thật sự, chúng tôi mời về nhà xem”, anh Trần Thành Công, chủ một cửa hàng đồ cổ cho biết.
Nào bát, đĩa, ấm, chén, thìa, liễn... bằng sành, sứ, gốm từ thời Lý, thời Trần, thời Lê đến những món đồ đồng như chậu, lư, chuông, bàn là than... từ triều Nguyễn, thời Pháp thuộc; nào tiền giấy Đông Dương, tiền do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành qua các thời kỳ; thậm chí có cả những bộ dụng cụ săn bắt của người cổ đã có cách đây 2.000 - 2.500 năm; hay chỉ là những tờ bạc 100 đồng... Khách tới đây rất dễ bị mê hoặc bởi những món đồ độc và lạ, nhưng nếu không hỏi chủ hàng, cứ đoán già đoán non mãi cũng không thể biết được đó là thứ đồ gì.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết những món đồ ở đây không hoàn toàn là đồ cổ thật sự, mà có thể là đồ giả cổ hoặc là đồ cũ nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Nhiều người hiện nay có đam mê với những món đồ cũ kỹ in dấu thời gian, nhưng do tầm hiểu biết và khả năng tài chính không cho phép nên mặc dù rất thích đồ cổ, họ cũng tạm hài lòng với những món đồ giả cổ. Bởi giữa một rừng bát đĩa ấm chén, lư hương, chân nến với mẫu mã màu mè bắt mắt, thì một chiếc bát, cái thìa hay chiếc đèn dầu mang vẻ cũ kỹ, thậm chí hơi sứt mẻ lại có giá trị thẩm mỹ và giá trị tinh thần rất cao.
Tìm về những món đồ kỷ niệm. Ảnh:HP
Dành cho người yêu kỷ niệm
Chợ đồ cổ, đồ cũ không phải hiếm ở Hà Nội. Theo anh Trần Thành Công, một người chơi đồ cổ đã gần 20 năm, chợ đồ xưa ở Hà Đông mới được mở, phần lớn các gian hàng mở ra không phải để buôn bán nhằm mục đích kinh tế, mà chủ yếu để những người có chung niềm đam mê trao đổi, giao lưu đồ cổ với nhau.
“Những ngày giáp tết âm lịch, người lui tới chợ đông hơn, hàng hóa đông hơn, mỗi người chọn cho mình vài món đồ làm kỷ niệm. Nhiều người có sở thích năm nay mua món đồ này, năm sau mang ra bán lại. Cùng trò chuyện về đồ cổ. Đặc biệt đối với những đồ dùng thời bao cấp, thời mà lứa tuổi trung niên đều đã kinh qua, một món đồ thời đó còn sót lại cho đến bây giờ là một kỷ niệm”, anh Công nói.
Không giống như những chợ buôn bán khác, ở chợ đồ cổ ai ai cũng có thể ngồi ngắm nghía, mân mê, tần ngần hồi lâu rồi lại đặt đồ xuống mà không sợ chủ hàng buông một tiếng phàn nàn.
Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, chợ đồ cổ không chỉ còn là mảnh đất riêng cho những người chơi đồ cổ như anh Công, mà dần đã trở thành nơi buôn bán kiếm tiền cho rất nhiều người. Theo anh Công, rất nhiều hàng “lướt”, hàng “dựng”, hàng “giả cổ” bắt đầu xuất hiện tại chợ đồ xưa. “Không ít khách đã mua phải hàng giả”, anh Công cho biết.
Tẩu hút thuốc bằng đồng, có trị giá vài triệu đồng. Ảnh: HP
Những gian hàng lấn xuống lòng đường. Ảnh:HP
Những món đồ từ đồng hồ hỏng, điện thoại cổ, điều khiển tivi, giầy... đều được bày bán. Ảnh:HP
Những đồ dùng gợi nhớ về thời bao cấp. Ảnh:HP
Những món đồ có tuổi đời hàng chục đến hàng trăm năm đều có mặt. Ảnh:HP