Ngày đầu giãn cách xã hội ở Đà Nẵng ra sao?
Đường phố, khu du lịch vắng vẻ, nhiều người hủy tour rời Đà Nẵng, người ra đường hầu hết đều đeo khẩu trang...
Các hàng quán giải khát đóng cửa ngay sau khi ca bệnh 416 được công bố và Bệnh viện C gần đó được phong toả, cách ly. Ảnh: Nguyễn Thành
Cuộc sống, sinh hoạt của người dân cũng như hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, lưu trú thay đổi đáng kể so với những ngày trước. Đa số người dân khi lưu thông ra đường đều đeo khẩu trang.
Xét nghiệm trên diện rộng, tạm dừng đón khách du lịch
Ngày 26/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng) đã triển khai đồng loạt nhiều hoạt động phòng chống Covid-19. Trong đó lần đầu triển khai xét nghiệm trên diện rộng bằng các bộ test nhanh, trước tiên tại Bệnh viện Đà Nẵng.
Bộ Y tế đã hỗ trợ Đà Nẵng 10.000 bộ test thử do Việt Nam sản xuất, được thực hiện theo phương pháp xét nghiệm tìm kháng thể bằng kỹ thuật Elisa.
Trước mắt, Đoàn cán bộ Bộ Y tế và CDC Đà Nẵng sẽ thực hiện xét nghiệm kháng thể đối với khoảng 2.200 nhân viên y tế tại Bệnh viện Đà Nẵng, nơi vừa cách ly y tế chiều 26/7. Sau đó, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục triển khai phương pháp này tại Bệnh viện C Đà Nẵng, các khu du lịch có người nước ngoài lưu trú, nơi cư trú, sinh hoạt của bệnh nhân 416 và 418.
Sở GD&ĐT Đà Nẵng cũng đã có văn bản thông báo cho học sinh nghỉ học và dừng tất cả các hoạt động tập trung học sinh, học viên từ 13h ngày 26/7 cho đến khi có thông báo tiếp theo.
Trước đó, gần trưa cùng ngày, UBND TP Đà Nẵng có công văn yêu cầu toàn bộ các cơ quan, đơn vị, hội đoàn thể, trường học trên địa bàn thực hiện Chỉ thị số 19 của Thủ tướng Chính phủ, thời gian thực hiện từ 13h chiều 26/7 đến khi có thông báo mới.
Theo đó, thành phố yêu cầu tạm dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, sự kiện có tập trung đông người. Tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu (khu vui chơi, giải trí, cơ sở làm đẹp, karaoke, quán bar, vũ trường…
Các cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ như khách sạn, cơ sở lưu trú, nhà hàng, quán ăn, khu di tích, danh lam thắng cảnh được tiếp tục hoạt động nhưng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn.
Đà Nẵng vẫn cho phép hoạt động vận chuyển hành khách công cộng liên tỉnh, nội tỉnh nhưng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng yêu cầu Sở Du lịch thành phố làm việc với các đơn vị, kinh doanh dịch vụ du lịch, các công ty lữ hành, cơ sở lưu trú thực hiện tạm dừng tổ chức đón khách du lịch đến Đà Nẵng trong vòng 14 ngày kể từ ngày 26/7/2020...
Hàng không tăng chuyến, bến xe hoạt động hết công suất
Khu vực chợ Hàn vắng người, nhiều ki ốt đã đóng cửa. Ảnh: Nguyễn Thành
Theo ghi nhận, trong buổi chiều đầu tiên thực hiện giãn cách xã hội, không khí náo nhiệt giữa mùa du lịch tại Đà Nẵng như thường lệ đã giảm nhiệt rất nhiều. Đường phố không còn đông đúc như thường ngày, người lưu thông ra đường hầu hết đều đeo khẩu trang phòng dịch.
Có mặt tại các điểm du lịch thường ngày tập trung số lượng du khách lớn trên địa bàn TP Đà Nẵng như: Bán đảo Sơn Trà, Di tích đỉnh đèo Hải Vân, Bảo tàng Chăm, khu vực các bãi tắm biển, Di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn… PV Báo Giao thông ghi nhận khung cảnh khá vắng vẻ.
Điển hình, tại khu Di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn (quận Ngũ Hành Sơn), chỉ có khoảng 20-30 người khách đến tham quan trong ngày 26/7.
Đáng chú ý, ghi nhận tại Bến xe trung tâm Đà Nẵng cho thấy, khách đổ về bến xe rời thành phố rất đông, các nhà xe phải hoạt động hết công suất mới đáp ứng được nhu cầu.
Trong khi đó, trước diễn biến mới tại Đà Nẵng, các hãng hàng không đã đưa ra phương án tăng hàng chục chuyến bay đi/đến trên các đường bay đi/đến địa phương này từ ngày 26/7. Bên cạnh đó, các hãng hàng không cũng sẵn sàng hỗ trợ hành khách thay đổi và hoàn vé các đường bay đi/đến Đà Nẵng có lịch khởi hành từ ngày 26/7/2020.
Đáng chú ý, do diễn biến bất ngờ nên đã có rất nhiều khách hủy kế hoạch đến Đà Nẵng hoặc cắt ngắn kỳ nghỉ tại đây để sớm trở về. Tình trạng này đã gây ra rất nhiều khó khăn cho ngành Du lịch địa phương cũng như các hãng lữ hành.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng lo lắng: “Trong thời gian giãn cách xã hội lần 1, khách du lịch đến Đà Nẵng trong 6 tháng đầu năm 2020 giảm hơn 49% so với cùng kỳ năm trước. Khó khăn chưa chấm dứt thì đợt giãn cách lần 2 lại nối tiếp khiến không ít doanh nghiệp đứng trước bờ vực phá sản”.
Theo ông Dũng, sau thời gian giãn cách xã hội lần thứ 1, trung bình mỗi ngày Đà Nẵng đón từ 25.000-30.000 khách du lịch nội địa. Vì thế, lần giãn cách thứ hai này sẽ khiến hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ ở Đà Nẵng tiếp tục gánh chịu thêm thiệt hại.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, cho biết, hiện nay, Đà Nẵng đang tạm dừng các hoạt động đặt, đón các đoàn khách du lịch, để tập trung cho công tác phục vụ số lượng du khách còn lưu trú và tập trung công tác phòng chống dịch.
“Hiện, chưa xác định trên địa bàn TP Đà Nẵng có bao nhiêu khách du lịch còn lưu trú. Tuy nhiên, chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị kinh doanh du lịch, dịch vụ tập trung công tác phục vụ chu đáo, tận tình, đảm bảo an toàn cho du khách”, ông Bình chia sẻ.
Hãng lữ hành lại “ngồi trên lửa” Trước thông tin Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội, tạm thời không đón khách du lịch từ chiều 26/7, hàng loạt khách hàng đã đặt vé máy bay hoặc mua tour du lịch tới địa phương này đều bày tỏ hoang mang “không rõ có lấy lại tiền hay không?”. Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Công Hoan, Trưởng Ban truyền thông Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho biết: “Hủy tour do tình huống phát sinh bất khả kháng, không ai mong muốn, chúng tôi cũng chỉ mong các nhà cung cấp trả lại tiền để trả cho khách bị hủy tour. Hãng tour sẽ cố gắng bảo vệ quyền lợi cho khách nhưng cũng phải căn cứ vào các chính sách của nhà cung cấp dịch vụ. Hiện, Đà Nẵng mới đưa ra thông báo tạm dừng đón khách mới, còn khách đang đi tour thì vẫn tiếp tục thực hiện. Tuy nhiên, các hãng tour vẫn gặp nhiều khó khăn bởi khách đâu chỉ đến 1 điểm Đà Nẵng…”. Hoàng Ngân Từ Đà Nẵng ra Huế phải được chính quyền đồng ý Chiều 26/7, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Thừa Thiên Huế đã họp khẩn nhằm ứng phó tình hình dịch Covid-19. Tại cuộc họp, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnhThừa Thiên - Huế chỉ đạo các cơ quan truyền thông, báo chí tiếp tục việc thông tin để người dân chủ động thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch; không chủ quan, lơ là hoặc có tâm lý hoang mang. Ngay trong chiều 26/7, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã lập 4 trạm kiểm soát dịch tại Phú Lộc, Phong Điền, A Lưới, Hương Thủy để kiểm tra, giám sát, kiểm soát dịch bệnh, nhất là việc kiểm tra xe, tàu chở khách từ Đà Nẵng đến Huế trên đường bộ, đường sắt. Ông Thọ chỉ đạo tất cả người dân từ Đà Nẵng ra Huế phải thực hiện khai báo y tế qua mạng và phải được sự đồng ý của chính quyền địa phương thì mới được vào Huế. Ông Nguyễn Đình Bách, Phó chánh văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, khi người dân hoàn thành khai báo y tế trên mạng thì chính quyền địa phương căn cứ vào đó để cho phép người dân vào Huế ngay trên hệ thống. Nhiều tỉnh, thành yêu cầu cách ly người đến từ Đà Nẵng Sau khi thông tin về các ca nhiễm Covid-19 tại Đà Nẵng được công bố, nhiều địa phương ban hành quyết định cách ly 14 ngày đối với những người đến từ Đà Nẵng. Trong đó có các địa phương như: Hải Phòng, Bắc Giang, Nghệ An... Theo đó, các địa phương trên yêu cầu các cơ quan, ban ngành khẩn trương rà soát những người đến hoặc trở về từ Đà Nẵng từ ngày 18/7 đến nay và hướng dẫn những người này khai báo y tế, tự cách ly theo dõi sức khỏe 14 ngày. Ngoài 3 tỉnh trên, một số địa phương khác như: Thanh Hóa, Cần Thơ, Quảng Ngãi, TP.HCM... cũng ra quyết định tăng cường giám sát sức khỏe đối với những người trở về từ Đà Nẵng từ ngày 18/7. PV |
Nguồn: [Link nguồn]
Tối 26/7, Bộ Y tế ra thông báo khẩn số 16, Bộ Y tế đề nghị những người đã đến các địa điểm sau phải liên hệ...