Ngày cuối xét tuyển NV1, điểm chuẩn trường top đầu tăng từng giờ
Đến sáng 20.8, điểm chuẩn dự kiến nhiều ngành tại những trường top trên như Đại học Y Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Dược... liên tục tăng.
Chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa, thời hạn nộp hồ sơ xét tuyển ĐH-CĐ đợt 1 năm 2015 sẽ kết thúc (17h ngày 20.8). Thời điểm này, cả nhà trường lẫn thí sinh đều căng thẳng. Các trường cố gắng giải quyết khâu rút hồ sơ để các em tìm kiếm cơ hội khác ở những trường thấp điểm hơn ngay trong ngày; trong khi đó, thí sinh tập trung theo dõi thông tin điểm chuẩn dự kiến các trường để tìm “vé cuối” vào giảng đường.
Thí sinh làm thủ tục xét tuyển đại học tạ trường Kinh tế Quốc dân
27 điểm chưa chắc vào Đại học Y Hà Nội
Ngày cuối xét tuyển nguyện vọng 1, điểm chuẩn vào Đại học Y Hà Nội tiếp tục tăng. Nếu như cách đây 3 ngày, trường Đại học Y công bố mức điểm chuẩn dự kiến ngành Y đa khoa là 27,5 điểm thì trong sáng 20/8, điểm chuẩn vào ngành này tăng 0,25 điểm.
Như vậy, hiện tại, ngành Y đa khoa có điểm trúng tuyển dự kiến là 27,75 trong đó thí sinh phải đạt từ 9 điểm trở lên cho bài thi môn Toán cộng thêm tiêu chí phụ (điểm môn Sinh học phải đạt từ 8,75 điểm trở lên).
Theo bảng dự kiến điểm xét tuyển vào các ngành của Đại học Y Hà Nội, ngành lấy điểm dự kiến cao thứ hai của Đại học Y Hà Nội là Răng hàm mặt với 27,25 điểm (tăng 0,25 điểm so với cách đây 3 ngày). Ngoài ra, ngành Dinh dưỡng tăng lên 1 điểm.
“Những thí sinh có điểm số thấp hơn có thể nộp vào các khoa ngành khác của Đại học Y Hà Nội”, ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu phó trường Đại học Y Hà Nội cho hay.
Đại học Y Hà Nội lưu ý, thí sinh cần theo dõi thông tin cập nhật hằng ngày để có quyết định phù hợp. Theo quy định của trường, tiêu chí phụ xét tuyển cho các thí sinh bằng điểm nhau, ưu tiên 1: Môn Toán; ưu tiên 2: Môn Sinh.
Đại học Dược Hà Nội cũng là một trong những trường top đầu, có điểm chuẩn tăng theo từng ngày. Cụ thể, từ 15 giờ ngày 18.8, Đại học Dược Hà Nội dự kiến điểm chuẩn trúng tuyển đại học chính quy là 26,5 điểm. Tuy nhiên, cuối ngày 19.8, điểm trúng tuyển dự kiến là 27,5 (thêm những tiêu chí xét tuyển phụ như môn Toán phải từ 9 điểm trở lên).
Tại Đại học Ngoại thương, theo thống kê, đến sáng 20.8, Đại học Ngoại thương cũng có mức điểm trúng tuyển tạm thời tăng 0,25 so với ngày trước đó. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội điểm chuẩn dự kiến theo thống kê cũng tăng từ 0,01 đến 0,05 điểm (điểm xét tuyển của trường tính theo cách riêng).
Trong khi đó, tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân, từ ngày 17.8 đến ngày 20.8, mỗi ngày, điểm chuẩn dự kiến đều tăng lên 0,5-1,5 điểm.
Cụ thể, ngành Kế toán ứng dụng, Marketing tăng 1 điểm. Ngành Chương trình định hướng ứng dụng tăng lên 4,75 điểm (tiếng Anh nhân hệ số), ngành Kinh tế Quốc tế tăng 2,25 điểm.
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội điểm chuẩn dự kiến theo thống kê cũng tăng từ 0,01 đến 0,05 điểm (điểm xét tuyển của trường tính theo cách riêng).
TP.HCM: Căng thẳng "phút 90"
Tại ĐH Y Dược TP.HCM, trong sáng 20.8, tuy lượng thí sinh đến rút hồ sơ không đông như ở những trường khác nhưng không khí lại khá ảm đạm bởi nhiều thí sinh có mức điểm rất cao nhưng hầu như “hết hy vọng” vào ngành học mình mong muốn. Thí sinh P.M.K (Đồng Nai) buồn bã: “Em được 26 điểm nên đăng ký vào ngành Bác sĩ đa khoa, nguyện vọng 2 là vào ngành Bác sĩ răng hàm mặt, bây giờ cả 2 nguyện vọng đều không thể trúng tuyển nên em dự tính sẽ rút hồ sơ ở đây và xuống ĐH Y Dược Cần Thơ nộp nhưng không biết thế nào vì mới sáng nay truy cập thấy điểm chuẩn của trường này cũng đã lên tới 26 điểm”.
Được biết trước đó, điểm chuẩn ngành Y đa khoa của ĐH Y Dược Cần Thơ là 25,75 điểm nhưng đến cuối ngày 19.8, điểm chuẩn ngành này đã tăng lên 26 điểm. Ngành Răng hàm mặt cũng tăng từ 25,5 lên tới 26 điểm.
Theo tìm hiểu của Dân Việt, đa số thí sinh đến ĐH Y Dược TP.HCM trong sáng 20.8 chủ yếu để rút hồ sơ hoặc điều chỉnh sang các ngành khác vì điểm chuẩn dự kiến 2 ngành Bác sĩ đa khoa và Bác sĩ răng hàm mặt của trường này hiện tại đang cao chót vót. Cụ thể, ngành Bác sĩ đa khoa hiện có 351 thí sinh có mức điểm từ 27,75 trở lên (chỉ tiêu ngành này là 400); ngành Bác sĩ răng hàm mặt có 105 thí sinh từ 27,25 điểm trở lên (chỉ tiêu 100). Riêng ngành Dược sĩ đại học trường này cũng có 277 thí sinh từ 26,25 điểm trở lên (chỉ tiêu 300).
Như vậy, so với năm 2014, điểm chuẩn các ngành này đều tăng từ 1,5 - 1,75 điểm. Cụ thể ngành Bác sĩ đa khoa năm 2014 chỉ 26 điểm; ngành Bác sĩ răng hàm mặt chỉ 24,5 điểm và ngành Dược học là 25 điểm.
Tương tự, tại ĐH Ngân Hàng TP.HCM, điểm chuẩn tính đến thời điểm hiện tại đều trên 21,5 điểm. Cụ thể, với nhóm ngành kinh tế, kinh doanh và quản lý thì ngưỡng điểm xét tuyển hiện tại là 21,56 điểm; với ngành Ngôn ngữ Anh là 22,13 điểm và ngành Luật kinh tế là 21,5 điểm. Mức điểm này cao hơn năm 2014 từ 3 đến 3,63 điểm (năm 2014 điểm chuẩn các ngành này đều là 18,5 điểm).
Tại ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, tính đến sáng 20.8, ngưỡng an toàn dành cho các ngành thuộc về công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học đã lên tới 19,75 trở lên. Một số ngành thuộc khối kỹ thuật - kinh tế cũng có mức an toàn từ 16,75 trở lên.
Thí sinh nộp và rút hồ sơ tại ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM
Theo ông Phạm Thái Sơn, Phó trưởng Phòng Đào tạo nhà trường: "Trường đưa ra mức ngưỡng an toàn để thí sinh căn cứ nộp và rút hồ sơ. Đây là số liệu được cập nhật mỗi ngày được phân tích dựa trên lượng hồ sơ thí sinh nộp và rút. Hiện tại, mức điểm này đã cao hơn năm 2014 khá nhiều vì năm 2014 mức điểm chuẩn các ngành giao động từ 13,5 đến 19 điểm".
Còn tại ĐH Kinh tế TP.HCM, tính đến 9h20 sáng ngày 20.8, số hồ sơ nộp vào trường là 4.691 hồ sơ. Điểm chuẩn dự kiến vào trường tăng từ 23 điểm lên tới 23,25 điểm. Riêng chuyên ngành Tiếng Anh thương mại là 31,5 (môn tiếng Anh đã nhân hệ số). Như vậy, so với năm 2014, mức điểm dự kiến trúng tuyển đã tăng thêm 2,25 điểm (năm 2014 là 21 điểm cho tất cả các ngành).
Theo ông Huỳnh Thúc Định, phòng công tác chính trị sinh viên nhà trường: “Chúng tôi cập nhật thông tin trên website 1 tiếng 1 lần. Hiện tại vẫn còn khoảng 300 hồ sơ ‘buộc phải rút’ vì dưới mức điểm dự kiến trúng tuyển. Trường cũng đã nhắn tin và gọi điện thoại cho các thí sinh này để các em đến rút hồ sơ và tìm kiếm cơ hội cuối ở những trường có mức điểm thấp hơn”.
Đà Nẵng: "Rút hồ sơ ra... không biết nộp vào đâu"
Khác với những ngày đầu, hai ngày cuối cùng xét tuyển đợt 1 tại Đà Nẵng, nhiều thí sinh “rớt” sau nhiều lần rút-nộp hồ sơ đã chọn giải pháp an toàn, nộp vào ngành học mức điểm trúng tuyển trung bình với tâm lý "miễn là đậu”.
Nhiều thí sinh căng thẳng vì gần hết hạn nộp hồ sơ xét tuyển đợt một nhưng vẫn chưa chọn được nghành.
Sau nhiều ngày vất vả nộp rút hồ sơ, thí sinh Trần Thị Hồng A. (huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) đành phải nộp vào nghành Điều dưỡng đa khoa, hệ Cao đẳng của ĐH Kỹ thuật Y dược Đà Nẵng để tăng cơ hội trúng tuyển. “Em thi được 24,5 điểm. Lúc đầu em nộp vào Y đa khoa nhưng khi xem bảng điểm, em đã đứng ở mức ngoài 300 chỉ tiêu trong khi năm nay nghành chỉ tuyển 100. Em không thích nghành Điều dưỡng nhưng không tìm được trường nào phù hợp nên để chắc chắn đậu, em đành làm hồ sơ hệ cao đẳng, sau này học liên thông lên cũng được”, Ánh chia sẻ.
Không chỉ học sinh căng thẳng, nhiều phụ huynh cũng bỏ công việc để cùng con đi nộp hồ sơ xét tuyển. Phụ huynh Phan Thị Tiến (quê Thanh Hóa) chia sẻ, kỳ thi vừa qua con gái chị đạt 23,75 điểm và làm nguyện vọng vào trường ĐH Ngoại Ngữ Đà Nẵng. Nhưng sau nhiều ngày nộp, rút hồ sơ vào ngành tiếng Trung, tiếng Anh rồi đến tiếng Pháp, con gái vẫn nằm ngoài chỉ tiêu. “Hôm nay ngày cuối để nộp nên tôi khuyên con nộp vào ngành Quốc tế học cho dễ đậu, giờ không được nữa thì hai mẹ con về quê. Mẹ con tôi đã ở lại Đà Nẵng thuê trọ cả tuần nay, bỏ cả công việc ở nhà để dễ dàng cho con trong việc nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng.…”, chị Tiến chia sẻ.
Bên cạnh những thí sinh điểm cao đang căng não trong cuộc đua chọn ngành, một số thí sinh có điểm xét tuyển trung bình dưới ngưỡng 20 điểm lại có hướng không tiếp tục nộp hồ sơ xét tuyển ĐH, CĐ mà chuyển qua học nghề.
Kỳ thi vừa qua, thí sinh Nguyễn Kim Dũng (huyện Phước Sơn, Quảng Nam) đạt 19,5 điểm. Dũng làm nguyện vọng vào nghành Kỹ thuật Xây dựng Công trình - ĐH Bách Khoa. Nhưng sau nhiều ngày vật vã vẫn không thể chọn nghành nên đã quyết định không nộp hồ sơ nữa. “Những ngày qua em quá mệt rồi. Cứ chạy đi chạy lại từ nhà ra Đà Nẵng cả trăm km chỉ để rút ra rồi nộp vào, thế mà vẫn bị trượt. Sau nhiều ngày suy nghĩ, sáng nay em ở lại để rút lấy hồ sơ rồi về quê làm nguyện vọng vào một trường nghề”, Dũng nói.
Tại Đại học Đà Nẵng, ngày cuối cùng nộp hồ sơ, rất nhiều phụ huynh mặc dù đã nộp xong hồ sơ nhưng vẫn ở lại trường đến chiều tối, đợi cập nhật điểm để chắc chắn con mình có thể đậu.