Ngày cuối cách ly xã hội: Đường phố nhộn nhịp, nhiều hàng quán mở cửa
Ngày cuối cách ly xã hội, nhiều tuyến đường ở Hà Nội và TP.HCM lượng phương tiện tham gia giao thông đông hơn.
Tại Hà Nội:
Theo ghi nhận của phóng viên một số tuyến phố như Nguyễn Lương Bằng, Tây Sơn, Tôn Đức Thắng (Đống Đa), người dân đổ ra đường đông đúc khiến các tuyến phố ùn tắc.
Cũng trong chiều nay, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc xếp Hà Nội thuộc nhóm “có nguy cơ” nhưng lưu ý một số địa phương của Hà Nội “nguy cơ cao” như huyện như Mê Linh, Thường Tín cần tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16. Hình ảnh: Ô tô, xe máy nối đuôi nhau rời thành phố sau một ngày làm việc.
Các cửa hàng bán đồ gỗ trên phố Đê La Thành đồng loạt sáng đèn
Nhiều cửa hàng trên phố Tây Sơn cũng bắt đầu mở cửa bán hàng
Các cửa hàng đồ gia dụng, hoa, vàng, quần áo… rục rịch mở cửa.
Cũng trong ngày hôm nay, người dân vẫn tụ tập đi tập thể dục ở các con đường gần các công viên của thành phố
Hoạt động từ thiện hỗ trợ nhu yếu thực phẩm cho người nghèo vẫn diễn ra ở nhiều địa điểm của Hà Nội, giúp những người có hoàn cảnh khó khăn vượt qua đại dịch COVID - 19.
Tại TP.HCM:
Ghi nhận của phóng viên trước thời điểm TP xuống nhóm nguy cơ với dịch bệnh Covid-19, nhiều tuyến đường trên địa bàn lưu lượng phương tiện di chuyển đông nhưng không xảy ra ùn ứ.
Chiều 22/4, tại buổi họp giao ban trực tuyến của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM, Phó chủ tịch thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm cho hay Thủ tướng đã đồng ý xếp TP.HCM từ nhóm nguy cơ cao xuống nhóm nguy cơ kể từ 0h ngày 23/4.
Người dân lưu thông ra đường đều đeo khẩu trang để phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Đến thời điểm này, người dân TP.HCM thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh Covid-19. Trước vài giờ khi TP.HCM chuyển xuống nhóm nguy cơ với dịch bệnh Covid-19, một số tuyến đường lưu lượng phương tiện tham gia giao thông đông nhưng không ùn tắc.
Trong ảnh là người dân di chuyển vào giờ tan tầm trên đường Ba Tháng Hai (quận 10) vào chiều 22/4.
“Mình phải thực hiện nghiêm giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh. Do có công việc giải quyết gấp nên tôi mới ra đường. Về các thành viên trong gia đình thì tôi cũng khuyên là nên ở nhà, nếu ra đường phải đeo khẩu trang đầy đủ. TP.HCM từ 0 giờ ngày 23/4 sẽ xuống nguy cơ với dịch bệnh nên tôi rất mừng nhưng cũng không dám chủ quan trong phòng chống dịch bệnh”, anh Nguyễn Tiến Sỹ (ngụ quận 10) chia sẻ.
So với những ngày đầu giãn cách xã hội, lượng phương tiện lưu thông trên địa bàn TP.HCM có đông hơn nhưng không xảy ra kẹt xe, ùn ứ.
Tại các giao lộ các phương tiện tập trung đông khi dừng chờ đèn tín hiệu nhưng cũng không xảy ra ùn tắc, kẹt xe. “Thời điểm này vẫn đang thực hiện giãn cách xã hội nên người dân mình cũng hạn chế ra đường”, chị Phạm Thị Tú ngụ quận 3 chia sẻ.
Đường Điện Biên Phủ (quận 3) vào giờ tan tầm chiều 22/4 vắng vẻ.
Có thời điểm đèn tín hiệu chuyển sang màu đỏ nhưng đường Điện Biên Phủ chỉ lác đác chỉ có vài phương tiện.
Đường Nguyễn Văn Trỗi (quận Phú Nhuận) trước thời điểm TP.HCM chuyển xuống nhóm nguy cơ với dịch bệnh Covid-19.
Người dân tập thể dục ven bờ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè vào chiều tối 22/4.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm khẳng định dù được xếp xuống nhóm nguy cơ với dịch bệnh Covid-19 kể từ 0h ngày 23/4, người dân ở TP.HCM ra đường vẫn phải mang khẩu trang để bảo đảm an toàn.
Từ ngày 23/4, TP.HCM sẽ có các hướng dẫn để cho phép một số hoạt động kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu hoạt động trở lại. Các dịch vụ cụ thể nào sẽ được hoạt động trở lại sẽ được các sở - ngành liên quan hướng dẫn cụ thể.
Trong ảnh là khu vực đường Hoàng Văn Thụ (quận Phú Nhuận) vào chiều tối 22/4.
“Từ 0 giờ ngày 23/4, TP.HCM sẽ chuyển từ nhóm nguy cơ cao xuống nhóm nguy cơ với dịch bệnh Covid-19 đó là một tín hiệu đáng mừng. Mỗi người dân chúng ta cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 và tôi tin chắc rằng thời gian ngắn sắp tới TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung sẽ không còn ca nhiễm nào liên quan tới dịch bệnh Covid-19”, chị Trần Thị Sương (ngụ quận Tân Bình) nói.
Tối 22/4, Sở GTVT có thông tin về việc tiếp tục tạm ngưng vận chuyển hành khách theo tuyến cố định, xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng (bao gồm xe hợp đồng dưới 9 chỗ ứng dụng công nghệ), xe du lịch hoạt động trên địa bàn TP.HCM kể từ 0 giờ ngày 23/4 cho đến khi có thông báo mới trừ các trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ và các trường hợp cung cấp lương thực thực phẩm…
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19: - Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi. - Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác. - Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế. - Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095. |
Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chỉ còn 4 tỉnh thuộc nhóm nguy cơ, 59 tỉnh còn lại thuộc nhóm nguy cơ thấp.
Nguồn: [Link nguồn]