Ngập lụt lịch sử ở đảo ngọc Phú Quốc

Sự kiện: Tin nóng

Lượng mưa kỷ lục, nước biển dâng, trong khi hệ thống thoát nước đã lỗi thời, tình trạng tự ý xây dựng lấn chiếm sông suối… là những nguyên nhân khiến đảo Ngọc Phú Quốc (Kiên Giang) ngập lụt nặng những ngày qua.

Theo ghi nhận của PV Tiền Phong ngày 10/8, thời tiết tại Phú Quốc không còn mưa, tuy nhiên một số nơi vẫn còn tình trạng ngập úng, nước cao nửa người. Một số người dân vẫn đang di tản đến nhà người thân, trường học. Trong căn phòng trọ tại khu phố 10 (thị trấn Dương Đông), nơi bị thất thủ hoàn toàn mấy ngày qua, ông Nguyễn Thành Dự (quê Hậu Giang) rầu rĩ: “Tôi ra đây một mình xin làm thợ hồ và thuê phòng trọ này ở tạm, hơn 2 tuần nay trời mưa liên tục, công việc dang dở không có thu nhập, được chính quyền địa phương cấp phát cơm, sống qua ngày”.

Theo UBND huyện Phú Quốc, trước đó địa bàn huyện xảy ra tình trạng ngập cục bộ, nước chưa rút hết nhưng mưa vẫn diễn ra liên tục. Đến khoảng 16 giờ ngày 8/8, nước bắt đầu dâng trở lại. Hậu quả là 63km đường trên toàn huyện đảo bị ngập, với độ sâu ngập trung bình khoảng 0,7m (nơi ngập sâu nhất lên đến 2m), 23 căn nhà bị tốc mái, sập, sụp nứt và 8.424 căn bị ngập trong nước. Tổng thiệt hại do vụ ngập vừa qua ước tính hơn 107 tỷ đồng.

Địa phương đã cử 1.567 người, 752 phương tiện, sơ tán được gần 2.000 người dân đến nơi tránh trú an toàn. Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã nấu trên 3.200 suất cơm miễn phí cho người dân, phối hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện, UBND các xã, thị trấn nhận viện trợ từ các mạnh thường quân 38,95 tấn gạo, 3.877 thùng mì và 224 triệu đồng tiền mặt cùng các nhu yếu phẩm khác.

 Ảnh: Nhật Huy

 Ảnh: Nhật Huy

Theo Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, có nhiều nguyên nhân gây ra ngập cục bộ trên địa bàn. Trong đó, do tình hình biến đổi khí hậu, trong 8 ngày (2/8 – 9/8) tổng lượng mưa trên địa bàn đạt hơn 1.000mm, trong khi lượng mưa trung bình nhiều năm tại Phú Quốc là 3.000mm, chỉ tính riêng ngày 9/8 lượng mưa (335mm) đã cao hơn tổng lượng cả năm 1997 (327mm). Đây là lượng mưa kỷ lục, lớn hơn so với trung bình nhiều năm nhưng lại diễn ra trong thời gian ngắn, đồng thời trùng với nước biển dâng cao, gây việc thoát nước từ sông, suối ra biển bị cản trở nhiều.

Bên cạnh đó, hệ thống thoát nước trong nội ô thị trấn được đầu tư xây dựng từ năm 2003, quy mô đầu tư thời điểm đó phù hợp với mật độ dân cư sinh sống còn thưa thớt. Nhưng đến nay, tình hình Phú Quốc phát triển nhanh về dân cư, khách du lịch và sản xuất, kinh doanh. Mặc khác, các khu vực này hiện trạng trước đây có nhiều ao hồ tự nhiên để điều hoà khi nước thoát không kịp; nhưng hiện nay bị san lấp tôn nền nên hệ thống hố ga thoát nước thường xuyên bị đầy, gây tắc nghẽn vì rác thải và đất cát từ các công trình xây dựng.

Địa hình Phú Quốc có nhiều đồi dốc, tốc độ đô thị hoá nhanh đã làm thay đổi hệ số mặt phủ, thu hẹp diện tích thấm cùng với tình trạng người dân tự ý xây dựng lấn chiếm sông. Trong thời gian qua đã gây áp lực lớn đến hệ thống thoát nước từ các dốc núi đổ ra biển gây ngập lụt nặng tại các khu dân cư sinh sống ở ven sông, ven suối do thoát nước không kịp. Ngoài ra, theo lãnh đạo huyện Phú Quốc, thời tiết lạ, mưa gió xoáy rất khó chịu, lượng mưa tập trung tại đây. Thời điểm này gió Tây phát triển mạnh, sóng lớn lùa vào làm các cửa không thoát nước được, cộng với triều cường nước biển nâng có lúc từ 1,6m – 1,8m.

Trong ngày 10/8, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đã đến khảo sát và làm việc với huyện Phú Quốc bàn phương án khắc phục trước mắt và lâu dài. Ông Mai Văn Huỳnh – Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc cho biết: “UBND huyện Phú Quốc kiến nghị tỉnh cho khảo sát, quy hoạch đồng bộ hệ thống sông, suối thoát nước cho toàn đảo. Nâng cấp hệ thống thoát nước trong nội ô thị trấn Dương Đông cho phù hợp với tốc độ phát triển của huyện, nghiên cứu đầu tư hồ điều tiết cho khu vực thị trấn Dương Đông”.

Về tình hình khắc phục thiệt hại, UBND huyện Phú Quốc thống kê một số tuyến đường sụt lún, nhà cửa hư hỏng khắc phục nhanh chóng. Hướng lâu dài, kiến nghị Chủ tịch tỉnh Kiên Giang chỉ đạo rà soát tình hình đô thị hoá nhanh, một số thứ không phù hợp, giao cho Sở Xây dựng rà soát lại toàn số những điểm ngập lụt, mở thêm cống, đường thoát ra phía biển, xem lại toàn bộ hệ thống quy hoạch cống thoát nước...

Theo ông Phạm Vũ Hồng - Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo địa phương rà soát lại các tuyến đường giao thông, nhất những tuyến đường chắn cao dòng chảy, kiểm tra lại các cửa sông có cản trở hay không, tập trung nhanh các vấn đề này, đồng thời chỉ đạo các ngành chức năng tập trung xử lý sau ngập để dân trở về nhà, ổn định đời sống…

Lực lượng chức năng giúp người dân đến nơi an toàn

Lực lượng chức năng giúp người dân đến nơi an toàn

Cận cảnh đảo ngọc Phú Quốc bị nhấn chìm trong nước

Dù bão số 3 đã qua đi nhưng nhiều cơn mưa lớn kéo dài vẫn còn tiếp diễn khiến cho đảo ngọc Phú Quốc tiếp tục bị...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhật Huy ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN