Ngành y tế “chạy theo đuôi” dịch sởi
Cụ thể tại TP.HCM, dù chỉ còn 2 tuần nữa là chiến dịch tiêm vét vắc xin sởi sẽ kết thúc, nhưng số ca mắc vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Theo Cục Y tế dự phòng, cả nước đã có gần 6.700 ca sởi và sốt phát ban dạng sởi. Trong đó, đã có 25 ca tử vong. Trung bình mỗi tuần ở TPHCM vẫn có khoảng 200 trẻ nhập viện do sởi. Từ đầu năm đến nay, đã có hơn 850 ca sởi được ghi nhận tại thành phố.
Trạm y tế hoàn toàn bị động
Trước tiên, cần nhắc lại, thống kê cho thấy các ca mắc sởi đã tăng đột biến tại TP.HCM vào tháng 4 năm ngoái. Tuy nhiên, đến đầu năm nay, Sở Y tế thành phố mới rục rịch triển khai công tác phòng chống dịch.
Số liệu của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho thấy, từ thời điểm tháng 4/2013 cho đến cuối năm, số ca mắc sởi tại thành phố liên tục tăng cao, trung bình gần 42 ca/tháng, tức tăng gấp 21 lần so với cùng kỳ năm 2012.
Theo Viện Pasteur TP.HCM, từ tháng 12/2013, viện đã ra văn bản thông báo tình hình bệnh sởi đang hoành hành tại TP.HCM và một số tỉnh phía Nam cho ngành y tế dự phòng các địa phương. Đề nghị các tỉnh thành triển khai ngay các biện pháp phòng chống theo quy định.
Trẻ mắc sởi nhập viện tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Ảnh: Đ.Anh
Thế nhưng, cho đến giữa tháng 1/2014, viện vẫn không nhận được bất cứ báo cáo nào. Cơ quan của Bộ Y tế phải ra thêm một công văn nữa nhắc nhở các Trung tâm Y tế dự phòng nói trên khẩn trương giám sát, phát hiện ca sốt phát ban nghi sởi tại cơ sở y tế, trường học và cộng đồng.
Tuy nhiên, phải đợi đến 25 Tết Giáp Ngọ, Sở Y tế TP.HCM mới công bố dịch và thông báo triển khai các công tác phòng, chống dịch sởi cho các quận huyện vào thời điểm nhà nhà đang chuẩn bị… ăn Tết.
Khi dịch sởi đã bùng phát mạnh, ngành y tế dự phòng xác định tiêm chủng là biện pháp hữu hiệu nhất để dập dịch (?) và một chiến dịch tiêm vét vắc xin sởi đã được đưa ra tại TP.HCM.
Trước đó, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Nguyễn Trí Dũng đã thừa nhận chiến dịch trên không đạt tiến độ, có khả năng phá sản tại cuộc họp với Bộ Y tế vào ngày 10/4 vừa qua.
Thực tế cho thấy, thực lực của trạm y tế tại 24 quận huyện hoàn toàn hụt hơi với chiến dịch trên. Hiện nay, ngoài nhiệm vụ giám sát dịch bệnh thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, tiêm chủng mở rộng quốc gia, các trạm y tế trên địa bàn TP.HCM còn đang phải chuẩn bị để sắp tới sẽ khám, chữa bệnh BHYT và triển khai chương trình bác sĩ gia đình. Chỉ riêng thực hiện chiến dịch tiêm vét sởi vừa qua, một trạm y tế đã phải làm tất tần tật từ truyền thông, vận động, thống kê số lượng trẻ, xác định đối tượng trẻ cần tiêm, cho đến tổ chức tiêm chủng vào các ngày cuối tuần và thực hiện chế độ báo cáo.
Bỏ lọt đối tượng tiêm chủng?
Theo các chuyên gia ngành dự phòng, ráo riết tiêm vét vắc xin sởi như hiện nay vẫn chưa thể ngăn dịch hiệu quả. Nguyên tắc, một trẻ phải tiêm đủ 2 mũi ngừa cách nhau tối thiểu 1 tháng. Tiêm vét chỉ tiêm trước mũi đầu, nhưng phải cần từ 2 đến 3 tháng sau cơ thể mới có miễn dịch. Do đó, lây lan do tiếp xúc trực tiếp với mầm bệnh là rất lớn khi dịch đang gia tăng, ngay cả đối với trẻ đã tiêm phòng mà vắc xin chưa phát huy miễn dịch.
Ngoài ra, chỉ tiêm vắc xin đơn liều là sởi trong chiến dịch tiêm vét tại TP.HCM sẽ không đạt hiệu quả. Dự báo số ca bệnh sẽ tiếp tục tăng do lây lan bằng con đường tiếp xúc trực tiếp như đã nói và quan trọng hơn, mũi đơn liều chỉ giải quyết bệnh sởi. Trong khi đó, sốt phát ban và rubella cũng đang bùng phát mạnh trong mùa dịch năm nay và cũng là các bệnh nằm trong nhóm chẩn đoán nghi sởi. Thế nhưng, trẻ mới chỉ được miễn dịch sởi.
Cuối cùng, việc khoanh vùng độ tuổi của đối tượng cần tiêm chủng chưa đúng với thực tế. Vì theo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, nếu như 90% ca mắc sởi của năm 2013 rơi vào đối tượng trẻ dưới 3 tuổi, thì năm 2014, bệnh sởi đã xuất hiện ở những lứa tuổi lớn hơn, với 90% số ca mắc là trẻ dưới 10 tuổi. Hiện chiến dịch tiêm vét chỉ “quan tâm” đến trẻ từ 9 tháng tuổi đến 3 tuổi, liệu có phát huy được hiệu quả phòng chống dịch trong cộng đồng?