"Ngành công nghiệp" trông giữ xe

Nhớ lại gần 20 năm trước khi bàn về phát triển công nghiệp phần mềm Việt Nam, một đồng nghiệp "ghen tị" so sánh: Ước gì 5 năm nữa, công nghiệp phần mềm Việt Nam đạt doanh số bằng "công nghiệp giữ xe".

Gọi việc giữ xe ở Việt Nam là "công nghiệp" nghe có vẻ ngộ nghĩnh và đã chẳng ai biết ngành công nghiệp này có doanh số bao nhiêu.

Giữ xe là công việc tưởng nhỏ nhặt nhưng hết sức quan trọng của các đô thị và cũng là việc kinh doanh béo bở. Bất cứ ai đã đến các nước phát triển đều cảm thấy thiếu chỗ giữ xe là mối lo thường nhật của mọi người và kiếm ra chỗ giữ xe có thể tốn đáng kể thời gian và việc tổ chức giữ xe được chính quyền đô thị quan tâm, khuyến khích khu vực tư nhân tham gia và thực sự là một ngành công nghiệp.

Tại Việt Nam cũng có một số người tính đến chuyện này, như dự án làm bãi đậu xe ngầm tại công viên Lê Văn Tám (TP.Hồ Chí Minh) hay dưới lòng hồ Ngọc Khánh (Hà Nội) từ hơn chục năm qua, nhưng có lẽ các dự án như vậy đều chết yểu. Cho đến nay chưa có bất cứ bãi đậu xe công cộng ra hồn nào. Nhà chức trách không lo, cũng chẳng khuyến khích để khu vực tư nhân tham gia xây dựng hạ tầng cho “công nghiệp giữ xe” nên vỉa hè, thậm chí lòng đường, bị lấn chiếm làm bãi giữ xe, gây ách tắc giao thông, xâm phạm đến quyền được đi của người đi bộ trên vỉa hè, làm cho bộ mặt đô thị lem luốc và lộn xộn.

"Ngành công nghiệp" trông giữ xe - 1

Nhiều bãi trông giữ xe lấn chiếm vỉa hè. Ảnh: T.L

Cũng chẳng tổ chức nghiên cứu nào thử khảo sát đo lường để có thông tin tương đối chính xác về diện tích bãi hay nhà giữ xe, doanh thu thực hay dự kiến của việc giữ xe trong mỗi đô thị ngõ hầu có thể vẽ ra “kế hoạch tổng thể” phát triển ngành này ở các thành phố lớn.

Trong tình cảnh như vậy hãy thỏa mãn với vài con tính ước lượng thô ban đầu vậy. Hiện tại cả nước có khoảng 1,4 triệu ô tô và trên 30 triệu xe máy. Không tính tiền gửi xe hàng tháng tại tầng hầm các tòa nhà cao tầng (có khi lên đến vài triệu/tháng/xe) hay tại nhà của các chủ sở hữu phương tiện. Giá gửi ô tô một lần cỡ 50 ngàn đồng, hãy giả sử mỗi xe một năm chỉ phải gửi tại nơi công cộng 40 lần, tức là trung bình mỗi chủ phương tiện chi cho gửi xe tại nơi công cộng là 2 triệu đồng. Tính với 1,4 triệu, cho con số 2,8 ngàn tỉ đồng. Gửi xe máy cỡ 3.000 đồng/lượt (nhiều khi 5.000 đồng, thậm chí có khi lên 30.000 đồng/lượt tùy nơi tùy lúc), hãy tính 500 ngàn đồng tiền giữ xe máy cho cả năm, với 30 triệu xe ta có 15 ngàn tỉ đồng. Có thể ước lượng doanh thu của “ngành” này khoảng 10 đến 20 ngàn tỉ đồng. Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh chắc phải chiếm 60% thị phần (tính Hà Nội bằng nửa TP.Hồ Chí Minh thì doanh thu của Hà Nội cỡ 2-4 ngàn tỉ đồng).

Do không được quy hoạch, ngành giữ xe phát triển tự phát hết sức lộn xộn. Nhưng với ước lượng quy mô như trên và chủ yếu tập trung ở TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội, hãy ngó qua tình hình giữ xe hiện thời (cũng chẳng khác mấy 10 năm trước, trừ số lượng phương tiện đã tăng rất nhanh). Thật là quá tiện cho nhà kinh doanh. Khỏi phải đầu tư gì nhiều nhặn: Lo lót tay cho ai đó để “được phép” chiếm một diện tích vỉa hè hay lòng đường, in vé, thuê vài nhân công, mấy sợi dây thừng, vài cái cọc, và có thể bắt tay kinh doanh! Có lẽ khoản đầu tiên (vẫn là đầu tiên?) là khoản đầu tư lớn nhất và việc trả phí hàng tháng (một phần chính thức, một phần không) là khoản chi phí cũng lớn nhất nhưng chẳng ai rõ là bao nhiêu trừ những người trong cuộc.

Thực ra, khoản đầu tư thật, có giá trị lớn nhất là mặt bằng (đường hay vỉa hè). Đường hay vỉa hè là của chung, được xây dựng bằng tiền thuế của dân hay bằng khoản vay mà dân sẽ phải trả. Nếu khoản này được hoàn lại cho dân (qua kho bạc để chính quyền xây đường sá mới, cho bãi đậu xe mới, vân vân) thì hợp lý và chẳng đáng để bàn.

Theo PV, vừa rồi Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, Hà Nội thất thu hàng chục tỉ đồng mỗi năm trong việc quản lý lòng đường, vỉa hè. Sở GTVT phản bác lại kết luận của bộ và cho rằng không có chuyện thất thoát. Theo Thanh tra Bộ GTVT, Công ty khai thác điểm đỗ xe quản lý hơn 204 ngàn mét vuông diện tích giữ xe (trong đó có lòng đường vỉa hè) và nộp (2% doanh thu) khoảng 1.000 đồng/mét vuông/tháng, tức là cả năm chỉ nộp khoảng 2,5 tỉ đồng cho ngân sách thành phố (suy ra doanh thu cỡ trên 100 tỉ). Nếu so con số khoảng 100 tỉ này với 2-4 ngàn tỉ ước tính kể trên thì có thể thấy doanh nghiệp nhà nước này chỉ chiếm không đến 5% “thị phần” giữ xe.

Việc kinh doanh giữ xe là rất béo bở. Người ta viện cớ công ty công ích làm “công ích”, nhưng nếu tìm hiểu kỹ rất có thể hóa ra rằng việc dùng lòng đường, vỉa hè và tài sản công nói chung để làm “công ích” lại hóa ra để làm “tư ích” cho một số người cũng nên. Nếu thế, đấy cũng là một sự biển thủ, ăn cắp một cách tinh vi và rất có thể nó được tiến hành một cách “đúng quy định” vì quy định được nghĩ ra cho phù hợp với lợi ích của họ mà.

Việc giữ xe tưởng nhỏ mà không nhỏ chút nào.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Quang A (Lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN