Ngành càng nhạy cảm, tiền chạy càng lớn
Dù không tiết lộ nhưng dư luận cho rằng để có suất vào những ngành được cho là nhạy cảm như tòa án, thanh tra, hải quan… số tiền bỏ ra không khỏi phải giật mình!
Trao đổi với phóng viên, TS.Ngô Thành Can, Phó Trưởng Khoa tổ chức và Quản lý nhân sự, Học viện Hành chính cho biết ông đã không ít lần ngỡ ngàng trước con số “chạy” đầu vào thi công chức.
- Thưa ông, trong phiên họp HĐND vừa qua, dư luận đều chú ý tới thông tin về chất lượng đội ngũ cán bộ công chức: có khoảng 30% công chức làm được việc, 30% giao việc nhưng không yên tâm, có tới 40% không đáp ứng công việc? Về phần mình, ông nhận định như thể nào?
Tôi không hề ngạc nhiên với thông tin này. Trước đây, đại diện Bộ Nội vụ cũng từng cho biết, qua tham khảo ý kiến lãnh đạo sở ngành thì có chỉ 1/3 công chức làm được việc, 1/3 là tạm được và phần còn lại không làm được kết quả gì. Quay lại về trước vào năm 1993 khi nhà nước tổ chức phân loại công chức cũng nêu đánh giá 40% làm được việc, 20% làm tạm được nhưng chưa yên tâm, 20% thiếu tiêu chuẩn và 20% không đáp ứng…
Vậy là tới 20 năm sau, con số vẫn lặp lại. Câu hỏi đặt ra tại sao bao nhiêu năm chúng ta mất công mất sức, tốn kém tiền của để đổi mới cách tuyển dụng mà vẫn chưa giải quyết được thực trạng năng lực công chức?
Vấn đề ở đây, chúng ta không thiếu người tài, nhưng thành phần như thế nào mới tham gia thi tuyển thì lại là câu chuyện. Người giói thì không phải nói vì nếu có sẽ được tuyển thẳng. Theo tôi, những người tầm tầm sẽ ứng thí thi công chức. Suất vào thì hạn chế, người ứng thí thì đông. Vậy là ai có “điều kiện” hơn thì người đó được tuyển dụng.
Chưa cần nói tới tiêu cực xảy ra, một khi số đông đầu vào chỉ là “tầm tầm” thì đội ngũ được chọn người từ số đó cũng không thể chất lượng cao được. Trong một đội ngũ cán bộ có năng lực kém, chỉ cần người lãnh đạo lợi dụng chỉ đạo theo hướng khác thì cấp dưới phải tuân theo thôi. Tiêu cực xảy ra từ đây.
TS. Ngô Thành Can
Cụ thể hơn, tướng kém thì cũng muốn tuyển quân kém?
Nó là hệ quả nhãn tiền rồi. Thêm vào đó lãnh đạo cơ quan cũng không muốn tuyển người giỏi hơn mình. Vậy là kém năng lực thì phải chạy. Chạy được rồi thì người ta phải quay lại kiếm nguồn lợi nhuận để bù cho lại chi phí đã bỏ ra. Ngay cả khi đã được thăng quan tiến chức, thì cũng vẫn cần kiếm để có nguồn chạy tiếp.
Khi một môi trường, một xã hội bị đồng tiền chi phối, những phi lý sẽ trở thành chuyện đương nhiên, nhiều cái sai thành cái đúng. Không chỉ người ngoài mất niềm tin mà ngay cả những người bỏ tiền ra để chạy việc cũng không phục, không tin người sử dụng mình.
Là người có nhiều năm kinh nghiệm tham gia chấm thi tại các kỳ thi tuyển công chức. Ông nhận định về quy trình thi như thế nào? Phải chăng còn kẽ hở khiến việc “chạy thi” trở thành phổ biến?
Nếu có một cuộc khảo sát trong dư luận thì có tới 80% người được hỏi sẽ cho rằng trúng tuyển công chức nhờ chạy chọt, chỉ có 20% run rủi may mắn không phải chạy mà vẫn được vào. Trong số may mắn đó, phải kể tới số giỏi xuất sắc khi làm bài ai xem cũng phải chấm điểm cao, không ai có thể gạt họ ra ngoài. Còn những trường hợp nhập nhằng ở điểm 5,6,7… thì rất khó có thể vào được nếu không chạy. Muốn chạy thì phải chạy từ trước bởi quy trình thi công chức rất nghiêm ngặt, không ai có thể sửa điểm và cũng không ai dại gì mà làm điều đó. Tuy nhiên, khi duyệt kết quả thì lại rất khó để giám sát bởi một người chấm thi nhưng người vào biểu điểm duyệt lần cuối lại là người khác…
Có ý kiến cho rằng ngành nội vụ đã quá ôm đồm khâu tuyển dụng nên đã tạo nhiều kẽ hở trong quản lý?
Không thể nói như vậy, ngành nội vụ quản lý công chức thì họ phải đứng ra tuyển dụng là điều đương nhiên, các nước trên thế giới cũng làm vậy. Vấn đề ở đây, là người thực hiện quy trình không “sáng”, không “trong” vẫn nghĩ cách trục lợi thì kiểu gì cũng nghĩ được cách kiếm tiền, không muộn thì làm chậm, có lại bảo thành không….
Tôi đã từng nghe tới những con số chạy công chức nhiều tới nỗi ngạc nhiên, không thể tưởng tượng được, nhất là ở những vị trí tại ngành nhạy cảm như thanh tra, tòa án, thuế….
Vậy tới bao giờ tình trạng chạy chức, chạy quyền mới chấm dứt?
Cái khó ở chỗ ai cũng biết nhưng không ai dám nói rõ ràng. Cũng vấn đề này, 10 năm trước nếu đưa ra chỉ trả lời như thế và 10 năm sau câu trả lời cũng vậy, không có gì mới.
Khi cải cách bị chững lại, người ta ví như thân con lợn. Cái đầu ngoe nguẩy muốn làm, cái đuôi cũng ngoe nguẩy muốn làm nhưng thân con lợn lại nặng quá không làm được… Nghĩa là nhiều khi lãnh đạo cũng muốn làm, nhân dân cũng muốn làm nhưng bộ máy sùng sình ở giữa thì không muốn hoặc chậm chạp miễn cưỡng làm. Người ta sẽ đặt câu hỏi cho mình: Tôi đang ở vị trí này khi cải cách, liệu năng lực tôi có đáp ứng được không, con đường thăng tiến của tôi liệu có ảnh hưởng, quyền lợi của tôi còn có đươc như bây giờ hay không?
Nếu người lãnh đạo sáng suốt sẽ nhìn ra ngay để thay chuyển cán bộ không đạt nhưng một khi chính bản thân họ cũng muốn sử dụng đội ngũ kém phẩm chất để còn có người đưa tiền cho mình thì hỏng, bộ máy coi như vứt đi. Như vậy, dù có “thay máu” cũng không giải quyết vấn đề. Khi không có kỷ cương chặt chẽ, từ cấp lãnh đạo tới công chức bình thường không còn chuyện nể nang…thì vòng luẩn quẩn tuyển dụng công chức mới có thể chấm dứt.
Xin cảm ơn ông!