Ngán ngẩm du khách Trung Quốc

Sang du lịch đông nhưng chi tiêu hà tiện lại ý thức rất kém, khách Trung Quốc gây nhiều phiền toái cho các địa phương ở nước ta

Tại TP Đà Nẵng và TP Hội An (tỉnh Quảng Nam), trong 2 năm gần đây, lượng du khách Trung Quốc (TQ) tăng đột biến.

Lợi ít, phức tạp nhiều

Bãi biển Mỹ Khê - một bãi biển đẹp bậc nhất ở Đà Nẵng - những ngày này đông nghịt khách TQ. Gần đó, các tuyến đường ven biển như Hoàng Sa, Trường Sa, Võ Nguyên Giáp (thuộc quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn) đã trở thành “phố TQ” đúng nghĩa bởi hàng loạt nhà hàng, khách sạn treo biển bằng tiếng Hoa, chuyên phục vụ cho người Hoa. Đa số họ đến Đà Nẵng để du lịch; nhiều người làm việc trong sòng bạc, thậm chí làm chủ các nhà hàng, khách sạn.

Ngán ngẩm du khách Trung Quốc - 1

Một nhóm du khách Trung Quốc tại bãi biển Mỹ Khê (Đà Nẵng) Ảnh: TRẦN THƯỜNG

Cụm khách sạn ven biển Mỹ Khê thường là nơi nghỉ ngơi đầu tiên của họ trước khi đi tham quan đèo Hải Vân, chùa Linh Ứng, Bà Nà và phố cổ Hội An. Cả ngày, họ đi tham quan, tối về tập trung ở nơi lưu trú nên các tuyến “phố TQ” luôn nhộn nhịp về đêm. Dù ở các bãi biển Đà Nẵng, người TQ nhiều hơn dân địa phương nhưng họ đi theo những tour đặt sẵn của các khách sạn do người TQ làm chủ nên chi tiêu rất ít, người Việt chẳng được lợi gì.

Ông Huỳnh Cự, Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn, cho biết trong năm 2015, quận có 125.043 lượt người nước ngoài đến TP để du lịch, học tập…, trong đó, lượt khách mang quốc tịch TQ là 59.175, chiếm 49% lượt khách nước ngoài đến địa bàn. Trong số 435 người nước ngoài lao động trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn thì trong đó có đến 239 người TQ. “Tình trạng người nước ngoài trong đó có đông người TQ đến du lịch, sinh sống, làm việc khiến tình hình an ninh - trật tự có phần phức tạp. Năm 2015, chính quyền quận Ngũ Hành Sơn đã xử lý 13 vụ việc liên quan đến người TQ” - ông Cự nói.

Đáng chú ý, theo ông Cự: “Nhiều người TQ dùng visa du lịch để nhập cảnh Đà Nẵng rồi trốn ở lại làm việc. Chúng tôi tiến hành kiểm tra, rà soát và phát hiện 64 trường hợp như vậy. Họ đi du lịch nhưng trốn làm công nhân xây dựng”. Tuy nhiên, vì thiếu thẩm quyền nên quận đề nghị cơ quan chuyên trách của TP tăng cường phối hợp với địa phương quản lý các dự án kinh tế, trung tâm dịch vụ - du lịch có yếu tố người nước ngoài; chú trọng việc quản lý xuất nhập cảnh đối với lao động người nước ngoài, giải quyết triệt để tình trạng nhập cảnh lao động trái phép của người nước ngoài tại địa phương.

“Tàu” đến, “Tây” đi

Ở TP Hội An (tỉnh Quảng Nam), lượng khách TQ nhiều xếp thứ tư trong số các nước đến đây du lịch nhưng với người dân phố cổ vốn quen cuộc sống yên bình, khách TQ đã trở thành nỗi ám ảnh. Ông Nguyễn Quang Hùng, chủ tiệm vải trên đường Nguyễn Duy Hiệu, phàn nàn: “Rất dễ nhận ra khách TQ so với khách các nước khác bởi họ luôn “cái miệng đi trước”. Ồn ào lắm, ăn uống, xả rác khắp nơi. Thấy khách TQ vào cửa hàng là tôi ngán ngẩm vì hiếm khi mua nhưng lại lật tung mọi thứ lên. Khách phương Tây hễ thấy người TQ vào là bỏ đi luôn. Nhiều lúc tức lắm nhưng vì phải luôn thể hiện sự văn minh nên mình đành chịu đựng…”.

Người đại diện Hội quán Triều Châu trên đường Nguyễn Duy Hiệu cũng cho biết khách TQ thường mang thức ăn vào đây ăn uống và nói chuyện, trêu đùa mất trật tự khiến du khách các nước khác khó chịu. Khách “Tây” luôn muốn không gian tĩnh lặng để tìm hiểu, trải nghiệm còn khách TQ thì chỉ “cưỡi ngựa xem hoa”.

Bà Lê Thị Châu Trinh, Trưởng Phòng Quản lý lưu trú Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, cho biết lâu nay, thị trường khách du lịch trọng điểm của tỉnh Quảng Nam là các nước châu Âu nhưng hiện nay, khách châu Âu đang giảm mạnh. Tỉnh đang tập trung khai thác khách ở các thị trường gần nhưng đã thống nhất quan điểm là không tập trung vào khách TQ. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp chê khách TQ chi tiêu hà tiện, ý thức quá kém. “Họ đi đến đâu cũng rất xô bồ, ồn ào. Khách Âu, Mỹ đi cả đoàn 50 người rất yên lặng nhưng chỉ vài khách TQ là nói vang cả vùng! Khi thuê khách sạn, họ muốn xài “cho lại vốn” nên khiến các khách sạn rất nhanh xuống cấp. Vì thế, địa phương không mặn mà tiếp đón” - bà Trinh lý giải.

Và cũng chính vì vậy mà ở các điểm du lịch có đông khách TQ thì khách châu Âu lại vắng. Về lâu dài, điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng du lịch chung của di sản Hội An.

Làm hướng dẫn viên “chui”

Bà Lê Thị Châu Trinh cho biết hiện nay ở Quảng Nam, lượng hướng dẫn viên (HDV) biết tiếng Hoa khá ít, không đáp ứng nhu cầu nên có tình trạng người TQ làm HDV “chui”. Theo anh Nguyễn Hữu N. - HDV du lịch tiếng Hoa ở Hội An - mới đây, một công ty ở Đà Nẵng đã “tuyển” 20 người TQ sang, chuyên làm HDV cho khách TQ. Để qua mặt cơ quan chức năng, công ty này thường thuê một HDV người Việt Nam với chi phí 30 USD/ngày để đi theo đoàn nhưng chỉ làm nhiệm vụ dẫn đường, đặt nhà hàng, mua đồ ăn uống chứ không được hướng dẫn. “Kiểu làm ăn như vậy ảnh hưởng lớn đến việc làm của lực lượng HDV chân chính. Hơn nữa, các HDV “chui” thường không nắm kỹ về các di tích, danh thắng nên sẽ thông tin sai lệch, ảnh hưởng xấu đến văn hóa - lịch sử nước ta” - anh N. lo ngại.

Quảng Ninh: Nhiều tiệm chỉ bán hàng cho khách Trung Quốc

Gần đây, tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, xuất hiện ít nhất 3 điểm chỉ bán hàng cho khách đã được các công ty du lịch đặt tour trước, thực tế là chỉ bán cho khách TQ. Những điểm bán hàng này gần như chỉ mở cửa khi xe đưa khách TQ đến, đồng thời thẳng thừng từ chối đón khách không phải do các đơn vị lữ hành quen biết dẫn tới. Để bán được hàng, có điểm đã sử dụng người TQ giới thiệu sản phẩm theo cách phóng đại sự thật nhằm tạo sự hấp dẫn.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, những cửa hàng này chủ yếu bán nông sản và các loại sản phẩm làm từ mủ cao su như gối, đệm…

Tr.Đức

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bích Vân - Trần Thường (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN