Ngắm chữ của cô giáo đoạt giải nhất viết đẹp
Những con chữ tròn trịa, nét đậm rõ ràng dứt khoát, nét thanh bay bổng mềm mại của cô khiến người xem trầm trồ thán phục. Tài viết chữ đẹp của cô nổi danh khắp thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh.
Cô Địch Hồng Yến (35 tuổi, giáo viên trường Tiểu học Tân Hồng, Từ Sơn, Bắc Ninh) chính là tác giả của bài thi chữ đẹp “Cây gạo” lan truyền trên mạng cách đây không lâu. Chữ của cô đã giành giải nhất cuộc thi viết chữ đẹp thị xã Từ Sơn năm 2013 – 2014.
Bức ảnh chụp bài thi đưa lên facebook đã nhận được hàng nghìn bình luận bày tỏ sự ngưỡng mộ bởi nét chữ đẹp không tưởng.
Bàì dự thi Cây gạo đạt giải nhất cuộc thi chữ đẹp 2013 – 2014
Người viết bằng khen cho cả xã
Nét chữ đẹp như in với màu mực tím viết trên vở ô li của cô Yến từng khiến nhiều người lầm tưởng đó là bài viết chính tả của học sinh cấp 1. Nhưng đó là chữ cô Yến, người nhiều năm liền đạt giải trong các cuộc thi chữ đẹp.
Cô giáo Địch Hồng Yến nắn nót từng nét bút
Chữ cô Yến đẹp đến nỗi, thôn xã cần viết giấy tờ, chứng chỉ nào quan trọng đều phải đến nhờ cô. Từ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bằng khen của hội nông dân, hội phụ nữ, cựu chiến binh… đến giấy khen tặng học sinh, hầu như đều có chữ viết của cô Yến.
Chúng tôi hỏi, chắc là đối với nhiều người, những tấm giấy ấy trở nên giá trị hơn khi được người viết chữ đẹp nổi tiếng ở vùng “thả” mực? Cô Yến chỉ cười. Mà có điều lạ, cô Yến coi việc viết đó như là thú vui chứ không hề đòi khoản thù lao nào.
Nét chữ trong sáng, trẻ trung dường như cũng hợp với dáng vẻ con người của cô Yến. Nhìn bề ngoài và cách nói chuyện, chúng tôi không nghĩ rằng, cô đã ở tuổi 35.
Cô Yến về dạy ở Trường tiểu học Tân Hồng đã gần 14 năm. 14 năm cô say sưa với công việc luyện chữ cho học trò. Cô cho rằng, giai đoạn học tiểu học là lúc định hình phong cách, nét chữ của mỗi người.
“Nét chữ cũng là nết người. Rèn chữ cho trẻ cũng là rèn tính kiên trì, nhẫn nại.” - Cô Yến tâm sự.
Cô Yến coi việc rèn chữ là một triết lý sống. Chữ viết cũng như con người, lúc phải mạnh mẽ, cứng cỏi, khi lại cần mềm dẻo, linh hoạt. Ví như con chữ kia, nét sổ thẳng phải đậm dứt khoát. Nét hất, nét vòng lại phải mềm mại, phóng khoáng. Đối với cô Yến, mỗi lần luyện viết chữ cô cảm thấy mình điềm tĩnh và nhẹ nhõm hơn.
“Đôi khi nhìn lại những con chữ mình viết cũng thấy vui vui mà ngộ nghĩnh.” – Cô Yến cười.
Nét chữ của cô Yến
Chọn bút viết cũng tỉ mỉ
Để luyện chữ đẹp, người viết phải tập trung cao độ. Bút viết phải chậm, tỉ mỉ từng đường nét. Người thích luyện chữ phải biết chọn loại bút có ngòi được mài tỉ mỉ bằng giấy ráp nước. Với bút đạt độ chuẩn, khi tỳ xuống sẽ đạt nét đậm, đưa lên lại hiện nét thanh. Đường bút trơn đều, không gợn, không vấp.
Cô Yến bảo, người kỹ tính còn phải tôi ngòi bút qua lửa cho mềm. Khi viết, tay có cảm giác rất êm, thoải mái phóng bút.
Nhiều người viết đẹp đều ngả mũ chịu thua chữ cô Yến. Một số trung tâm luyện chữ đẹp còn thừa nhận chữ cô Yến đã đạt đến mức “hoàn hảo”. Cô Yến luôn mang bên mình 5 cây bút máy. Giờ lên lớp hay ở nhà, lúc nào cảm thấy hứng thú, cô Yến lại mang bút vở ra luyện chữ.
Trường tiểu học Tân Hồng, nơi cô giảng dạy có phong trào luyện chữ đẹp nhiều năm nay. Tổ giáo viên luyện chữ đẹp hiện có hơn 10 người.
Không chỉ viết bay bổng trên giấy, chữ viết của cô Yến còn thể hiện qua các bài giảng
Vài ba năm một lần, thị xã Từ Sơn hoặc tỉnh Bắc Ninh lại tổ chức thi vở sạch chữ đẹp. Mỗi lần đem chữ đi so tài cao thấp, cô Yến luôn dành thời gian tập luyện trước cả tháng trời. Thầy cô giáo trong trường cũng hướng niềm hy vọng vào cô. Họ tập hợp hàng trăm chiếc bút cho cô chọn lựa luyện tập.
Cuộc thi luôn hội tụ “cao thủ” viết chữ đẹp có tiếng, nhưng cô Yến đã chiến thắng rất nhiều lần. Luyện chữ luôn đòi hỏi sự tĩnh tâm. Nhưng khi ngồi các cao thủ ngồi “đấu chữ” với nhau, áp lực lại càng lớn. Chỉ cần một chút dao động, đường bút đi sai ngay lập tức. Hỏng một chữ là hỏng cả bài thi.
Cô Yến bật cười khi nhớ lại một lần thi viết chữ cách đây nhiều năm. Lúc chị nộp bài, các giám khảo cười ồ lên trước những con chữ tròn trĩnh, trong sáng như của học sinh tiểu học. Họ không tin nổi đây là chữ của một cô giáo đã 35 tuổi.
Thời gian không làm tay bút của cô giảm nét trẻ trung mà càng thêm phần đầy đặn, thanh thoát.
Ngắm nhìn nét chữ của cô Yến trong một số trang viết khác:
Bí quyết viết chữ đẹp của cô giáo Địch Hồng Yến Kĩ năng viết các nét khuyết và nét móc rất khó trong quá trình rèn chữ, người mới tập nên bắt đầu từ nét đơn. Để viết chữ đẹp, ngoài kỹ năng, bút, mực và giấy cũng rất quan trọng. Khi ngồi viết, khoảng cách từ mắt tới vở khoảng 25 – 30cm, cầm bút xuôi theo chiều ngồi. Tay đưa bút từ trái qua phải, từ trên xuống dưới. Nét đưa lên và sang ngang thường nhẹ nhàng. Nét thẳng, trên xuống thường đậm nên phải dứt khoát. |
_____________________
Mời độc giả đón đọc kỳ tiếp theo: Truyền nhân cuối cùng của nghề viết bằng khen
vào 10h00 ngày 13/8
Bạn tự tin với nét chữ của mình? Hãy chép một đoạn thơ hoặc văn xuôi 500 chữ và gửi hình ảnh nét chữ của bạn kèm thông tin liên lạc cho chúng tôi theo địa chỉ email khamphachudep@gmail.com. Những chữ viết đẹp nhất sẽ được chia sẻ để độc giả cùng chiêm ngưỡng. |