Ngắm cây cầu hơn 500 tuổi, dáng tựa rồng bay trên đất Thành Nam
Cầu Ngói chợ Lương (Nam Định) là một trong những cây cầu cổ xưa, tồn tại hơn 500 năm. Vẻ đẹp mộc mạc, cổ kính của câu cầu làm say đắm bất kì du khách nào đi qua.
Cầu Ngói chợ Lương (xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) là một trong những cây cầu cổ có tuổi đời hàng trăm năm. Cầu vừa là công trình giao thông, vừa là công trình văn hóa cộng đồng của làng xã, nơi dân làng dừng chân nghỉ ngơi, trò chuyện mỗi khi đi chợ, đi chùa hay đi xa về.
Ông Nguyễn Thanh Tiêu, Ban quản lý Quần thể di tích lịch sử cầu Ngói chợ Lương cho biết, cầu được xây dựng từ cuối thế kỷ thứ 15. Cây cầu là niềm tự hào của người dân nơi đây cũng như của tỉnh Nam Định. “Cầu Ngói chợ Lương là một trong 3 cây cầu cổ và đẹp nhất Việt Nam cùng với cầu ngói Thanh Toàn xứ Huế và chùa Cầu phố cổ Hội An”.
“Cầu được xây dựng và hình thành năm 1485 và làm theo kiểu Thượng gia hạ kiều - trên là nhà, dưới là sông. Lúc đầu cầu được làm đơn giản, mái lợp cói, năm 1634 – 1684 cầu được sửa lại và lợp ngói. Cầu còn trải qua hai đợt trùng tu lớn vào các năm 1922 và 2011 nhưng vẫn giữ được phong cách kiến trúc ban đầu", ông Tiêu cho biết thêm.
Cầu Ngói chợ Lương có kiến kiến trúc cong hình rồng, vẻ đẹp cổ kính khiến khách lạ đến đây vừa ngạc nhiên vừa tò mò. “Gia đình tôi từ Ninh Bình đi thăm người thân qua đây, thấy cây cầu cổ kính và đẹp quá nên dừng chân ngắm, chụp ảnh làm kỉ niệm. Tôi đã thấy hình ảnh cây cầu này trên các phương tiện truyền thông nhưng được tận mắt chứng kiến mới thấy hết vẻ đẹp cũng như sự tài hoa của những người thợ thành Nam xưa”, ông Lê Văn Long (67 tuổi, Gia Viễn, Ninh Bình) chia sẻ.
Để tránh cho cây cầu bị hư hại, người ta đã dựng ở bên cạnh một cây cầu đá để mọi người đi lại. Nhưng những người đi bộ qua đây hầu hết không qua cây cầu mới mà muốn bước đi trên cây cầu cổ.
Chân cầu là 18 cột đá vuông. Phía trên cột đá là hệ thống xà ngang, xà dọc bằng gỗ lim to, chắc để đỡ phần nhà gồm 9 gian phía trên.
Hệ thống khung mái cầu được làm bằng gỗ theo kĩ thuật làm nhà truyền thống. Các vì kèo được ghép với nhau chắc chắn bằng mộng (thợ mộc khi ghép gỗ không dùng đinh sắt mà đục một bên lồi, một bên lõm, rồi đóng khít vào nhau).
Phần mộc của Cầu ngói chợ Lương tuy không cầu kì nhưng thể hiện rất rõ lối kiến trúc thuần Việt
Đáng chú ý nhất là hình tượng cuốn thư trên hàng trụ, dưới là cửa cuốn. Cuốn thư tạo dáng mềm, đề 4 chữ “Quần Phương xã kiều” - tức cầu xã Quần Phương
Với những giá trị độc đáo về kiến trúc nghệ thuật, cầu Ngói chợ Lương đã được nhà nước công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa Quốc gia năm 1990.
Nguồn: [Link nguồn]