Ngắm cao tốc hơn 12.000 tỷ đồng giúp rút ngắn một nửa thời gian từ TP.HCM đi Phan Thiết
Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết dài gần 100km đang dần được hình thành trước thời điểm thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2022.
Dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết dài 99km, đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận, khởi công tháng 9/2020, tổng chi phí hơn 12.500 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành cuối năm 2022.
Đến tháng 11/2022, đoạn đầu cao tốc kết nối với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thuộc huyện Thống Nhất (Đồng Nai) đã hình thành các nhánh đường ra vào giữa hai cao tốc. Trong đó hai nhánh cầu vượt băng qua cao tốc cũ đã được thi công xong phần cầu. Đây là nút giao quan trọng trong tổng số 6 nút của cao tốc này.
Phần cao tốc đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai dài khoảng 52km, nhiều đoạn đã được trải thảm nhựa. Theo thiết kế, tuyến cao tốc này có chiều rộng mặt đường hơn 32m, quy mô 6 làn xe, vận tốc 120km/h.
Toàn tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết có 65 cầu, trong đó có 18 cầu trên cao tốc và 47 cầu vượt băng qua.
Nhiều cầu vượt dân sinh băng qua cao tốc được thi công cơ bản, một số chưa được trải nhựa.
Cao tốc đi qua khu vực rừng cao su trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ, TP Long Khánh (Đồng Nai), nơi có nền đất đỏ khá mềm, nhà thầu phải vận chuyển đất từ nơi khác để đắp nền. Ngoài các đoạn đã được trải nhựa, một đoạn khác trên địa phận Đồng Nai vẫn đang được thi công đắp nền đường, công trường nhiều chỗ vẫn đang ngổn ngang.
Những ngày cuối tháng 11/2022, công trường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết có nhiều máy móc, xe chuyên dụng cùng công nhân các gói thầu được huy động tối đa, đẩy nhanh tiến độ để thông xe kỹ thuật vào cuối tháng 12/2022.
Công trường nhộn nhịp công nhân điều khiển máy trải đá nền, phía sau nhiều xe lu nền hoạt động, chuẩn bị cho công tác trải thảm nhựa.
Xe ben tấp nập ra vào vận chuyển đất, đá từ khu mỏ kế bên công trường cao tốc. Thời gian qua, những khó khăn về nguồn vật liệu đắp nền đường, thời tiết bất lợi, dịch Covid-19, mặt bằng… khiến đoạn cao tốc này bị chậm tiến độ.
Đoạn dài tuyến cao tốc băng qua cánh đồng, hướng từ huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) đi Bình Thuận hiện đang trong giai đoạn trải đá, thi công mặt đường.
Cao tốc khi hoàn thành sẽ rút ngắn hành trình từ TP.HCM đến trung tâm du lịch Phan Thiết - Mũi Né còn 2-2,5 tiếng thay vì 4-5 tiếng đi trên quốc lộ 1. Đoạn cao tốc cũng góp phần kết nối sân bay Long Thành, tạo nên trục giao thông liền mạch giữa TP.HCM - Long Thành - Phan Thiết.
Nguồn: [Link nguồn]