Ngắm âu tàu Rạch Chanh lớn bậc nhất Đông Nam Á vận hành trong mùa hạn mặn
Âu tàu Rạch Chanh với thiết kế hiện đại, lớn bậc nhất Đông Nam Á giúp ngăn mặn, trữ ngọt liên tỉnh Long An và Tiền Giang.
Âu tàu Rạch Chanh, TP Tân An, tỉnh Long An hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 2016 đã tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông vận tải đường thủy nội địa, rút ngắn quãng đường 50 km (khoảng 6 - 8 tiếng) di chuyển từ TP.HCM đi các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Video: Ngắm âu tàu Rạch Chanh lớn bậc nhất Đông Nam Á vận hành trong mùa hạn mặn.
Ngoài ra, âu tàu còn có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xả lũ vào mùa mưa, ngăn mặn trong mùa khô, điều tiết nước ngọt vùng Đồng Tháp Mười.
Công trình âu tàu Rạch Chanh được xây dựng rất hiện đại có tổng mức đầu tư 650 tỉ đồng. Đây là âu tàu lớn bậc nhất khu vực Đông Nam Á, đưa vào sử dụng năm 2016, tạo thuận lợi cho giao thông đường thủy từ TP.HCM đi các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Âu tàu Rạch Chanh được đầu tư với quy mô hiện đại, buồng âu dài 140 m, rộng 19,5 m. Cầu vượt âu Rạch Chanh được xây dựng bằng bê tông cốt thép bề rộng 11,5 m, khoang thông thuyền 6,5 x 30 m.
Âu tàu Rạch Chanh có thiết kế công suất vận chuyển từ 130.000-150.000 phương tiện qua lại trong 1 năm. Tải trọng hàng hóa qua âu tàu đạt trên 6 triệu tấn hàng hóa trong 1 năm.
Ông Võ Hoàng Trung Hiếu, Phó giám đốc âu tàu Rạch Chanh cho biết: “Hiện đang vào thời điểm hạn mặn xâm nhập, có những cống dọc theo tuyến sông Vàm Cỏ Tây đóng lại ngăn chặn nước mặn xâm nên lưu lượng tàu qua âu nhiều hơn so với trước đây. Trung bình 1 ngày, âu tàu Rạch Chanh phục vụ khoảng 60 đến 90 phương tiện tàu, tăng khoảng 10% so với thời điểm nước mặn chưa về. Thuyền qua lại đa số là các phương tiện chuyên chở hàng hóa, nông sản và vật liệu xây dựng từ các tỉnh miền Tây đi TP.HCM và ngược lại."
Âu tàu Rạch Chanh có 27 nhân sự chia làm 3 ca, hoạt động 24/24.Từ năm 2016 đến nay, âu tàu Rạch Chanh đã phục vụ cho khoảng hơn 93.000 lượt phương tiện.
Thời gian thực hiện quy trình đóng mở cho các tàu qua lại từ 45 phút đến 1 giờ. Tuy nhiên, đây không phải là quy trình bắt buộc mà việc vận hành âu tàu còn dựa trên thực tế số lượng tàu, thuyền để bảo đảm các phương tiện qua lại được thuận lợi nhất.
Quy trình vận hành của âu tàu khi cửa âu mở ra mực nước bên trong và ngoài âu cân bằng, lực lượng nhân viên âu tàu sẽ hướng dẫn các phương tiện di chuyển vào trong âu neo đậu.
Cho tàu chở lúa 60 tấn lúa vào đậu trong âu, ông Nguyễn Văn Thanh (52 tuổi, quê Bến Tre) chia sẻ: “Tôi chở lúa thuê từ huyện Đức Huệ, Long An về huyện Cái Bè của Tiền Giang. Đây là lần đầu tiên tôi cho tàu của mình qua âu. Việc lưu thông qua đây rất thuận lợi và nhanh chóng, công trình này rất quy mô và hiện đại, giúp việc từ TP.HCM đi về các tỉnh miền Tây rút ngắn rất nhiều”.
Sau khi vào trong âu, các tàu, thuyền sẽ neo đậu để cân bằng mực nước giữa bên trong và ngoài rồi mới tiếp tục lưu thông ra khỏi âu.
Các ghe tàu sẽ từ hướng miền Tây (cửa số 1) di chuyển vào khu vực neo đậu để chuẩn bị đi TP.HCM (cửa số 2). Quy trình này sau đó được lặp lại để các ghe tàu từ hướng TPHCM đi các tỉnh miền Tây.
Cứ như vậy, lần lượt các phương tiện sẽ được lưu thông qua âu một cách nhịp nhàng, tránh tình trạng xâm nhập mặn làm ảnh hưởng đến mùa màng.
Những năm qua, âu tàu Rạch Chanh vận hành hiệu quả cao đã giúp ngăn mặn, trữ ngọt. Âu tàu hoạt động miễn phí cho phương tiện lưu thông qua đây.
Thông tin từ Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi Long An, hiện độ mặn trên sông Vàm Cỏ Tây là 1,0 g/l, xâm nhập sâu đến cống Bà Hai Màng, xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa, cách cửa sông Soài Rạp gần 80km. Nhờ có âu tàu Rạch Chanh đã ngăn được khoảng 10.000 ha lúa Đông Xuân và hàng chục ngàn hecta nông sản của huyện Tân Phước, Tiền Giang không bị ảnh hưởng
Diện tích rau màu và lúa Đông Xuân ở xã Mỹ Phú (huyện Thủ Thừa, Long An) không bị xâm nhập mặn đang vào bước vào vụ thu hoạch.
Nếu tiến độ thì đến khoảng tháng 2-2024, dự án sẽ thi công xong và vận hành thử nghiệm, đến tháng 5 sẽ bàn giao cho TP.
Nguồn: [Link nguồn]