Ngã vào xô nước, bé 17 tháng tuổi chết thương tâm
Khi vào viện cháu bé đã ngừng thở, ngừng tim, giãn đồng tử, suy mạch, hôn mê sâu.
Kiểm tra đường thở là một bước quan trọng trong sơ cứu trẻ bị đuối nước
Ngày 8/3, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận một bệnh nhi 17 tháng tuổi (ở Bình Chánh – TPHCM), trong tình trạng bị ngạt nước.
Khi vào viện cháu bé đã ngừng thở, ngừng tim, giãn đồng tử, suy mạch, hôn mê sâu… Dù các bác sĩ tận tình cứu chữa, nhưng do thời gian ngưng tim quá lâu, bé đã chết não và tử vong sau đó.
BS Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết, theo người nhà cháu bé, trong lúc người lớn không để ý, bé đã đi vòng ra phía sau nhà, thấy xô nước để đó, do tò mò nên cố với lên và bị chúi đầu vào phía trong.
Sau khi không thấy con, gia đình mới chạy vòng quanh nhà tìm, khi vớt lên khỏi xô nước thì cháu bé đã tím tái. Ngay lập tức gia đình đưa bé đi cấp cứu, quên làm các biện pháp sơ cứu ban đầu.
Sau 10 phút thì bé chết não. Cho dù cứu được bé thì rất nhiều khả năng bé phải sống thực vật. Trường hợp của bé 17 tháng trên, gia đình cũng không biết cách sơ cứu ban đầu nên khi đến viện bé đã ngưng thở và tử vong.
Theo BS Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, những ca cấp cứu như trường hợp cháu bé 17 tháng tuổi trên không phải là hiếm gặp.
Những trẻ khoảng hơn 1 tuổi, đang ở giai đoạn bò, tập đi thường rất thích nghịch nước. Với những chậu, lu nước đầy thì trẻ ít bị ngạt nước nhưng với những chậu nước ít, trẻ thường chúi đầu vào chơi nên dễ té ngã vào trong, dẫn tới tai nạn thương tâm.
BS Phương khuyến cáo,những gia đình có trẻ nhỏ ở giai đoạn mới biết bò, biết đi, phụ huynh phải giám sát không rời trẻ. Lu, xô, chậu trong nhà phải nằm khu cách ly, trẻ không tiếp cận được để tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Trẻ bị đuối nước cần sơ cứu qua 4 bước sau: Bước 1 Khai thông đường thở: Dùng gạc hay khăn vải móc đất, bùn, đờm dãi (nếu có) ra khỏi miệng để thông thoát đường thở vùng miệng trẻ. Bước 2 Kiểm tra sự thở: Người cứu nạn áp tai mình vào mũi trẻ đồng thời mắt nhìn quan sát sự di động của lồng ngực để kiểm tra trẻ còn thở hay không. Nếu trẻ còn tự thở (nghe được hơi thở và thấy sự di động của lồng ngực) đặt trẻ ở tư thế nằm nghiêng an toàn để chất nôn dễ thoát ra ngoài nếu nạn nhân nôn ói. Nếu không nghe thấy hơi thở, lồng ngực không di động, tức nạn nhân ngừng thở, hãy tiến hành ngay hồi sinh tim phổi (thổi ngạt và ép tim) cho nạn nhân. Bước 3 Hồi sinh tim phổi: Người sơ cứu dùng 2 ngón tay bịt chặt mũi trẻ lại, áp miệng vào miệng trẻ thổi vào trong khoảng 2 giây, thổi 2 lần liên tiếp. Sau đó nhanh chóng tiến hành ép tim ngoài lồng ngực ở 1/3 dưới của xương ức. Đối với trẻ tử 1 đến 8 tuổi, dùng một tay ấn sâu 3-4 cm; trẻ từ 0-12 tháng tuổi dùng 2 ngón tay sâu xuống 1- 2 cm. Bước 4 Nhanh chóng chuyển đến cơ sở y tế: Ngay cả khi nạn nhân có vẻ như bình thường hoặc đã hồi phục hoàn toàn sau sơ cứu, vì nguy cơ khó thở thứ phát có thể xảy ra vài giờ sau ngạt nước. Trong quá trình vận chuyển phải tiếp tục các biện pháp sơ cứu (nếu cần) và đảm bảo sưởi ấm hoặc ủ ấm cho nạn nhân. |
>>XEM THÊM |