Nga tìm cách bắt tay chặt hơn với Trung Quốc
Nga đang tìm kiếm sự cảm thông của TQ trước nguy cơ bị phương Tây cô lập.
Trong khi Nga ngày càng bị phương Tây cô lập về vấn đề Ukraine, Tổng thống Vladimir Putin đang hy vọng sẽ tìm được sự cảm thông của Trung Quốc trong chuyến thăm nước này vào tuần tới trong bối cảnh Trung Quốc cũng đang bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ về cách hành xử hung hăng, ngang ngược trên Biển Đông.
Thời gian gần đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã công khai nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ với Nga, và Moscow chính là nơi ông này đến thăm đầu tiên sau khi nhậm chức. Ông Tập cũng đã tới tham dự Thế vận hội Mùa Đông tổ chức tại Sochi theo lời mời của ông Putin.
Mặc dù hai nước đã có nhiều quan điểm chung về các vấn đề quốc tế, trong đó có cuộc xung đột ở Syria và thưởng ủng hộ nhau tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, song Trung Quốc dường như vẫn chưa sẵn sàng ủng hộ Nga hết mình trong vấn đề Ukraine.
Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Putin trong một cuộc gặp
Bắc Kinh đã tỏ ra thận trọng trước cuộc khủng hoảng này khi vừa không muốn làm phật ý một đồng minh chủ chốt, vừa không đưa ra bất cứ bình luận trực tiếp nào về cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea tạo tiền đề để Nga sáp nhập bán đảo này với nỗi lo sợ rằng đây có thể là tiền lệ cho nhiều khu vực vẫn đang bất ổn của chính họ như Tân Cương và Tây Tạng.
Trung Quốc đã tuyên bố rằng họ sẽ tiếp tục phát triển quan hệ “hợp tác hữu nghị” với Ukraine và tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia này.
Ông Zhang Deguang, chủ tịch danh dựu của Quỹ Nghiên cứu Quốc tế do Bộ Ngoại giao Trung Quốc tài trợ cho rằng Trung Quốc không muốn vấn đề Ukraine ảnh hưởng đến chuyến thăm hai ngày của ông Putin sẽ bắt đầu vào thứ Ba tuần sau.
Ông Zhang khẳng định: “Mục đích của chuyến thăm này không phải để bàn về vấn đề Ukraine. Đây là một vấn đề phức tạp và Trung Quốc vẫn chưa đứng về bên nào cả.”
Thái độ “nước đôi” này của Trung Quốc thể hiện trong việc nước này chưa công khai thừa nhận chính phủ lâm thời ở Ukraine cũng như kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea.
Chính vì lẽ đó, dường như Nga đang muốn tận dụng chuyến công du lần này của ông Putin để tăng cường quan hệ với Trung Quốc và lôi kéo sự ủng hộ của Bắc Kinh trong bối cảnh phương Tây đe dọa sẽ có những biện pháp trừng phạt nặng nề hơn đối với Moscow trong vấn đề Ukraine.
Nga đang hứng chịu sức ép rất lớn từ phía Mỹ và phương Tây
Chuyên gia Vasily Kashin thuộc tổ chức tư vấn CAST ở Moscow nhận định: “Triển vọng cải thiện quan hệ giữa Nga với phương Tây vẫn đang mù mịt vì vấn đề Ukraine. Nga đang phải đối mặt với sức ép về kinh tế và an ninh cũng như cấm vận. Thế lực kinh tế lớn duy nhất hiện nay không phụ thuộc vào Mỹ và ủng hộ Nga chính là Trung Quốc.”
Theo chuyên gia này, mặc dù chuyến công du này có thể sẽ không khiến Chủ tịch Tập Cận Bình ra mặt ủng hộ Nga trong vấn đề Ukraine song ông Putin vẫn có thể tìm được sự đồng cảm ở Trung Quốc.
Ông Liu Guchang, cựu đại sứ Trung Quốc tại Nga nói: “Tôi cho rằng Putin muốn giành được sự ủng hộ của Trung Quốc trong vấn đề Ukraine. Vì trong vấn đề này, Mỹ và phương Tây đã cùng nhau chống lại Nga. Và mục tiêu của họ không chỉ nhắm vào Nga.”
Ông Liu nói tiếp: “Đây là chiến lược toàn cầu của Mỹ và phương Tây nhằm tạo ra cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Sau khi giải quyết xong với Nga, họ sẽ tìm đến Trung Á và sau đó là Trung Quốc bằng cách sử dụng lá bài Nhật Bản.”
Ông Kashin cho rằng trong chuyến công du sắp tới, ông Putin sẽ bàn bạc với ông Tập về các thỏa thuận vũ khí cũng như các cơ chế ưu đãi cho Bắc Kinh trong mua bán vũ khí, dỡ bỏ các hạn chế về xuất khẩu vũ khí của Nga tới Trung Quốc. Hiện nay nhiều quốc gia phương Tây đã chấm dứt hợp tác quân sự với Nga kể từ khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea.
Kim ngạch thương mại giữa Nga và Trung Quốc đã tăng gấp đôi trong vòng 5 năm qua, đạt mức 89 tỉ USD vào năm 2013, tuy nhiên con số này vẫn chưa bằng 1/5 kim ngạch thương mại giữa Nga với Liên minh châu Âu và nhỏ hơn rất nhiều giao dịch thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ.
Trong chuyến công du này, nhiều khả năng Nga sẽ đạt được thỏa thuận để tập đoàn Gazprom đưa khí đốt tới Trung Quốc, chấm dứt một thập kỷ đàm phán về giá bán khí đốt giữa hai nước.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực khí đốt cho rằng Gazprom có thể sẽ nhượng bộ về giá bán khí đốt cho Trung Quốc. Trước đây, Gazprom đề xuất giá bán là 10-11 USD cho 1 triệu BTU, trong khi giá mua khí đốt của Trung Quốc từ Turkmnistan chỉ là 9 USD/1 triệu BTU.