Nga: Siêu tăng Armata “đi trước phương Tây 20 năm”
Trong tương lai, Armata có khả năng sẽ được tự động hóa hoàn toàn, biến nó thành chiếc xe tăng robot đầu tiên trên thế giới.
Trong lễ duyệt binh kỷ niệm chiến thắng Phát xít vừa qua, Nga đã trình làng một loại vũ khí hoàn toàn mới khiến mọi người phải trầm trồ, đó là chiếc siêu tăng Armata T-14, loại xe tăng được cho là đi trước tất cả các đối thủ của phương Tây tới 20 năm.
Ngày 12.6, phát biểu về loại xe tăng chiến đấu chủ lực mới này, cựu đại tá Viktor Murakhovsky, chuyên gia phân tích của tạp chí quân sự Arsenal Otechestva cho rằng xe tăng Armata thể hiện một khoảng cách lớn về công nghệ quân sự giữa Nga với phương Tây, với chi phí cũng rất khổng lồ.
Xe tăng Armata T-14 là một phần trong chương trình nâng cấp quân sự trị giá hơn 387 tỉ USD, được trang bị các loại vũ khí tối tân nhất cùng tháp pháo điều khiển từ gia và lớp vỏ giáp phản ứng nổ bảo vệ kíp điều khiển bên trong.
Trong tương lai, Armata có khả năng sẽ được tự động hóa hoàn toàn, biến nó thành chiếc xe tăng robot đầu tiên trên thế giới.
Ông Murakhovsky nói: “Tăng Armata đắt hơn rất nhiều so với các mẫu tăng hiện nay, tuy nhiên nó cũng là loại xe tăng đáng đồng tiền bát gạo nhất trong thời điểm hiện tại”.
Theo chuyên gia vũ khí Nga Ilya Demchenko, hệ thống máy tính trên xe tăng Armata thực hiện hầu hết các tính năng kỹ thuật cơ bản, nên kíp điều khiển bên trong chỉ tập trung thực hiện những nhiệm vụ quan trọng nhất. Ông này nói: “Đối với kíp điều khiển, việc vận hành chiếc xe tăng này giống như chơi trò chơi điện tử, và họ chỉ việc thực hiện những động tác cuối cùng và ra quyết định”.
So với các mẫu tăng trước đây của Nga, siêu tăng Armata có khả năng bảo vệ tốt hơn rất nhiều cho kíp điều khiển. Chẳng hạn như xe tăng T-90 được thiết kế với trọng lượng nhẹ, lớp giáp mỏng để có thể di chuyển vô cùng linh hoạt trên chiến trường, nhưng nó cũng rất dễ bị phá hủy bởi các loại vũ khí chống tăng hạng nặng.
Trong khi đó, siêu tăng Armata T-14 có khoảng sáng gầm xe lớn hơn, lớp giáp dày hơn, đặc biệt là khu vực yếu nhất ở phần gầm xe, giúp bảo vệ tính mạng của kíp điều khiển một khi xe tăng bị trúng mìn. Ngoài ra, bên ngoài vỏ xe còn được trang bị lớp giáp nổ và cả các cảm biến hiến đại có thể phát hiện những quả đạn đang phóng tới, sau đó tự động khai hỏa để đánh chặn những quả đạn đó.
Với hệ thống bảo vệ chủ động như vậy, siêu tăng Armata T-14 đã đi trước so với các đối thủ của phương Tây cả một thế hệ, bởi công nghệ này mới chỉ được manh nha hình thành trên một số mẫu tăng của Anh và Mỹ.
Phần tháp pháo của xe tăng Armata cũng được điều khiển từ xa mà không cần có người ngồi bên trong, tăng khả năng sống sót cho kíp điều khiển nếu xe tăng bị trúng đạn. Toàn bộ kíp điều khiển ngày ngồi trong một khoang bọc giáp riêng biệt, ngăn cách hoàn toàn với buồng chứa đạn trong xe tăng.
Trong trường hợp lớp vỏ giáp bên ngoài của xe tăng Armata bị trúng đạn, nó được thiết kế để nổ hướng ra phía ngoài, vô hiệu hóa các thiết bị nổ bắn vào xe tăng, đồng thời ngăn chặn các mảnh đạn xuyên vào bên trong làm thương vong kíp điều khiển.
Các nhà thiết kế xe tăng Armata T-14 còn cho hay khẩu pháo 125 mm của nó có tầm bắn vượt trội hơn xe tăng Challenger 2 của Anh tới gần 6,5 km, và nó có thể được dễ dàng thay thế bằng khẩu pháo 154 mm uy lực hơn nhiều, mặc dù khẩu pháo này “chưa cần thiết trong thời điểm hiện nay”.
Hồi tháng trước, siêu tăng Armata đã có màn trình diễn đầy ấn tượng tại Quảng trường Đỏ, và trở thành một biểu tượng cho sức mạnh quân sự đang hồi sinh của Nga. Ông Dmitry Rogozin, Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách hiện đại hóa vũ khí đã ví nước Nga như một “cỗ Armata lớn” đi trước thời đại từ 15-20 năm.