Nga sẽ đưa quân vào can thiệp ở Ukraine?

Vì sao lo ngại của nhiều chính trị gia Mỹ và phương Tây rằng Nga sẽ đưa quân vào Ukraine để can thiệp là không có cơ sở.

Trong 2 ngày cuối tuần vừa qua, chính trường Ukraine đã chứng kiến những chuyển biến vô cùng mau lẹ và bất ngờ. Hôm thứ Bảy, Tổng thống Viktor Yanukovych bất ngờ rời thủ đô Kiev, và sau đó vài giờ, Quốc hội Ukraine tổ chức phiên họp đặc biệt để phế truất ông này. Sau đó, họ bầu ra một Tổng thống lâm thời mới, người bày tỏ quan điểm thân phương Tây rõ rệt.

Sau khi ông Yanukovych bị Quốc hội phế truất và chính phủ của ông bị giải tán, nhiều người đã tỏ ra lo ngại rằng Nga sẽ đưa quân vào Ukraine để dựng lên một chính phủ thân Moscow, hoặc gây ra một cuộc nội chiến đông-tây Ukraine nhằm ngăn cản nước này hướng về châu Âu.

Tuy nhiên, những lo ngại thiếu căn cứ này không lý giải được những thực tế phức tạp đang diễn ra trong cuộc nổi dậy ở Ukraine hay mối quan hệ không hề dễ dàng giữa ông Yanukovych và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Nga sẽ đưa quân vào can thiệp ở Ukraine? - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Sochi

Khi những người biểu tình đổ xuống các đường phố thủ đô Kiev, Tổng thống Yanukovych đã đứng trước hai lựa chọn vô cùng khó khăn. Thứ nhất là những đòi hỏi của phương Tây buộc Ukraine phải có những động thái cải cách về kinh tế và chính trị để giữ vững quan hệ với EU. Thứ hai là thể hiện sự ủng hộ với Nga để nhận được sự trợ giúp từ Moscow, và để làm được điều đó ông Yanukovych buộc phải trấn áp các cuộc biểu tình và ổn định tình hình trong nước.

Tuy nhiên để đảm bảo an toàn cho cuộc chạy đua vào chiếc ghế tổng thống trong cuộc bầu cử 2015 sắp tới, ông Yanukovych đã không dám có những bước đi quyết liệt để thực hiện những biện pháp mà phương Tây và Nga đưa ra. Và lựa chọn của ông này là chơi bài “nước đôi”.

Ông Eugene Rumer, cựu nhân viên CIA phụ trách khu vực Nga và Á-Âu nhận định: “Yanukovych đã chơi ván bài đi nước đôi giữa Nga với EU và Mỹ khá thuần thục. Thế nên trong mối quan hệ này không hề có sự tin tưởng và tình cảm thực sự.”

Ông nói tiếp: “Rất nhiều người ở Mỹ đang bàn tán về vai trò của Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine, nhưng họ phớt lờ một thực tế rằng Ukraine là một quốc gia độc lập trong suốt 25 năm qua và cuộc khủng hoảng hiện nay chỉ là vấn đề chính trị nội bộ của Ukraine, và người Nga không hề can thiệp gì vào vấn đề đó.”

Tất nhiên Tổng thống Putin có khá nhiều lợi ích ở Ukraine: Việc quan hệ tốt với Ukraine sẽ giữ cho các căn cứ quân sự của NATO và Mỹ xa lãnh thổ Nga hơn một chút, cùng với đó là việc duy trì các tổ hợp công nghiệp đóng tàu và chế tạo máy bay cho Hạm đội Biển Đen của Nga ở quân cảng Sevastopol, cũng như hệ thống đường ống dẫn khí đốt từ Nga tới châu Âu.”  

Không những thế, giáo sư Simon Saradzhyan tại Đại học Harvard cho rằng Putin và các cố vấn của mình coi người Nga, người Ukraine và người Belarusia là một dân tộc, và họ “muốn kéo Ukraine vào quỹ đạo của Moscow.”

Theo giáo sư Saradzhyan, “quy mô dân số và nền kinh tế của Ukraine là một tài sản quý báu đối với khối Liên minh Á-Âu, một liên minh mà ông Putin đã dày công xây dựng.”

Tuy nhiên, ông Dmitri Trenin, Giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow cho rằng Tổng thống Yanukovych “chưa bao giờ là người của Nga.” Ông nói: “Ông là là một đối tác không đáng tin cậy và khó nhằn của Nga, người đã khiến Nga nhiều phen thất vọng, một người không thể hoàn toàn tin tưởng được.”

Nga sẽ đưa quân vào can thiệp ở Ukraine? - 2

Ông Yanukovych đã khiến Nga nhiều phen thất vọng

Theo Trenin, mục tiêu duy nhất của Yanukovych là giữ vững quyền lực và bảo vệ khối tài sản của mình và gia đình. Ông nói: “Yanukovych luôn dao động giữa Nga và châu Âu, và thứ duy nhất trong đầu ông ta là những lợi ích của bản thân. Bởi thế mà từ lâu người Nga đã từ bỏ Yanukovych.”

Đặc sứ của Putin tới Kiev đã từ chối ký vào thỏa thuận cuối cùng giữa Yanukovych và phe đối lập, trong đó Yanukovych đồng ý tổ chức bầu cử sớm và khôi phục bản hiến pháp năm 2004 tước bỏ nhiều quyền lực của tổng thống để trao lại cho Quốc hội.

Ông Trenin nhận định: “Tôi cho rằng điện Kremlin cảm thấy họ bị đối xử lạnh nhạt, và Yanukovych đã phản bội họ. Phản bội có lẽ là một từ quá mạnh, nhưng điều chắc chắn là Yanukovych đã tìm cách ‘chơi’ cả người Nga lẫn châu Âu.”

Putin chắc chắn không vui vẻ gì trước viễn cảnh phải lao vào một cuộc đấu đá với phương Tây để tranh giành Ukraine. Ông Andrew Weiss, chuyên gia cố vấn chính sách phụ trách khu vực Nga và Đông Âu dưới thời Tổng thống Bill Clinton và George W. Bush cho rằng Nga không hề muốn một kịch bản ở Nam Tư lặp lại.

Ông Weiss nói: “Nhiều chính trị gia Mỹ và phương Tây cho rằng ông Putin đã đạo diễn tất cả mọi thứ ở Ukraine. Tuy nhiên, có nhiều lý do để tin rằng Nga cũng cảm thấy sợ hãi không kém Mỹ và châu Âu trước những gì đang diễn ra ở Ukraine.”

Ông Weiss gọi đây là “một thất bại chính trị bốn bên” gồm Ukraine, châu Âu, Nga và Mỹ, khi họ “không muốn tham gia giải quyết mâu thuẫn ngay từ đầu, và sau đó mọi việc bị các chính trị gia và những kẻ ích kỷ thâu tóm vì lợi ích của mình.”

Nga sẽ đưa quân vào can thiệp ở Ukraine? - 3

Cảnh sát Ukraine hòa mình cùng người biểu tình sau khi ông Yanukovych bị phế truất

Trước khi cuộc khủng hoảng xảy ra, Liên minh châu Âu EU đã đề nghị Ukraine ký hiệp ước Đối tác để thúc đẩy hợp tác về kinh tế và chính trị, thế nhưng đây là một thỏa thuận quá dài hơi để giải quyết những vấn đề tài chính trước mắt của Ukraine. Trong tình cảnh đó, Nga đã lập tức nhảy vào bằng một đề xuất trị giá 15 tỉ USD.

Phe đối lập ở Ukraine và nhiều chính trị gia phương Tây kêu gào rằng đây là động thái “tống tiền của Nga”, nhưng nếu như Nga không viện trợ cho Ukraine thì quả bóng sẽ bị đá sang sân nhà của Mỹ và châu Âu, “những người không chịu chi như Kremlin”.

Lúc đó chính phủ của ông Yanukovych đang sắp phải trả khoản nợ hơn 15 tỉ USD trong vòng 2 năm tới. Nếu Nga không chịu chi tiền, rồi sẽ tới lúc Mỹ và EU bị buộc phải đưa ra một hình thức viện trợ khẩn cấp nào đó.

Ông Weiss nhận định: “Tôi không tin rằng EU và Mỹ sẵn sàng chi ra một khoản cứu trợ tài chính lớn cho chính phủ Ukraine, nơi có thành tích cải cách kinh tế tồi tệ, với một hệ thống tiền tệ rất không bền vững...”

Còn ông Trenin giải thích thêm: “Những gì chúng ta được chứng kiến ở Ukraine trong 20 năm độc lập vừa qua là việc các nhà lãnh đạo hầu như không làm được gì để xây dựng một đất nước Ukraine tự lập. Những chia rẽ trong lòng xã hội Ukraine vẫn tồn tại dai dẳng, và nó càng trở nên sâu sắc hơn trong vài tháng vừa qua.”

Theo ông Trenin, việc giữ cho Ukraine thống nhất không chỉ là mong muốn của Mỹ mà còn là một chính sách ưu tiên của Nga. Ông nói: “Nghe thì có vẻ lạ, nhưng việc duy trì thống nhất cho Ukraine cũng là một ưu tiên hàng đầu của ông Putin. Nếu một cuộc nội chiến nổ ra ngay sát nách, nó sẽ vô cùng nguy hiểm cho chính nước Nga.”

Chuyên gia này nhận định: “Tôi không cho rằng Nga sẽ đưa quân vào Ukraine. Trong tương lai gần, nhiều khu vực ở Ukraine sẽ tuyên bố tự trị và tự đưa ra quyết sách đối với nhiều vấn đề. Và việc chính quyền trung ương ở Kiev tìm cách dập tắt những tuyên bố tự trị này sẽ gây ra làn sóng căng thẳng mới ở Ukraine.”

Còn trong hoàn cảnh hiện nay, Kiev vẫn đang bốc cháy, và Ukraine vẫn đang như một mớ bòng bong.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Theo CNN) ([Tên nguồn])
Khủng hoảng chính trị tại Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN