Nga: NATO lợi dụng vấn đề Ukraine để giải quyết việc riêng
Hãng tin RIA Novosti dẫn lời Phó Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Nga Dmitry Polikanov cho hay, NATO đang cố gắng giải quyết các vấn đề riêng của mình bằng cách “lợi dụng” tình hình ở Ukraine và khơi lên “các mối đe dọa từ Nga”.
Ông Polikanov nói: “Bằng cách đề cập tới các mối đe dọa từ Nga và sự cần thiết của việc đảm bảo quốc phòng tập thể, NATO cố gắng củng cố các liên kết xuyên Đại Tây Dương, đồng thời thuyết phục các thành viên châu Âu đầu tư nhiều hơn vào an ninh chung”.
Hôm 30/4, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã kêu gọi các thành viên NATO tăng chi phí đầu tư vào quốc phòng của tổ chức sau khi Ukraine gần như mất quyền kiểm soát ở miền đông, sự kiện được ông gọi là “một cuộc gọi báo thức”.
Phát biểu tại Hội nghị của Hội đồng Đại Tây Dương, ông Kerry nhấn mạnh: “Chúng ta không thể để ngân sách quốc phòng đồng minh tiếp tục bị thu hẹp. Dĩ nhiên không phải tất cả đồng minh đều đáp ứng được tiêu chuẩn đóng góp 2% GDP vào quỹ quốc phòng NATO ngay ngày mai hoặc thậm chí là trong năm sau. Nhưng đây là thời gian cho các thành viên chưa đáp ứng được định mức đó đưa ra cam kết đáng tin cậy để tăng chi phí quốc phòng trong 5 năm tới”.
Cờ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO
Ông Polikanov nhận định, những lời phát biểu của Ngoại trưởng Kerry là một “bài ca trong nhiều thập niên” thể hiện mong muốn của Hoa Kỳ về việc có thể chia sẻ gánh nặng và giảm chi phí đầu tư vào an ninh NATO trong tình trạng tài chính Washington đang gặp khó khăn.
Giám đốc Trung tâm Phân tích Chính trị-Quân sự tại Viện Hudson, ông Richard Weitz, cho biết, trong năm 2010, các liên minh đã thông qua một chiến lược mới nhằm vượt qua những thách thức mới của thời đại. Chiến lược này mang lại cho NATO sức mạnh để “chống lại các mối đe dọa mới, làm việc hiệu quả trong một thế giới thay đổi, với những tính năng cùng đối tác mới” bằng cách kết nạp những quốc gia và các tổ chức đa quốc gia khác. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là phải giải quyết một số vấn đề liên quan tới chi phí quốc phòng và khả năng phòng thủ.
Hiện Moscow và phương Tây đang vướng vào mối quan hệ căng thẳng kiểu "Chiến tranh lạnh" tại Ukraine. Vì vậy, việc khơi lên “mối đe dọa từ Nga” đối với các nước thành viên châu Âu có thể gia tăng và củng cố chi phí an ninh của tổ chức này.