Nga lờ yêu cầu chặn "kẻ phản bội nước Mỹ"
Phớt lờ yêu cầu của Nhà Trắng, thậm chí là lời khẩn cầu cá nhân của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Nga khoanh tay không chấp nhận việc ngăn chặn Snowden - người đang bị Mỹ cáo buộc tội tiết lộ thông tin mật - để trao trả cho Mỹ.
Gần đây, dư luận thế giới xôn xao với thông tin cựu nhân viên CIA Edward Snowden tiết lộ thông tin mật về những chương trình theo dõi điện thoại, internet của Mỹ khiến các nhà lãnh đạo Mỹ hết sức tức giận và truy tố Snowden với tội danh tiết lộ thông tin mật. Trong khi Mỹ thực hiện các thủ tục yêu cầu Hong Kong, lãnh thổ nơi Snowden đang trú ẩn, dẫn độ anh này về Mỹ thì lãnh đạo chính quyền Hong Kong đã để Snowden đáp máy bay đi Moscow trong sự "bất lực" của Mỹ. Và vụ việc này đã châm ngòi cho căng thẳng mới giữa Mỹ và Nga trong trò chơi tình báo. |
Trong hội nghị thượng đỉnh G-8 diễn ra gần đây, Tổng thống Mỹ Obama đã tìm kiếm sự giúp đỡ của Nga trong một loạt các vấn đề, từ vấn đề Syria cho tới cắt giảm vũ khí hạt nhân với hy vọng xây dựng một “mối quan hệ hợp tác xây dựng giúp hai nước thoát khỏi quá khứ Chiến tranh lạnh.”
Thế nhưng khi đụng chạm đến vấn đề gián điệp và cựu gián điệp, đối thủ cũ của Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh lạnh vẫn tỏ ra kiên quyết hơn bao giờ hết, và việc cựu nhân viên CIA Edward Snowden đặt chân tới Moscow là một trường hợp như vậy.
Snowden được cho là đã đặt chân tới Moscow
Phớt lờ yêu cầu của Nhà Trắng, thậm chí là lời khẩn cầu cá nhân của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Nga đã khoanh tay không chấp nhận việc ngăn chặn Snowden để trao trả cho Mỹ, nơi “người tố cáo” này bị cáo buộc tiết lộ thông tin tình báo mật, với lý do không có bất cứ thông tin nào về anh ta.
Hôm thứ Hai, các kênh truyền hình và hãng tin nhà nước Nga đều không đả động gì về thông tin Snowden đến Moscow, ngay cả khi cảnh sát Nga quây kín chiếc máy bay Aeroflot được cho là sẽ chở Snowden tới Cuba. WikiLeaks, tổ chức đang giúp đỡ Snowden tuyên bố rằng anh này đã có được giấy thông hành đặc biệt của Ecuador để quá cảnh an toàn qua nước Nga.
Trong lúc đó, Nhà Trắng lại tin rằng Snowden vẫn đang ở nước Nga, và một số chuyên gia về quan hệ Nga-Mỹ cho rằng điều này là có cơ sở.
Mỹ tin rằng Snowden hiện vẫn đang ở Nga
Matthew Rojansky, Phó giám đốc Chương trình Nga và Á-Âu thuộc tổ chức Hòa bình Quốc tế Carnegie nhận định: “Anh ta được cho là mang theo 4 laptop và một đống USB và biết hết mọi điều về những thứ khác. Bạn sẽ không bỏ qua một cơ hội trời cho như thế. Bạn sẽ không đơn giản để anh ta bước qua cửa lên đường tới Cuba.”
Ông Rojansky cho rằng nếu Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) nói rằng họ không tiếp xúc với Snowden thì điều đó hoàn toàn trái ngược với bản chất trò chơi tình báo lớn của họ.
Rojansky: Nga không thể bỏ qua cơ hội trời cho
Việc Mỹ và Nga vừa chơi trò chơi tình báo vừa duy trì quan hệ rộng mở hơn được thể hiện trong tháng trước khi FSB bắt giữ một quan chức Đại sứ quán Mỹ tại Moscow với tội danh làm việc cho CIA cùng tang vật là hai bộ tóc giả, một la bàn và một số tiền lớn. Trong vụ này, cả hai bên đều biết tôn trọng luật chơi: Nhà ngoại giao Ryan C. Fogle được hưởng quyền miễn trừ và bị trục xuất.
Nhưng trường hợp của Snowden thì khác, một phần bởi vì anh ta lựa chọn quá cảnh qua Nga với tư cách là người tị nạn, và một phần là vì lượng dữ liệu tình báo mà anh ta mang theo.
Lịch sử bất đồng lâu dài về vấn đề người đào tẩu giữa Mỹ và Nga khiến cho các quan chức Mỹ có ít hy vọng về sự hợp tác của Nga trong vụ Snowden. Gần đây nhất, Mỹ cũng đã từ chối yêu cầu của Nga trao trả Viktor Bout, một công dân Nga bị kết án tù giam ở Mỹ vì tội buôn lậu vũ khí.
Jasvinder Nakhwal thuộc hãng luật Peters & Peters ở Anh, người đã chống lại nhiều yêu cầu dẫn độ từ phía Nga cho rằng những rào cản về pháp lý và chính trị khiến cho tình hình thêm phức tạp và khiến các yêu cầu của Nga thường bị bác bỏ.
Ông Nakhawal cho biết: “Nga đã tìm cách dẫn độ nhiều cá nhân, tuy nhiên trong những trường hợp này, tòa án luôn kết luận rằng các yêu cầu dẫn độ này đều phục vụ cho mục đích chính trị.”
Trong bối cảnh đó, vụ Snowden đã tạo cho Nga một cơ hội để cáo buộc chính phủ Mỹ truy tố Snowden vì động cơ chính trị, hình thức truy tố mà các quan chức Mỹ vẫn thường lợi dụng để đả kích Kremlin.
Theo ông Rojansky, việc ủng hộ Snowden phù hợp với quan điểm ngăn chặn chủ nghĩa bá quyền Mỹ của nước Nga. Ông kết luận: “Câu chuyện đó vẫn tiếp tục từ thời chiến tranh lạnh tới hậu chiến tranh lạnh, trong đó Nga là một cường quốc đáng tin cậy hơn với những lý tưởng nhất định.”