Nga đóng tàu phá băng hạt nhân lớn nhất TG
Matthews Willis, nhà phân tích người Anh thuộc tổ chức tư vấn quốc phòng Rusi nhận định, kế hoạch của Nga nhằm đóng tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân lớn nhất thế giới có thể sẽ giúp thu hút thêm tàu thương mại nước ngoài tới Nga.
Nga hiện là nước duy nhất có đội tàu phá băng chạy bằng hạt nhân. Tập đoàn năng lượng hạt nhân quốc gia Rosatom đã ký hợp đồng đóng tàu phá băng thế hệ mới LK-60 cuối tháng Tám vừa qua. Con tàu sẽ được đóng tại xưởng Baltiysky Zavod ở St. Petersburg và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2017. Tàu dài 173m, rộng 34m, hơn con tàu phá băng lớn nhất hiện nay là dài 14m và rộng 4m. Tàu này sẽ hiệu quả hơn trong việc phá băng và có thể dẫn đường trong các vùng biển sâu ở Bắc cực cũng như trên các con sông cạn ở vùng Siberia.
Con tàu sẽ hoạt động trên Tuyến đường Biển Bắc. Đây là tuyến đường tốt nhất ở Bắc Cực, theo nhận định của ông Willis. “Bất kỳ việc vận chuyển tàu biển nào tới Bắc Cực cũng chắc chắn phải đi vào vùng Bắc Cực do Nga kiểm soát, vì thế người Nga đang nỗ lực làm cho tuyến đường trở nên hấp dẫn hơn. Tàu bè sẽ đi từ Trung Quốc hoặc Nhật Bản tới một điểm ở Nga rồi quay lại, đem theo tài nguyên thiên nhiên”.
Tàu phá băng hạt nhân mới sẽ lớn hơn tàu phá băng lớn nhất hiện nay
Một phần tư các nguồn dầu khí của thế giới được cho là nằm dưới Bắc Băng Dương. Nga, Na Uy, Canada, Đan Mạch và Mỹ đều tuyên bố chủ quyền ở Bắc Cực. Mặc dù tàu phá băng mới của Nga không có tác động gì đến việc khai thác dầu khí, và mục tiêu tước hết của nó là vì các tuyến đường biển, song đó là nỗ lực mới của Nga nhằm thể hiện tính ưu việt của mình trong khu vực này – tổ chức sinh thái quốc tế Bellona nhận định. Tuy nhiên tổ chức này cũng cho rằng, việc tàu hạt nhân hoạt động ở Bắc Cực sẽ dẫn tới phát thải khí CO2 rất lớn. Vì vậy sử dụng tàu hạt nhân ở đây vừa là ưu thế, vừa là rủi ro, vì tại Bắc Cực không có gì để sửa chữa tàu hạt nhân trong trường hợp tai nạn.