Nga chuẩn bị cho sự sụp đổ của chế độ Assad

Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga cho biết đã phái 2 máy bay đến Lebanon ngày 22/1 và sẽ đưa hơn 100 công dân Nga, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, về nước.

Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy Moscow đang chuẩn bị cho sự sụp đổ của chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.

Hiện chưa rõ đây có phải là khởi đầu cho một chiến dịch sơ tán quy mô lớn hay không. Số công dân Nga sơ tán bằng máy bay đợt này chỉ là số lẻ của khoảng 30.000 - 100.000 người Nga đang sống ở Syria. Dù vậy, theo nhà báo Yelena Gromova đang có mặt ở Damascus, người Nga tại đây tỏ ra khá bình thản, nhiều người còn tin là ông Assad sẽ giữ được quyền lực. “Không ai tin là quân nổi dậy có thể chiếm được Damascus. Điều duy nhất họ sợ là các cuộc tấn công khủng bố ngẫu nhiên” - nhà báo Gromova cho biết.

Không lâu trước đó, Nga cũng tiết lộ các kế hoạch sơ tán bằng đường thủy cho công dân nước này tại Syria. Nga đang tiến hành cuộc tập trận lớn nhất kể từ năm 1991 trên Địa Trung Hải, cách bờ biển Syria không xa. Theo giới phân tích, hải quân Nga hiện diện trong khu vực với hàng chục tàu chiến và khoảng 600 binh sĩ, một mặt để bảo vệ các lợi ích của nước này, mặt khác có thể sơ tán công dân Nga khi tình hình xấu hơn.

Nga chuẩn bị cho sự sụp đổ của chế độ Assad - 1

Các tay súng quân đội Syria tự do cố thủ ở ngoại ô Damascus ngày 21/1 (Ảnh: REUTERS)

Gần đây, giới chức cấp cao Nga nhiều lần nhận định chính quyền Damascus có thể sụp đổ và quả quyết Moscow không bảo hộ cho sự tồn tại của chế độ này dù vẫn kiên trì quan điểm giải quyết xung đột Syria bằng đối thoại. Là đồng minh lâu năm nhưng có thể Nga nhận thấy “làm bạn” với Syria lúc này quá mạo hiểm. Tháng trước, 2 công nhân Nga cùng nhà báo người Ukraine Anhar Kochneva được cho là đã bị phe nổi dậy Syria bắt cóc và đòi 50 triệu USD tiền chuộc.

Vào tuần trước, Nga đã đóng cửa lãnh sự quán ở Aleppo sau vụ tấn công vào trường đại học trong thành phố làm 87 người chết. Tờ Kommersant còn dẫn lời các quan chức an ninh cho biết đã phái 100 sĩ quan tình báo có vũ trang để hỗ trợ các nhân viên ngoại giao Nga rời Damascus khi cần thiết.

Trước đó, ngày 21/1, liên minh đối lập mới của Syria (SNC) đã thất bại trong việc chọn thủ tướng, dẫn đến trì hoãn việc thành lập một chính phủ chuyển tiếp trong cuộc họp tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). SNC dự định bầu ra một ủy ban 5 thành viên nhằm thúc đẩy việc thành lập chính phủ nói trên nhưng cuối cùng chỉ có một cái tên được đề cử là Riad Hijab, cựu thủ tướng Syria. Tuy giành được sự công nhận của nhiều quốc gia nhưng SNC vẫn chưa thống nhất được lực lượng đối lập tại Syria.

Cùng ngày 21/1, Giám đốc Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hiệp Quốc (OCHA) John Ging nhận định tình hình nhân đạo tại Syria ngày càng tồi tệ và “kinh hoàng”. Theo ông John Ging, đã có 519 triệu USD được giải ngân để trợ giúp các nhu cầu nhân đạo tại Syria song chỉ đáp ứng 50% nhu cầu. Liên Hiệp Quốc ước tính khoảng 4 triệu người Syria đang cần viện trợ khẩn cấp, trong đó 2 triệu người rơi vào tình trạng không nhà cửa và hơn 650.000 người phải tị nạn tại các nước láng giềng ở Bắc Phi hoặc châu Âu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mỹ Nhung (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN