Nga cảnh báo thảm họa hạt nhân ở Syria
Nga tuyên bố nếu tên lửa Mỹ đánh trúng lò phản ứng hạt nhân ở Syria, người dân thủ đô nước này sẽ phải gánh chịu thảm họa hạt nhân khủng khiếp.
Ngày 4/9, Bộ Ngoại giao Nga đã lên tiếng cảnh báo rằng cuộc tấn công của Mỹ vào Syria có thể biến thành một thảm họa kinh hoàng nếu tên lửa bắn trúng một lò phản ứng hạt nhân nhỏ chứa urani phóng xạ ở gần thủ đô Damascus.
Bộ Ngoại giao Nga đã kêu gọi Cơ quan Hạt nhân Liên Hợp Quốc khẩn cấp đánh giá nguy cơ này trong bối cảnh Mỹ đang xem xét thực hiện hành động quân sự trừng phạt chính phủ Syria.
Người dân Syria sẽ gánh chịu thảm họa nếu tên lửa Mỹ đánh trúng lò phản ứng hạt nhân
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga cho hay: “Nếu một tên lửa dù vô tình hay cố ý bắn trúng lò phản ứng nguồn neutron nhỏ (MNSR) ở gần Damascus, hậu quả do nó gây ra sẽ là một thảm họa.”
Khi đó những khu vực xung quanh sẽ bị nhiễm urani làm giàu cao và việc quản lý các vật liệu hạt nhân sau cuộc tấn công như vậy là không thể, do đó các vật liệu hạt nhân này có thể rơi vào tay những kẻ khủng bố.
Nga đã hối thúc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA “phản ứng nhanh chóng” và đưa ra cho các thành viên IAEA “một bản phân tích về nguy cơ liên quan tới việc Mỹ đánh trúng vào lò MNSR cũng như các cơ sở khác ở Syria.”
Nga hiện là đồng minh mạnh nhất của Tổng thống Syria Bashar al-Assad khi đứng ra bảo vệ nước này khỏi các nghị quyết trừng phạt của Liên Hợp Quốc, đồng thời cảnh báo rằng hành động tấn công quân sự nhắm vào Syria sẽ làm gia tăng căng thẳng và hủy họa các nỗ lực kết thúc cuộc nội chiến ở nước này.
Một phát ngôn viên của IAEA cho biết: “IAEA chưa nhận được yêu cầu chính thức từ Nga. Chúng tôi sẽ xem xét vấn đề này sau khi nhận được yêu cầu này.”
Trong một bản báo cáo hồi tuần trước, IAEA cho biết Syria từng tuyên bố sở hữu một “lượng nhỏ vật liệu hạt nhân” tại lò phản ứng này.
Chuyên gia hạt nhân Mark Hibbs thuộc tổ chức tư vấn Carnegie Endowment cho biết MNSR là một lò phản ứng rất nhỏ và không chứa nhiều vật liệu hạt nhân. Tuy nhiên ông này cho biết có thể sẽ có “nguy cơ nhiễm xạ nghiêm trọng” với người dân địa phương nếu các vật liệu hạt nhân này bị phát tán ra ngoài dưới tác động của vụ tấn công bằng tên lửa.
Cựu thanh sát viên IAEA Olli Heinonen cho biết bên trong lò phản ứng này thường có khoảng 1 kg urani làm giàu ở mức độ cao, ít hơn rất nhiều so với số lượng 25 kg cần thiết để chế tạo một quả bom nguyên tử.
Năm 2007, Israel đã từng đánh bom một cơ sở bỏ hoang của Syria mà tình báo Mỹ cho là một lò phản ứng hạt nhân ngụy trang do Triều Tiên thiết kế nhằm sản xuất Plutoni để chế tạo vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên Syria nói rằng cơ sở có tên là Deir al-Zor này chỉ là một căn cứ quân sự bình thường.